Anh Moses Gibson là một kỹ sư phần mềm ở Mỹ. Suốt nhiều năm qua, anh đã cố gắng để có bạn gái nhưng không thành và cảm thấy mệt mỏi vì điều này, theo tờ New York Post (Mỹ).
Ngoài ra, anh cũng kém tự tin vì chiều cao của mình. Anh nghĩ mình có "thân hình thấp bé" khi chỉ cao 1,65 mét. Người đàn ông cảm thấy chán nản và đã thử tìm mọi cách để tự an ủi bản thân nhưng đều vô ích.
"Tôi cảm thấy không ổn về bản thân mình. Hầu hết thời gian tôi không hài lòng về chiều cao của mình. Nó khiến tôi kém tự tin trước các cô gái và ảnh hưởng đến đời sống hẹn hò của mình. Tôi từng nhét đồ vào giày để được tăng chiều cao đôi chút nhưng không nhiều lắm", anh Gibson kể lại.
Anh đã thử dùng thuốc và rất nhiều cách để cải thiện chiều cao nhưng đều bất thành. Do đó, anh đã quyết định dành 170.000 USD (gần 4 tỉ đồng) để thực hiện 2 ca phẫu thuật kéo dài chân đau đớn và phải đối mặt một số rủi ro sức khỏe.
Ca phẫu thuật đầu tiên thực hiện vào năm 2016 đã giúp anh tăng thêm hơn 7,6 cm, từ 1,65 mét lên 1,727 mét. Vì chưa hài lòng nên anh đã thực hiện ca phẫu thuật tăng chiều cao thứ hai.
Bác sĩ cho biết nếu quá trình hồi phục diễn ra tốt thì đến tháng 6.2023, chiều cao của anh sẽ đạt mức 1,777 mét. Vậy sau 2 ca phẫu thuật kéo dài chân, anh đã tăng thêm tổng cộng 12,7 cm, từ 1,65 mét lên 1,777 mét. Tuy nhiên, hiện tại anh đã tìm được bạn gái và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.
Trên thực tế, phương pháp phẫu thuật kéo dài chân thường được dùng để chỉnh sửa cho những người mà 2 chân họ khập khiễng, không bằng nhau. Phẫu thuật dạng này phù hợp nhất ở nhóm từ 18 đến 25 tuổi, tức gần cuối quá trình phát triển xương. Tuy nhiên, một số ít trường hợp phẫu thuật kéo dài chân cũng áp dụng cho người lớn tuổi.
Phẫu thuật kéo dài chân cũng kèm theo một số rủi ro như người bệnh phản ứng với thuốc mê, chảy máu, nhiễm trùng. Người bệnh cũng có thể mắc một số tác dụng phụ như cứng khớp, đau da, tăng nguy cơ nứt và gãy xương, theo New York Post.
Bình luận (0)