Báo cáo của Sở Y tế cho biết đến nay cả TP đã có 983 mẫu xét nghiệm và phát hiện khoảng 30 trường hợp nhiễm Zika. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn thấy nhiều hộ gia đình còn lơ là trong phòng chống dịch. “Kết quả giám sát cộng đồng cho thấy vẫn còn nhiều hộ gia đình còn thờ ơ, chưa quan tâm đến công tác dọn dẹp vệ sinh và diệt muỗi, diệt lăng quăng.
Bên cạnh đó còn có nhiều khu quy hoạch, công trình xây dựng bỏ dở dang là điều kiện làm phát sinh muỗi, lăng quăng”, GS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP, nói và cho rằng quan trọng nhất hiện nay là phải diệt lăng quăng, diệt muỗi cho tận gốc, làm sạch môi trường thường xuyên, liên tục hằng tuần thì mới kiểm soát được Zika và sốt xuất huyết.
tin liên quan
TP.HCM công bố dịch Zika, người dân phải đối phó ra sao?UBND TP.HCM đã công bố dịch bệnh do vi-rút Zika quy mô xã, phường trên địa bàn. Hôm qua vừa có thêm 1 người nhiễm vi-rút ở quận 5. Vậy người dân thành phố, đặc biệt là những ai đang ở trong vùng dịch phải làm gì để phòng bệnh?
“Về tuyên truyền, phải làm sao để cộng đồng hiểu, thực hiện, hợp tác tốt với ngành y tế và chính quyền địa phương trong tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng, tránh làm cho người dân hoang mang, nhất là các thai phụ”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP, đề nghị.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm , Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu cần đẩy mạnh giám sát, khảo sát để phát hiện những nơi chưa làm tốt nhằm kịp thời chấn chỉnh. Bà Tâm cho rằng cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng mọi giá phải kiểm soát tình hình, không để dịch bùng phát.
Trong 2 ngày cuối tuần qua, Sở Y tế cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra đến các quận huyện có ca bệnh Zika. Trả lời PV Thanh Niên, TS-BS Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế, hiện là Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP và đang tham gia các đoàn phòng chống dịch bệnh cho rằng khi TP đã có nhiều ca bệnh thì Zika trở thành “bệnh lưu hành” và cần tầm soát tốt.
“TP.HCM muỗi nhiều, nguy cơ cao, nếu làm không khéo sẽ mất sức và không hiệu quả. Do vậy, phải khoanh vùng điểm nguy cơ đỏ (có ca bệnh), phun diệt muỗi 3 lần (hướng dẫn của Bộ Y tế là 2 lần), mỗi lần cách nhau 10 ngày để diệt đàn muỗi trưởng thành và muỗi con lớn lên để không còn lây vi rút Zika, diệt lăng quăng và cập nhật ca bệnh hằng ngày. Với vùng nguy cơ vàng (có ca nghi ngờ) phun thuốc 2 lần, diệt lăng quăng… Nếu làm tốt thì khoảng 1 - 2 tháng thì cả Zika và sốt xuất huyết sẽ giảm và sẽ kiểm soát được”, TS-BS Giang nói.
Bình luận (0)