Cuộc họp của Hiệp hội các cầu thủ chơi bóng tại Tây Ban Nha (AFE) hôm 12.8 - Ảnh: Reuters |
(TNO) Vào ngay trước mùa giải La Liga, những cầu thủ như Lionel Messi và Cesc Fabregas ở Barcelona, Cristiano Ronaldo ở Real Madrid đã từ chối đá bóng trong một cuộc đình công kéo dài hai tuần lễ.
Cuộc đình công đầu tiên của giới cầu thủ trong 27 năm qua về vấn đề tiền lương đã làm dấy lên làn sóng giận dữ trong một đất nước đang chật vật vì kinh tế.
Với gần 5 triệu người không có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha cao nhất châu Âu, gần 21%, và 45% số đó dưới 25 tuổi. Trong một quốc gia mà bóng đá tỏa khắp mọi ngóc ngách của cuộc sống, ý nghĩ các cầu thủ triệu phú đình công vì vấn đề tiền lương trong khi hàng triệu người đang gặp khó khăn thật khó chấp nhận với nhiều người.
Một câu chuyện thông thường chỉ nằm trên trang thể thao đã được đưa ra trang nhất. “Cầu thủ đình công trong một đất nước có 5 triệu người thất nghiệp” là dòng tít của tờ El Mundo.
“Quyết tâm đình công của các cầu thủ vì không đạt được thỏa thuận là một sự lăng mạ với 5 triệu người Tây Ban Nha thất nghiệp và những ai có cuộc sống lao động bấp bênh”, bài xã luận của tờ báo viết.
Salvador Sostres, một nhà bình luận xã hội, nói với tờ The Times: “Tôi tin vào quyền đình công song tôi nghĩ có những cách khác để tránh nó. Việc những cầu thủ đình công là hành động tống tiền trong hoàn cảnh kinh tế như thế này”.
Các cầu thủ, bao gồm thành viên của CLB Barcelona và Real Madrid, những người sở hữu số tiền lương 7 con số, vẫn rất cứng rắn. Iker Casillas, thủ môn của Real Madrid và tuyển Tây Ban Nha, nói: “Nếu chúng tôi không đạt thỏa thuận, sẽ không có trận bóng đá nào trong hai tuần đầu tiên của mùa giải”.
|
Các cuộc đàm phán giữa Hiệp hội bóng đá nhà nghề Tây Ban Nha (LFP), tổ chức đại diện cho các CLB, và Hiệp hội cầu thủ Tây Ban Nha (AFE) đã đổ vỡ vào hôm qua, 19.8, và hai bên đã hủy bỏ lượt đấu vào cuối tuần này và có khả năng cả lượt đấu vào tuần tới.
AFE yêu cầu LFP phải tăng mức đền bù cho 200 trong số 1.000 cầu thủ không được CLB của họ trả lương. Việc chậm trễ này đã tăng vọt trong những năm qua bởi nhiều CLB không thể tôn trọng các hợp đồng mà họ ký kết trong thời kỳ kinh tế phát đạt. Kể từ năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều CLB lao đao dù những gã khổng lồ như Real Madrid và Barcelona hầu như không bị ảnh hưởng.
Trong thông báo, LFP gọi cuộc đình công là “hoàn toàn phi lý”. Một giao kèo gần như đã được hoàn tất khi AFE bỏ ngang cuộc đàm phán, theo LFP.
LFP cam kết sẽ trả 240.000 euro cho các cầu thủ ở giải hạng nhất trong mỗi năm và 120.000 euro cho các cầu thủ ở giải hạng hai. Tuy nhiên, AFE đòi hỏi các CLB phải chi 50 triệu euro cho 200 cầu thủ trong bốn năm tới.
Một số người hâm mộ đã hướng sự giận dữ của họ đến LFP vì không thể đạt được thỏa thuận với các cầu thủ. CĐV Jose Angel Gonzalez viết trên website của người hâm mộ planetdeporte: “Dù với tư cách một CĐV, tôi sẽ mất mát nếu giải đấu không được bắt đầu song tôi thật sự muốn cuộc đình công diễn ra để LFP trở thành trò cười với bóng đá thế giới”.
Sơn Duân
Bình luận (0)