Cứ mỗi buổi chiều, trên khắp các ngã đường quận Bình Tân, quận 2, quận 3 (TP.HCM), mỗi khi xảy ra kẹt xe mọi người lại thấy người đàn ông có nước da ngăm đen, tay cầm gậy điều tiết giao thông xuất hiện.
Các hiệp sĩ đường phố Sài Gòn có những chia sẻ về cách nhận dạng cũng như thủ đoạn của những băng nhóm cướp giật để người dân nhận biết cách phòng tránh.
Đó là Hiệp sĩ giao thông Nguyễn Văn Linh – người suốt 11 năm nay chuyên lo “việc bao đồng”.
Nguồn thu nhập chính của Hiệp sĩ giao thông – Nguyễn Văn Linh là từ công việc rửa xe
Ông Nguyễn Văn Linh (45 tuổi), hiện đang làm việc ở một tiệm rửa xe ven quốc lộ 1A (quận Bình Tân, TP.HCM).
Năm 2000, khi còn làm nghề xe ôm và chứng kiến tình trạng ùn tắc giao thông trên khắp các tuyến đường trong thành phố. Cho đến năm 2005, lần đầu tiên ông Linh nảy ra ý nghĩ “mình phải tự mở đường cho xe chạy”.
Những ngày đầu lo chuyện “bao đồng”, cả vợ con lẫn bạn bè đều phản đối. Nhiều người nói ông là “thằng khùng, việc nhà không lo, toàn đi lo chuyện ngoài đường”, hay ”tui mà là vợ ông thì tui không cho ông làm đâu, lo cho người dưng thì được, còn nhà cửa,vợ con thì bỏ xó”…
Nhưng ông cứ để ngoài tai, cần mẫn tình nguyện làm công việc này sau khi sắp xếp việc nhà cửa chu toàn.
Ban ngày ông cùng nhiều anh em cũng làm việc tại tiệm rửa xe trên quốc lộ 1A
Cứ đến tầm 4 giờ chiều ông Linh lại mở kênh VOV giao thông lên nghe. Cứ hễ ở đâu có kẹt xe là ông chạy tới. Rồi dần dần thành quen, ông Linh trở thành cộng tác viên giao thông của nhiều kênh thông tin, báo đài ở TP.HCM.
Nhiều anh em đồng nghiệp cùng làm chung tại xưởng rửa xe, cho biết: “Anh Linh sống tốt lắm. Nhà nghèo vậy đó, cái thời gian ảnh chạy tới mấy chỗ kẹt xe mà để làm thêm giờ thì kiếm được ít tiền rồi, nhưng mà ảnh thích giúp đỡ người khác. Cái tính ảnh nó lành như vậy rồi. Như với anh em làm chung ở đây, chẳng bao giờ ảnh to tiếng hay xích mích với ai”.
Khó khăn nhất khi đứng giữa đường điều tiết giao thông chính là số lượng người trên đường quá đông. Thứ hai là thấy ông không mặc đồng phục, một số người tò mò, một số lại tỏ vẻ khó chịu. Khi được nhắc nhở, thay vì nghe theo để nhanh chóng giải quyết tình trạng kẹt xe thì người dân lại làm lơ và... phóng xe đi thẳng.
Dù chưa từng học qua trường lớp nào, “chỉ thấy mấy chú cảnh sát điều khiển giao thông hay hay nên tôi nhìn rồi học theo. Mà ở Sài Gòn thì ngày nào không kẹt xe. Hết người này trễ học đến người trễ làm. Tôi chở khách cũng bị ảnh hưởng không ít. Vậy là tôi tự ra điều tiết giao thông luôn. Vừa giúp người ta mà cũng vừa giúp mình thoát khỏi cảnh kẹt xe mỗi khi tan làm”, ông Linh chia sẻ.
Đến 3 giờ chiều ông tắm rửa, thay đồ để lên đường tìm chỗ kẹt xe
Có một lần, khi đang điều tiết giao thông trên đường Nguyễn Hữu Cầu (quận 1). Ông Linh bị công an phường tại đó ra bắt vì lý do: “Ông là người dân, không có giấy tờ chứng nhận gì của nhà nước cấp cho thì sao mà làm được. Rất nguy hiểm”.
Không từ bỏ, ông tìm cách liên hệ với đài truyền hình VTV và ANTV nhờ hỗ trợ, và đã được cấp giấy chứng nhận hành nghề.
