Metro số 1 chạy nước rút về đích
Sáng 16.8, dưới độ sâu khoảng 32 m trong lòng đất, hàng trăm kỹ sư, công nhân tất bật hoàn thiện những công việc cuối cùng để chuẩn bị cho công tác nghiệm thu ga Bến Thành, nhà ga lớn nhất của hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM. Hiện nhà ga Bến Thành đã hoàn thành các công việc kết cấu, hạng mục kiến trúc (trần, sàn đá granit, cầu thang…), PCCC, hệ thống chiếu sáng, báo hiệu… Phía nhà thầu cũng đang sửa chữa các lỗi trầy xước, lau dọn vệ sinh; đồng thời cho triển khai mua sắm các thiết bị nội thất như giường tủ cho phòng nhân viên bên trong nhà ga, gia công lắp đặt quầy bán vé… để tiến hành thủ tục nghiệm thu.
Theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), ga Bến Thành hoàn thành sẽ đảm bảo điều kiện cho tuyến metro số 1 chạy thử từ ga này đến ga Suối Tiên trong dịp 2.9 tới. Từ đây, tuyến metro số 1 sẽ chuyển qua thực hiện công tác thử nghiệm, đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống... tiến tới vận hành khai thác thử toàn tuyến vào tháng 12 năm nay. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vướng mắc của dự án đường sắt đô thị tại địa phương, đưa tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hoàn thành, khai thác vào đầu năm 2024. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, đầu năm 2024, người dân TP.HCM sẽ chính thức được đi metro, sau gần 2 thập niên mòn mỏi chờ đợi.
Bên cạnh đó, MAUR cũng vừa trình UBND TP dự thảo xây dựng đề cương đề án phát triển hệ thống metro với mục tiêu hoàn thiện 8 tuyến đường sắt đô thị từ nay đến năm 2035. Đây là thách thức rất lớn bởi trong suốt 20 năm qua, TP.HCM mới làm gần xong 19,7 km đường sắt đô thị, tính ra, mỗi năm chưa được 1 km. Vì thế, để đạt mục tiêu hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch đến 2035, MAUR đề xuất 2 phương án: Phương án 1 là không thực hiện các thủ tục đầu tư cho một dự án, một tuyến riêng biệt như cách làm hiện nay mà thực hiện thủ tục đầu tư cho toàn bộ các tuyến đường sắt đô thị, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho toàn bộ dự án, sau đó giao TP.HCM thực hiện phê duyệt dự án đầu tư. Theo phương án này, tổng cộng thời gian chuẩn bị đầu tư (cho toàn bộ các tuyến) khoảng 3 năm, đảm bảo hoàn thành trước năm 2028 để chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án. Phương án 2 là thực hiện các trình tự như phương án 1 nhưng đề xuất giao TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, MAUR kiến nghị có cơ chế đặc biệt cho phép TP.HCM thực hiện thu hồi đất ngay sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt và đền bù thu hồi đất theo giá thị trường có cộng thêm hệ số khuyến khích người dân bàn giao đất và ưu tiên tái định cư tại chỗ để người dân được hưởng lợi từ mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Về nguồn lực tài chính, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa nguồn lực tài chính gồm: ngân sách nhà nước dùng để thu hồi đất giải phóng mặt bằng; tổ chức đấu giá quỹ đất theo mô hình TOD; huy động vốn trong nước như phát hành trái phiếu, công trái, cổ phần, hợp tác công tư hoặc các hình thức hợp pháp khác (nếu có)… và vay vốn nước ngoài.
"Nếu đề án phát triển hệ thống metro để thực hiện Kết luận 49 của Bộ Chính trị được Quốc hội thông qua vào tháng 5.2024 thì TP.HCM dự kiến hoàn tất công tác quy hoạch chi tiết dự án và quy hoạch TOD trong năm 2025; hoàn tất công tác thu xếp nguồn vốn thực hiện năm 2025 - 2026; công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án hoàn thành trong 2026 - 2027 để đến 2028 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng bàn giao đất sạch. Công tác thi công sẽ tổ chức trong năm 2028 - 2029 và hoàn thành xây dựng hệ thống đường sắt đô thị vào năm 2035 theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị", MAUR tính toán.
