Người đàn ông câm, điếc mong tìm gia đình sau 15 năm thất lạc

Ngọc Lê
Ngọc Lê
17/07/2018 10:06 GMT+7

Cứ về đêm, ông Câm ngồi ngoài hiên, nhìn về xa xăm buồn bã khiến những người bên cạnh không khỏi xót xa. Ước nguyện của ông hiện nay là mong tìm gặp lại được người thân, quê hương của mình.

Bị câm, điếc bẩm sinh, sống vất vưởng, lang thang, ông được một người dân tốt bụng cưu mang, đưa về sinh sống ở ấp Nông Doanh, xã Xuân Tân, TX.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Nhưng trong sâu thẳm, ông vẫn đau đáu muốn tìm, đoàn tụ với người thân của mình sau gần 15 năm lưu lạc...
Ông được người dân ở đây gọi là “ông Câm”, hiện tầm hơn 65 tuổi. Việc giao tiếp hằng ngày của ông là chỉ trỏ bằng tay và những từ ú a, ú ớ. Vì vậy, những người sống bên cạnh ông không thể hiểu hết các câu chuyện ông kể, đặc biệt về quê hương và gia đình mình.
Bà Nguyễn Thị Ta (72 tuổi, ngụ đường Hồ Thị Hương, TX.Long Khánh, H.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), người đưa ông Câm về sống với vợ chồng bà, kể: “Năm 2004, trong một lần đi ngang qua Bến xe Long Khánh, tôi nhìn thấy người đàn ông hốc hác, thân hình ốm yếu, da ngăm đen, nhìn khổ sở, người đang run lên vì đói. Lúc ấy, ông lại đang bị một số người không tốt hiếp đáp, cướp hết số tiền ít ỏi mà ông xin được. Thấy vậy, tôi đến hỏi thăm thì mới biết ông không nghe, không nói được. Thấy hoàn cảnh đáng thương, tôi dắt ông về sống chung với vợ chồng tôi...”. Lúc bà Ta tìm thấy ông Câm chỉ có bộ đồ cũ trên người, ngoài ra không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Do đó, việc biết lai lịch của ông Câm càng vô vọng.
Vợ chồng bà Ta đưa ông Câm về và cho trông coi vườn trái cây của gia đình. Hằng tháng ngoài chăm lo việc ăn mặc, bà Ta còn đưa một khoản tiền nhỏ cho ông để dành phòng khi đau ốm. Bà Ta cho biết ông Câm làm việc rất chăm chỉ, cần mẫn. Lúc mới về, mỗi khi ông “trò chuyện” bằng cách ra dấu, ít ai hiểu được, nhưng mấy năm trở lại đây, sống chung với nhau lâu nên hiểu được chút ít qua sự diễn tả của ông.
Bị câm, điếc bẩm sinh, sống vất vưởng, lang thang, ông được một người dân tốt bụng cưu mang, đưa về sinh sống ở ấp Nông Doanh, xã Xuân Tân, TX.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Nhưng trong sâu thẳm, ông vẫn đau đáu muốn tìm, đoàn tụ với người thân của mình sau gần 15 năm lưu lạc...
Không ít lần người nhà bà Ta suy đoán xem quê ông Câm ở đâu với mong muốn tìm gia đình cho ông nhưng chưa có kết quả.
Đau đáu nỗi nhớ gia đình qua nét vẽ
Anh Lê Đức Thường (27 tuổi, ngụ xã Đức Bình, H.Tánh Linh, Bình Thuận), cháu ruột bà Ta, là người sống chung với ông Câm khoảng 5 năm nay, cho biết do ông Câm không biết chữ nên cố gắng lắm anh mới hiểu chút ít thông tin mà ông cung cấp, diễn tả qua những nét vẽ trên những tờ giấy.
Hằng đêm, mỗi khi nhớ nhà, nhớ về người thân của mình, ông Câm thường vẽ ra giấy. Qua những bức hình, mọi người đoán rằng, ông muốn nói có một mẹ già, có vợ và 2 con, một gái và một trai. Nhà ông có rất nhiều dừa, có đồng lúa và có sông. Bao quanh nhà có một dãy núi, ở đó họ trồng sắn và chuối rất nhiều... Khi mọi người gặng hỏi cũng bằng tay lý do bị lạc mất gia đình, ông Câm vẽ chiếc xe khách, diễn tả mình đi lên xe rồi bị lạc đến đây. Mỗi khi nhìn trên báo, thấy hình các cụ già, ông xé ra và diễn tả đó là mẹ mình. Đôi khi đang xem ti vi thấy những người tầm 24, 25 tuổi ông lại khóc và ra dấu cho biết họ bằng tuổi con mình...
Những người làm chung trong rẫy với ông Câm cũng thường đăng thông tin trên mạng xã hội, mong tìm người thân cho ông. Hiện tại, ở cái tuổi sắp gần đất xa trời nhưng vẫn cô độc, lại không nghe, không nói được, không biết tìm gia đình bằng cách nào nên ông Câm không ít lần rơi vào tuyệt vọng. Cứ về đêm, ông ngồi ngoài hiên, nhìn về xa xăm buồn bã khiến những người bên cạnh không khỏi xót xa. Ước nguyện của ông hiện nay là mong tìm gặp lại được người thân, quê hương của mình.
Thông qua Báo Thanh Niên, ông Câm hy vọng người thân của mình đọc được bài viết, biết rằng ông vẫn đang tìm kiếm và rất mong ngày đoàn tụ với gia đình, vợ con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.