Người đàn ông nôn ói 3 ngày vì ngộ độc rượu chuối hột

Duy Tính
Duy Tính
16/01/2023 13:59 GMT+7

Bác sĩ cảnh báo, trong những bữa tiệc tất niên, ngày tết, cần cảnh giác trước những loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc vì người uống rất dễ bị ngộ độc.

Ngày 16.1, tin từ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân T.H.V (30 tuổi, ngụ TP.HCM) đến cấp cứu trong tình trạng nôn ói, lừ đừ, mắt nhìn mờ vì bị ngộ độc rượu.

Trước đó, anh V. mua rượu ngâm chuối hột, uống thử 1 ly khoảng 20 ml trước khi đãi bạn bè. Sau đó anh đau bụng, nôn liên tục 3 ngày đêm, được gia đình đưa đi cấp cứu.

Uống 1 ly rượu chuối hột, nam bệnh nhân bị ngộ độc phải lọc máu 2 ngày

B.V.C.C

Kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu khẳng định, bệnh nhân V. bị ngộ độc cồn công nghiệp (methanol, còn gọi rượu methylic). Bệnh nhân được lọc máu ngay lập tức để tránh chuyển biến xấu dẫn đến tổn thương não, mù mắt, tử vong. Hai ngày sau, bệnh nhân V. khỏe, tỉnh táo, mắt không còn nhìn mờ, ăn uống không bị nôn.

Bác sĩ CK.2 Lê Hồng Hải, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, khuyên người dân nên hạn chế uống rượu bia, vui tết lành mạnh. Sau uống rượu, nếu bị đau đầu dữ dội, buồn nôn liên tục, cần đến bệnh viện để cấp cứu. Nếu chậm trễ, có thể ảnh hưởng đến mắt, não bộ… việc cứu chữa rất khó khăn.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), methanol vào trong cơ thể sẽ chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1 - 2 ngày, các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu uống liên tục dù với liều tuy không cao nhưng sẽ tích lũy, gây tổn thương, ngộ độc cấp, nguy cơ tử vong cao.

Nhiều người chuộng các loại rượu ngâm, được đóng trong chai nhựa, không có tem dán, nhãn mác... Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định quá trình tự ngâm, tự nấu rượu có đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.

Cục An toàn thực phẩm và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đưa ra cảnh báo về việc uống rượu bia dịp tết. Theo đó, chỉ sử dụng rượu bia có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không nên uống rượu lúc đói sẽ kích ứng dạ dày, dẫn đến viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày. Trước khi uống rượu bia nên uống nước lọc, nước hoa quả, nước súp, nước canh, đặc biệt nên ăn rau xanh nhằm giảm nồng độ cồn.

Phụ nữ mang thai, cho con bú, người có tình trạng bệnh lý mà rượu bia có thể làm cho bệnh tình nặng lên thì không uống rượu bia.

Sau khi uống, không nên tham gia các hoạt động ngoài trời, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia dù uống rất ít.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo, nên hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào an toàn. Nếu uống, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới; 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 gr cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 2/3 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml (5%); 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén (ly) rượu mạnh 30 ml (40%).

Tháng 8.2022, tại TP.HCM xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu khiến hơn 10 người mắc, 2 tử vong. Ngoài ra, có rất nhiều vụ ngộ độc khác xảy ra tại miền Tây, Tây nguyên và khu vực phía bắc khiến nhiều người nhập viện, một số người tử vong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.