Ông Linh nhận xét, khó khăn nhất khi đứng giữa đường điều tiết giao thông chính là số lượng người trên đường quá đông. Thứ hai là thấy ông không mặc đồng phục, một số người tò mò, một số lại tỏ vẻ khó chịu. Khi được nhắc nhở, thay vì nghe theo để nhanh chóng giải quyết tình trạng kẹt xe thì người dân lại làm lơ và... phóng xe đi thẳng.
Nhưng lâu ngày, khi mọi người bắt đầu quen với cảnh người đàn ông luôn xuất hiện ở những nơi kẹt xe. Thoăn thoát chạy tới chạy lui, chỉ dẫn giao thông một cách chuyên nghiệp. Có người đem biếu ông khi thì lon bò húc, lúc thì gói bánh, hộp sữa, có người cho quần áo, rồi tặng ông áo mưa. “Nhưng chú làm cái này không mặc áo mưa được. Vì mình di chuyển nhiều mà, mặc áo mưa nó vướng víu lắm”, ông nói.
Con trai thứ 2 của ông Linh cũng phụ giúp ba trong công việc tại tiệm rửa xe
Theo ông, những xe chạy nhanh và ẩu nhất là container, buýt và taxi. Với độ dài của toàn bộ chiếc xe, tầm cua của container rất khó để người đi xe máy có thể đoán được. Và nếu không để ý thì rất dễ xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Ông cũng nói thêm, mặc dù nhà nước đã quy định tất cả các phương tiện không được vượt đèn vàng, nhưng những “hung thần xa lộ” này vẫn nhiều lần cố tình phạm luật.
Kể về những kỷ niệm đáng nhớ trong suốt quãng thời gian 11 năm hành nghề. Ông Linh cười lớn: “Hôm đó mưa to, tôi đang hướng dẫn xe chạy thì đôi giày trở chứng hở nguyên cái đế. Không có keo để dán lại, cũng không kịp thời gian đi mua. Tôi chạy vào mượn đỡ sợi dây thun cột lại rồi ra làm tiếp. Hay như hồi mới làm còn lúng túng. Anh hai tôi mới nghĩ ra một cách rất thông minh. Ổng lấy nhiều bao cát chất lên thành cái đồn cao giữ đường. Rồi biểu tôi đứng lên đó điều tiết giao thông. Vừa đứng cao, dễ quan sát lượng xe di chuyển xung quanh, vừa đỡ nguy hiểm. Vì nếu gặp xe chạy nhanh, lỡ có đâm vào thì cũng trúng mấy bao cát trước rồi mới tới lượt 2 anh em tôi”.
Được biết, anh trai ruột của ông Linh là ông Nguyễn Văn Luận, cũng là một trong những người tình nguyện điều tiết giao thông ở những khu vực xảy ra kẹt xe. Cả ông Luận và ông Linh đều được VOV phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ giao thông vào năm 2012.
Người vợ hết mực yêu thương và ủng hộ ông Linh trong suốt 11 năm lo chuyện “bao đồng”
Bà Huỳnh Thị Âu (40 tuổi), vợ ông Linh nhắc lại: “Cả ngày ổng ở đây rửa xe. Đến tầm 3 giờ chiều là bắt đầu tắm rửa thay đồ rồi xách xe chạy, cũng hơn 9 giờ tối mới về tới nhà. Đi điều tiết giao thông gì đó cũng không có lương, mà ngoài đường xe cộ chạy nguy hiểm nên tôi phản đối dữ lắm. Nhiều bữa đi làm dầm mưa về đổ bệnh, tôi vừa giận vừa thương. Nhưng rồi thấy ổng mê nghề này quá, với mình cũng muốn làm việc này như cách từ thiện, tích đức cho con cái. Giờ tôi không cản nữa, ủng hộ ổng hết mình luôn”.
Khi được hỏi về động lực nào giúp ông gắn bó với công việc điều khiển giao thông này, ông Linh cười hiền: “Nghề nghiệp nó chọn mình thôi. Chắc cũng là cái duyên”. Và cái “duyên nghiệp” đó đã theo ông Linh suốt 11 năm nay, đủ lâu để ông nắm rõ lịch giờ cao điểm của từng tuyến đường ở TP. HCM.