Đi bộ 5 - 10 phút sẽ tới ga
Cuộc đua "thần tốc" phủ mạng lưới metro mà TP.HCM đang theo đuổi không phải bất khả thi bởi trước đây, Thâm Quyến (Trung Quốc) cũng đã chật vật rất nhiều năm mới có thể đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên vào khai thác năm 2004. Song, nhờ được trao những cơ chế chưa từng có tiền lệ, đến nay, tức sau 19 năm, Thâm Quyến đã có 559 km đường sắt đô thị. Theo kế hoạch 2023 - 2028, TP có quy mô hạ tầng tương đương TP.HCM này tiếp tục đặt mục tiêu có thêm 228 km đường sắt đô thị.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng ban phụ trách MAUR, cho biết không chỉ quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, TP.HCM đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể toàn mạng lưới, bổ sung thêm những tuyến mới với mật độ dày đặc hơn để giảm khoảng cách đi lại, đảm bảo người dân đi từ 800 m - 1 km (khoảng 10 phút đi bộ) sẽ tới ga metro như tiêu chuẩn mà Nhật Bản hay Singapore áp dụng. Một số khu vực trong nội đô ở Q.Tân Phú, Q.Bình Tân, TP.Thủ Đức... theo quy hoạch hiện nay thì phân bổ mật độ đường sắt còn ít, người dân vẫn khó tiếp cận, cần điều chỉnh tăng cường. Ở khu vực ngoại thành, metro cũng sẽ định hướng kéo dài nối tới các khu vực ga Bình Triệu, Dĩ An...; các hub, điểm đầu mối giao thông chính như sân bay Long Thành, ga đầu mối Tân Kiên của tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, khu đô thị lấn biển Cần Giờ, sân bay Tân Sơn Nhất... để đảm bảo phục vụ mọi nhu cầu đi lại của người dân TP.
Trong cuộc họp với Sở GTVT TP.HCM mới đây về kế hoạch triển khai "Đề án thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD)", đại diện Sở TN-MT TP.HCM cũng đề xuất các đơn vị nghiên cứu kéo giảm thời gian và khoảng cách tiếp cận tới các nhà ga xuống khoảng 500 m (5 - 7 phút đi bộ) để phù hợp với tình hình thời tiết nắng nóng của TP. Mục đích lớn nhất là đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân ở mọi khu vực đến ga metro càng thuận tiện càng tốt.
Ông Nguyễn Quốc Hiển lưu ý muốn tạo thành hệ thống giao thông công cộng hiện đại, đạt sản lượng cao như vậy thì đường sắt đô thị phải được tích hợp đồng bộ với mạng lưới xe buýt. Đó là lý do MAUR đang phối hợp cùng Sở GTVT hoàn thiện bản chi tiết dự án hình thành mạng lưới xe buýt với tổng cộng gần 50 tuyến đi sâu vào các khu dân cư, làng đại học, khu công nghiệp, khu công nghệ cao... để gom khách cho tuyến metro số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) sắp đi vào hoạt động. Không chỉ xây dựng hệ thống xe buýt gom hành khách, dự án tăng cường còn đề ra mục tiêu tiếp cận hạ tầng từng nhà ga dọc tuyến metro, trong đó có hạng mục xây cầu bộ hành, bãi đậu xe cá nhân, tiếp cận của xe taxi, xe công nghệ hoặc xe đạp công cộng… tạo hành hệ thống vận tải đa phương thức.
Tuyến metro số 1 sẽ có 11 cầu bộ hành kết nối với các ga trên cao. Ngoài ra, theo ước tính, mạng lưới xe buýt gom cùng các hạng mục kết nối đồng bộ này có thể giúp tăng thị phần lượng khách của tuyến metro số 1 lên 50 - 60%. Nếu năm 2024, tuyến metro số 1 đưa vào vận hành mà chưa xây dựng được mạng lưới xe buýt thì một ngày chỉ có thể chuyên chở 68.000 hành khách. Nếu có các tuyến xe buýt này, có thể tăng lên 110.000 hành khách/ngày.
Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng ban phụ trách MAUR
Bình luận (0)