Một số hàng quán ở TP.HCM cũng cho biết những tháng cuối năm, lượng khách ít nhiều sụt giảm. Tuy nhiên, các chủ quán vẫn hy vọng những ngày tới tình hình sẽ thay đổi.
"Hồi đó ăn tô mì 130.000 đồng không phải suy nghĩ, giờ…"
Một ngày giữa tuần, anh Trần Vỹ (30 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) cùng bạn bè đến một tiệm mì vịt tiềm trên đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM) để thưởng thức. Vị khách cho biết đó là món ăn khoái khẩu và đây cũng là "quán ruột" của anh suốt nhiều năm nay.
Thường, mỗi tuần anh sẽ ghé quán từ 2 - 3 lần, chủ yếu ăn cùng bạn bè, đồng nghiệp. Anh cũng sẽ gọi phần mì vịt tiềm cơ bản, có giá dao động từ 130.000 đồng - 140.000 đồng ở quán. Tuy nhiên nhiều tháng nay, anh Vỹ nói rằng mỗi tháng chỉ ghé ăn nhiều nhất 2 - 3 lần.
Vốn làm nhân viên bán hàng, anh cho biết năm nay việc làm ăn không quá thuận lợi, cũng giống như một số ngành nghề khác khi kinh tế gặp khó khăn. Đó là lý do mà anh không còn chi tiêu thoải mái như trước, cũng không ghé các nhà hàng, quán ăn lớn, sang trọng.
Nhân viên văn phòng làm thêm ban đêm, dè sẻn chi tiêu chờ thưởng tết
“Hồi trước, ăn tô mì 130.000 đồng, vào nhà hàng lớn ăn không phải suy nghĩ gì. Giờ cũng phải tính lại, nhất là sắp tết như thế này. Cuối năm, mình làm bán hàng cũng phải ráng chạy số, nhưng tình hình không khả quan, nếu không biết tiết kiệm thì năm nay về ăn tết chắc buồn”, anh Vỹ nói.
Thay vì lựa chọn những quán "sang", anh Vỹ cho biết mình tạo thói quen tự nấu ăn ở nhà hoặc lựa chọn những quán cơm, mì, hủ tiếu… bình dân giá từ 30.000 - 40.000 đồng sẽ phù hợp hơn.
Chủ quán mì này cũng tâm sự năm nay, việc làm ăn, buôn bán không giống như những năm trước, khách vắng bất ngờ. Tuy nhiên vì là kinh doanh mặt hàng ăn uống thiết yếu, quán cũng là quán ngon có tiếng nên không tới nỗi nào, bởi theo chủ quán, nhiều quán khác còn khó khăn hơn nhiều, có người còn phải đóng cửa.
“Cuối năm, khách cũng hạn chế trong chi tiêu. Hồi trước phần mì đặc biệt của quán được nhiều khách chuộng, tuy nhiên giờ người ta thường gọi những phần giá rẻ hơn, bình dân hơn. Tuy nhiên nhiều người có điều kiện thì vẫn ăn như bình thường”, đại diện quán chia sẻ thêm.
“Mua một phần phá lấu vịt 50.000 đồng, ăn được 3 bữa"
Đó là cách mà chị Hoài Thu (26 tuổi), sống trong một chung cư trên đường Tạ Quang Bửu (Q.8) tiết kiệm cho dịp cuối năm 2023. Chị Thu cho biết mình làm nhân viên văn phòng, mức thu nhập cũng ổn định nên không quá lo lắng trong việc ăn uống.
Bình thường, chị sẽ đặt đồ ăn thông qua các ứng dụng giao hàng, hoặc những ngày cuối tuần chị sẽ đi siêu thị gần nhà mua rau củ quả, mua thực phẩm để tự nấu ăn như một cách để xả stress.
“Nhưng 2 tháng cuối năm, tôi đặt mục tiêu là tiết kiệm để có một khoản kha khá ăn tết. Trong tuần, tôi sẽ dành 2 ngày để thắt chặt chi tiêu bằng cách không mua đồ ăn, thức uống vặt, đi chợ truyền thống gần nhà. Chợ vậy thì giá rẻ hơn, có khi tôi mua một phần phá lấu vịt, xin thêm nước lèo, mua thêm rau về để làm lẩu chia ra có thể ăn được... 3 bữa", chị cười nói.
Thăm dò ý kiến
Bạn có hạn chế ăn "quán sang" dịp cuối năm nay?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Không có thưởng tết, phải chịu ‘cày’: Bán hàng, tài xế kiếm tiền thế nào?
Còn tại một quán hủ tiếu trên Quốc lộ 50 (đoạn đi qua Q.8, TP.HCM), bà N. (56 tuổi) vào mua một phần mì giá 52.000 đồng. Bà N. cho biết những tháng trước đó, bà cùng chồng có thói quen hay xem trên mạng, thấy quán nào ngon ngon là rủ nhau đến ăn trải nghiệm.
Tuy nhiên thời điểm hiện tại, vợ chồng bà cũng “cắt củm", hạn chế ăn ngoài để tiết kiệm cho dịp tết. “Vợ chồng buôn bán tạp hóa, không hiểu sao năm nay khách vắng, không được như mọi năm. Con cái thì cũng bị giảm lương, con tôi nói năm nay chắc thưởng tết không như mọi năm. Nói chung năm nay với gia đình tôi là một cái tết tiết kiệm, không quá hoành tráng nhưng ấm cúng, đoàn viên là được rồi", bà nói.
Bình luận (0)