Người đàn ông bị viêm da tăng sừng lòng bàn tay

Lê Cầm
Lê Cầm
27/08/2022 09:13 GMT+7

Người bệnh tên P.A, 67 tuổi, TP.HCM đến khám tại Phòng khám Da thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 trong tình trạng da tăng sừng, nứt nẻ ở các đốt ngón tay, lòng bàn tay.

Bệnh diễn tiến bắt đầu ở một lòng bàn tay và tiến triển đến lòng bàn tay còn lại và lan đến mặt lòng các ngón tay, không mụn nước - mụn mủ, móng tay không ghi nhận sang thương. Người bệnh thường xuyên thấy ngứa và đau tại vị trí các vết nứt da.

Ngày 26.8, ThS-BS. Trần Thu Nga, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, sau khi thăm khám người bệnh được cho sử dụng thuốc thảo dược để bồi bổ khí huyết. Khi khí huyết được lưu thông, tà độc được đẩy ra ngoài thì tình trạng bong tróc da thoái lui.

Ngoài ra người bệnh được kết hợp châm cứu, hướng dẫn sử dụng sữa dưỡng thể... Sau 1 tuần điều trị tình trạng của bệnh nhân giảm triệu chứng bong tróc, độ ẩm cải thiện, các vết nứt nẻ trên da đóng mài lành thương tốt, không có vết nứt mới, nhờ đó sinh hoạt hằng ngày không còn bị giới hạn.

Bàn tay người bệnh khi đến khám

bscc

Theo bác sĩ Nga, viêm da tăng sừng lòng bàn tay (Hyperkeratotic palmar eczema) là một dạng biểu hiện của viêm da cơ địa, với sự xuất hiện vảy dày ở lòng bàn tay mà không có bất kỳ dấu hiệu khác nào trên da đi kèm. Bệnh lý này còn có các tên gọi khác như bệnh chàm tăng sừng ở lòng bàn tay, chàm da bàn tay dạng vảy nến. Tình trạng này phân biệt với tình trạng chàm da bàn tay đặc trưng bởi tình trạng dễ kích ứng, có vảy, nứt nẻ, tăng sừng ở bàn tay và lòng bàn tay các ngón tay.

Nam giới chiếm đa số và bệnh nhân chủ yếu ở độ tuổi trung niên. Có khoảng 2- 5% đơn xin trợ cấp thương tật vĩnh viễn ở một số quốc gia Tây Âu là do bệnh lý này.

Bác sĩ Nguyễn Thị Quý, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết thêm, viêm da tăng sừng lòng bàn tay được xem là một dạng phụ của bệnh chàm ở tay mà không xác định được nguyên nhân. Công việc lao động bằng tay nhiều được xem là yếu tố nguy cơ nhưng đa phần người bệnh lại không ghi nhận tiếp xúc chất gây kích ứng. Bệnh lý này dường như không có nguồn gốc di truyền và không có mối liên quan với bệnh vẩy nến hoặc viêm da dị ứng.

Bàn tay bệnh nhân sau một tuần điều trị

bscc

Theo Y học cổ truyền, viêm da tăng sừng lòng bàn tay thuộc phạm vi chứng bì phu khô ráp. Trong Đông Y, phế chủ bì mao (da, lỗ chân lông), khí vận hành làm ấm da lông. Tầng da ở ngoài là nơi dương khí phân bố ra ngoài để bảo vệ thân thể, giúp cho cơ thể điều tiết khí hậu bên ngoài và dương khí bên trong, khi lạnh thì đóng kín lại, khi nóng thì da lông mở ra. Khi chính khí suy yếu, mất sự điều hòa thì độc tà, phong hàn, thấp nhiệt tà xâm nhập làm cản trở hoạt động dinh dưỡng da, khiến độc tố tích tụ và có thể dẫn đến các vấn đề: da khô, nổi vảy, da nhăn nheo, nặng hơn thì nhiễm khuẩn, sinh ra các chứng bệnh thấp chẩn (viêm da cơ địa)… Chính khí là chất dinh dưỡng vận hành trong nhân thể, là sự hoạt động của các tạng phủ và khí quan.

Sau khi được thăm khám và điều trị bằng thuốc bồi bổ khí huyết phù hợp với thể trạng từng người, người bệnh cũng cần tuân thủ các biện pháp như

Sử dụng găng tay bảo hộ thích hợp khi phải làm việc bằng đôi tay và đặc biệt khi phải làm ướt bàn tay. Găng tay bảo hộ phải còn nguyên vẹn, sạch sẽ và khô ráo bên trong và cố gắng sử dụng trong thời gian ngắn nhất có thể. Khi sử dụng găng tay bảo hộ trong hơn 10 phút, nên đeo găng tay cotton bên dưới. Tránh rửa tay nhiều lần. Sử dụng chất tẩy rửa không chứa xà phòng và đảm bảo tay được lau khô hoàn toàn sau khi rửa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.