Người đàn ông khuyết tật ở miền Tây làm 'gà trống nuôi con' trong căn nhà xiêu vẹo

04/02/2023 12:25 GMT+7

Bị khuyết tật, cuộc sống đầy khốn khó, anh Trần Sung (36 tuổi, ở miền Tây) phải làm lụng vất vả để lo cho con ăn học.

Người và gia cầm ở chung 'nhà'

Nhắc đến anh Sung (ngụ ấp An Nghiệp, xã An Mỹ, H.Kế Sách, Sóc Trăng), bà con lối xóm đều xót xa trước hoàn cảnh khốn khó của anh. Hai cha con sống trong căn nhà chắp vá bằng lá dừa nước và bạt cao su hiện đã xiêu vẹo. Trong nhà, đồ vật có giá trị nhất là chiếc giường cũ kỹ. Nơi ở cũng là nơi anh nuôi gà, vịt để kiếm thu nhập, mùi phân vịt bốc lên khó ai chịu nổi.

Người đàn ông khuyết tật làm “gà trống nuôi con’’ trong trăm ngàn khốn khó - Ảnh 1.

Cha con anh Sung sống trong căn nhà chắp vá, xiêu vẹo

DUY TÂN

Anh Sung kể, vợ bỏ đi khi con trai vừa tròn 5 tuổi, anh trở thành "gà trống nuôi con". Gánh nặng cuộc sống đè nặng hơn khi anh không phải là người khỏe mạnh bởi chân bị khuyết tật từ nhỏ. "Tuy khó làm việc nặng nhưng tôi vẫn cố gắng hết sức để trồng trọt, chăn nuôi và làm thuê nuôi cho con đi học", anh Sung buồn bã.

Người đàn ông khuyết tật làm “gà trống nuôi con’’ trong trăm ngàn khốn khó - Ảnh 2.

Bên trong căn nhà chẳng có thứ gì giá trị

DUY TÂN

Anh Sung sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, năm 11 tuổi, anh bị sốt bại liệt khiến tay chân co quắp. "Khi đó, sau cơn sốt, tôi nằm bất động, tay chân không động đậy. Cha mẹ không bỏ cuộc, chạy đôn chạy đáo đưa tôi đi chữa trị hết bệnh viện này tới nơi khác. Sau đó, qua thời gian dài tập vật lý trị liệu nên tôi mới có thể đi tập tễnh, còn bàn tay thì không có sức nên cầm nắm không chặt", anh Sung cho biết.

Người đàn ông khuyết tật làm “gà trống nuôi con’’ trong trăm ngàn khốn khó - Ảnh 3.

Căn nhà nhỏ xíu, dột nát là nơi sống chung giữa người và gia cầm

DUY TÂN

Gia cảnh nghèo khó, bản thân tật nguyền nên anh Sung chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ để phụ giúp cha mẹ chuyện đồng áng. Trong nhà, ngoài anh Sung còn một người em gái bị khù khờ, kém thông minh nên cuộc sống khốn khó trăm bề.

Bản tính thật thà, chất phác, hiền hậu, chịu khó làm ăn, anh Sung được một người con gái trong xóm đem lòng yêu thương. Năm 2014, đám cưới diễn ra trong sự hạnh phúc vô bờ của chàng trai khuyết tật, nghèo khó.

Người đàn ông khuyết tật làm “gà trống nuôi con’’ trong trăm ngàn khốn khó - Ảnh 4.

Những tấm cao su phủ lên nóc nhà tránh những ngày mưa

DUY TÂN

Nỗ lực kiếm sống và nuôi con trên đôi chân tật nguyền

Sau khi cưới, vợ chồng anh được cha mẹ cho mượn miếng đất trồng cam ở ấp An Nghiệp để cất nhà sinh sống. Lấy nhau chưa lâu thì vợ mang thai, sợ vợ vất vả anh Sung cáng đáng nhiều việc hơn. Lần lượt 2 đứa con ra đời, dù tay chân không lành lặn nên không đi làm hồ được, anh phải lặn sình, móc đất, dặm lúa... công việc nào anh cũng chấp nhận làm để có tiền nuôi con.

Người đàn ông khuyết tật làm “gà trống nuôi con’’ trong trăm ngàn khốn khó - Ảnh 5.

Anh Sung luôn cố gắng lo cho con ăn học

DUY TÂN

Năm 2020, do cuộc sống khó khăn nên vợ anh dứt áo ra đi dắt theo đứa con út, không một lần trở về. Đứa lớn tên Trần Thạch Gia Túc (7 tuổi), đang học lớp 1 vẫn ngày ngày ngóng mẹ về thăm. Sống cảnh bơ vơ, buồn tủi, túng thiếu song anh vẫn luôn nỗ lực kiếm sống trên đôi chân tật nguyền vì đứa con trai bé bỏng. Anh Sung tâm sự: "Con còn nhỏ lắm, cứ khóc sa sả cả ngày vì nhớ hơi mẹ. Nó cứ hỏi tôi mẹ đi đâu hoài không về. Tôi buồn lắm cứ ngày đêm bế con ngóng mẹ nhưng cô ấy đi đến nay đã 2 năm rồi mà không có một tin tức".

Người đàn ông khuyết tật làm “gà trống nuôi con’’ trong trăm ngàn khốn khó - Ảnh 6.

Anh Sung vay vốn nuôi dê để kiếm sống

DUY TÂN

Anh Sung cho biết, khoảng 2 năm trước anh lãnh vé số bán kiếm thêm tiền dành dụm lo cho con ăn học. Nhưng bán hơn 6 tháng, dịch Covid-19 ập đến, anh phải nghỉ. Gom được số tiền ít ỏi, anh mua ít con gà, con vịt thả nuôi kiếm chút đỉnh qua ngày. Năm 2021, anh quyết định vay vốn mua được 5 con dê với hy vọng có thu nhập khá hơn.

Hiện để tiện cho con đến trường, anh Sung gửi con ở nhà ông bà nội, khi cuối tuần hoặc lúc nhớ con quá mới đón con về nhà chơi ít hôm. Anh vẫn luôn cố gắng để lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, có tương lai xán lạn, không phải khổ như cha.

Người đàn ông khuyết tật làm “gà trống nuôi con’’ trong trăm ngàn khốn khó - Ảnh 7.

Anh Sung ra vườn cắt cỏ cho dê ăn

DUY TÂN

Khốn khó là vậy nhưng mỗi ngày anh luôn lấy con làm động lực để cố gắng.

Ông Huỳnh Hữu Lộc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Mỹ, cho biết anh Sung bị khuyết tật gia đình thuộc hộ nghèo, cuộc sống khốn khó trăm bề. Trước đó, anh có làm đơn xin vay vốn chính sách để nuôi dê và được xã hỗ trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.