Bên cạnh những kỷ niệm vui, không ít lần ông Linh gặp nguy hiểm khi đang làm việc. Ông kể: “Năm 2007, tôi điều tiết giao thông ở đoạn ngã tư Bốn Xã. Lúc đó chưa có đường nhựa như bây giờ đâu, đường lầy lội lắm. Dựng xe đó lo làm đâu có để ý. Tới lúc quay lại thì cái xe đâu mất tiêu luôn. Về nhà vợ con chửi quá trời. Mình sai thì mình chịu, nhưng bữa sau tôi lại lấy xe đạp đi làm tiếp”.
Chiếc áo mới có dòng chữ “Hiệp sĩ giao thông” do ông Linh tự may. Vì chiếc áo do VOV tặng đã quá cũ, ông để dành làm kỷ niệm
Một lần khác vào năm 2011, ngay trước trụ sở công an quận Bình Tân có 1 cái hố tử thần sâu 2m. Vào khoảng 6 giờ 30 tối, rất nhiều xe qua lại bị ngã ở đoạn này. Trong lúc ông Linh đang hướng dẫn và phụ đẩy xe qua đoạn đường xấu. Một chiếc xe ben chạy đến với tốc độ rất nhanh. “Cũng hên có trời phật phù hộ không thì tôi đã chết rồi”.
Gần 11 năm ròng rã đứng giữa nắng, mưa ở ngã tư Thủ Đức, ngã tư Hàng Xanh, Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn (quận 3), Hoàng Sa - Lê Văn Sỹ (quận 3), sân bay Tân Sơn Nhất để điều tiết giao thông những giờ kẹt xe... Ông Linh chưa bao giờ có ý định “nghỉ việc”. Vì với ông, những ngày chạy ngược chạy xuôi hướng dẫn giao thông là sở thích, là niềm vui và là cả một phần quen thuộc trong cuộc đời.
Người dân xung quanh các khu vực kẹt xe mà ông Linh hay điều tiết cũng dần quen mặt ông giao thông tình nguyện này. Nhiều lần ông đang làm việc nhà cũng nhận được điện thoại gọi tới báo có kẹt xe, nhờ ông ra giải quyết giúp.
Người dân đã quá quen thuộc với hình ảnh người đàn ông da ngăm đen, luôn xuất hiện kịp thời tại những nơi xảy ra ùn tắc giao thông
Bà Hồng bán nước sâm trên vỉa hè khu vực ngã tư Nguyễn Đình Chiều – Nam Kỳ Khởi Nghĩa) cho biết: “Đoạn này là đường chính đi từ sân bay về đây nên lúc nào cũng đông đen. Mà cảnh sát giao thông không đứng đây đâu. Chỉ khi nào có đoàn xe nhà nước đi thì mấy ổng mới ra đứng dẹp đường. Xe lớn qua một cái là mấy ổng cũng chạy đi liền. Từ khi có ông Linh này đến điều tiết thì tình trạng kẹt xe ở đây giảm hẳn”.
Bà Lan, nhân viên tại siêu thị Coop Mart trên đường Nguyễn Đình Chiểu cũng nhận xét: “Ông này người ở đâu mà tốt bụng quá. Ổng làm không công mà vậy thì còn hơn người ta đi chùa rồi. Người dân mình quá vô ý thức, cứ kẹt xe là chạy luôn lên lề, thấy người ta đang đi bộ cũng bấm còi inh ỏi muốn nhức tai. Không có ông Linh tới phân luồng giao thông thì chỗ này cứ kẹt xe hoài. Có khi đứng nửa tiếng mới nhích được đoạn nhỏ”.
Trên tường là những hình ảnh và bằng khen của 2 anh em Hiệp sĩ giao thông Nguyễn Văn Luận và Nguyễn Văn Linh
Chiếc gậy điều tiết giao thông của ông hiện tại đang dùng mới được ủy ban cấp cho. Trước đây, ông tự thiết kế cho mình chiếc gậy bằng cái chân ghế gỗ cũ. Không màng đến danh lợi. Điều quan trọng nhất đối với ông Linh là mong muốn sự an toàn cho mọi người dân khi tham gia giao thông. Ông vừa cười vừa nói: “Chiếc gậy này nhìn vậy thôi chứ hay lắm, nhìn từ xa thấy tôi giơ chiếc gậy này lên là mọi người tự động đi chậm lại. Mấy anh em tài xế xe tải, xe lớn gặp tôi đều giơ tay chào. Vui lắm”.
Bình luận (0)