Người dân TP.HCM sẽ uống được nước ngay tại vòi

12/02/2017 08:16 GMT+7

Các phòng kiểm nghiệm nước tại tất cả nhà máy nước phải sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng nguồn nước.

Ngày 11.2, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc giữa lãnh đạo Thành ủy và UBND TP.HCM với Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) về tình hình sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn TP.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP, tổng lượng nước ngầm sử dụng hiện là 543.000 m3/ngày đêm, chiếm 40% tổng công suất nước sử dụng trên địa bàn thành phố. Việc khai thác sử dụng nước ngầm đang gây tình trạng sụt lún, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Tuy nhiên, theo luật Tài nguyên nước, các hộ dân khai thác sử dụng nước ngầm phục vụ cho hộ gia đình thì không phải xin phép. Vì vậy Sở TN-MT chủ yếu vận động các hộ không sử dụng nước ngầm và chuyển sang sử dụng nước máy. Theo Sawaco, hiện có 8% khách hàng dù đã gắn đồng hồ nước máy nhưng không sử dụng (gần 98.000 khách hàng), 12% khách hàng sử dụng rất ít với từ 1 - 4 m3/tháng (145.133 khách hàng) do vẫn sử dụng nước ngầm.
Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP, yêu cầu Sawaco tháng 6.2017 chủ trì lập đề án đảm bảo an ninh nguồn nước. Các phòng kiểm nghiệm nước tại tất cả nhà máy nước phải sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng nguồn nước.
Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng TP khẩn trương phối hợp với Sawaco kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh đường ống. Trong tháng 3, các đơn vị phải báo cáo phương án uống nước tại vòi ở các khu dân cư mới, địa bàn tập trung đông khách du lịch. Sawaco và các sở ngành liên quan phải phối hợp, tập trung mọi biện pháp để đến năm 2020 tỷ lệ thất thoát nước tại TP giảm dưới 10% (hiện nay 26%).
Ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực Thành ủy, nhấn mạnh mục tiêu của TP đến năm 2020 người dân có thể uống nước tại vòi, bên cạnh việc hạ tỷ lệ thất thoát nước xuống dưới 10%. Lãnh đạo Sawaco và các sở, ngành xây dựng đề án an ninh nguồn nước; xây dựng hệ thống hào kỹ thuật công trình ngầm do hiện còn lạc hậu. Các đô thị mới phải đáp ứng yêu cầu hào kỹ thuật theo quy chuẩn quốc tế, các khu dân cư cũ, hiện hữu khi thay mới phải đồng bộ và hiện đại.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng biểu dương những thành tích đã đạt được của ngành cấp nước TP trong năm 2016. Tuy nhiên, không nên bằng lòng với thực tế mà cần đưa ra mục tiêu mới như làm sao để người dân TP có thể uống nước máy ngay tại vòi. Ông Thăng cũng lưu ý, hiện tỷ lệ thất thoát nước sạch tại TP vẫn còn cao, là địa phương thất thoát nước cao nhất cả nước. Người dân còn chịu thiệt do thất thoát nước. Vì vậy đến năm 2020 phải cố gắng giảm tỷ lệ thất thoát nước còn dưới 10%. Để làm được điều này cần có lộ trình giảm cụ thể từng năm.
Để đảm bảo an ninh nước sạch, TP phải chuẩn bị ngay bây giờ các nguồn nước khác thay thế, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. TP.HCM lại là một trong những đô thị chịu ảnh hưởng nặng nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu. Người dân có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn uống.
Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND TP chỉ đạo lộ trình các khu công nghiệp, doanh nghiệp, hộ dân không được sử dụng nước ngầm, cả biện pháp hành chính lẫn biện pháp kinh tế. Nếu luật chưa có thì đề xuất thí điểm. Cái gì không phù hợp thì đề nghị sửa đổi. Khẩn trương cổ phần hóa tổng công ty để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Từ đó tiến tới mục tiêu nhà nước không chi phối, tạo nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng vào tham gia.
Có như thế giá nước mới thấp xuống. Phải đưa công nghệ vào ứng dụng, nhất là lắp đặt các đồng hồ thế hệ mới (sử dụng công nghệ ghi đồng hồ nước từ xa) nhằm giảm lượng lao động đi ghi đồng hồ nước. Đặc biệt, giá thành nước phải được công khai cho người dân biết. Lộ trình xử lý nước thải cần cụ thể hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.