Người dân vùng cao thả cá 'tri ân' dòng sông A Sáp

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
22/05/2024 19:06 GMT+7

Sau gần 2 năm dựa vào nguồn nước của sông A Sáp để chăn nuôi cá, phát triển kinh tế, khi dần ổn định cuộc sống nhiều người dân vùng cao đã thả hàng trăm con cá xuống nước, như một lời 'tri ân' với dòng sông.

Ngày 21.5, nhiều người dân sống tại huyện miền núi A Lưới (H.A Lưới, Thừa Thiên - Huế) đã đến bờ sông A Sáp để thả cá, đây là cách mà họ "tri ân" con sông lớn đã bao bọc bản làng từ bao đời nay.

Người dân vùng cao thả cá trên sông A Sáp

Người dân vùng cao thả cá trên sông A Sáp

B.T

Sau khi phóng sinh hàng trăm con cá xuống nước, người dân mong muốn sẽ góp phần làm giàu nguồn lợi thủy sản, nâng cao nhận thức, ý thức của làng trong khai thác thủy sản... hơn hết như một lời cảm ơn đến dòng nước trong lành mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng, giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ của chương trình tổng kết dự của án Nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững, dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở thượng nguồn sông A Sáp.

Trước đó, sáng cùng ngày, tại hội trường Liên đoàn Lao động huyện A Lưới (TT.A Lưới, H.A Lưới, Thừa Thiên - Huế), đông đảo người dân đã có mặt để dự hội nghị tổng kết dự án này. Sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế (CSRD) khởi xướng dưới sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam tại Việt Nam tài trợ kinh phí thực hiện từ tháng 8.2022.

Nhiều hộ dân phấn khởi với những kết quả sau 2 năm thực hiện dự án

Nhiều hộ dân phấn khởi với những kết quả sau 2 năm thực hiện dự án

B.T

Tại hội nghị tổng kết, ban tổ chức cho biết, sau gần 2 năm đi vào thực hiện dự án đã hỗ trợ thành công 10 mô hình sinh kế (mỗi mô hình khoảng 10 hộ dân) sống ở các xã dọc con sông A Sáp.

Cụ thể, nhờ được hỗ trợ kinh phí và cách làm, gần 100 hộ dân đã tìm cho mình cách chăn nuôi hiệu quả, trong đó chủ yếu là cách áp dụng nguồn nước sẵn có từ sông A Sáp để nuôi cá lồng, từng bước mang lại thu nhập ổn định.

Những kết quả trên của dự án cũng được các địa phương đánh giá cao vì phù hợp chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của H.A Lưới. Hơn hết là đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhiều hộ dân còn khó khăn tại địa phương này.

Họ học được cách nuôi cá lồng hiệu quả dựa vào nguồn nước từ sông A Sáp

Họ học được cách nuôi cá lồng hiệu quả dựa vào nguồn nước từ sông A Sáp

B.T

Người dân vùng cao thả cá 'tri ân' dòng sông A Sáp- Ảnh 4.

Việc nuôi cá đã giúp người dân A Lưới có được nguồn thu nhập ổn định

B.T

Anh Lê Văn Buông (trưởng nhóm sinh kế được hỗ trợ tại xã Hồng Kim, H.A Lưới) phấn khởi nói: "2 năm nay chúng tôi đã hỗ trợ một phần kinh phí giúp các nhóm cộng đồng xây dựng và phát triển mô hình sinh kế nuôi trồng thủy sản, ngoài ra còn đi tập huấn rất nhiều đợt qua đó nâng cao nhận thức về nước và tầm quan trọng của nước, kỹ thuật về quản trị nước, về phát triển sinh kế dựa vào nguồn nước. Đồng thời chúng tôi cũng đã tập huấn chuyên sâu về nuôi trồng thủy sản, cách tiếp cận thị trường. Việc chăn nuôi thuận lợi nên tôi rất vui và phấn khởi".

Đại diện dự án cho biết, đến nay, bên cạnh 10 nhóm sinh kế nuôi trồng thủy sản, bà con được hỗ trợ đã chủ động tìm kiếm và xác định mô hình sinh kế hộ gia đình. Những kiến thức, kỹ năng tích lũy được từ dự án đang đi vào cuộc sống, hy vọng sẽ góp phần thay đổi điều kiện sống và sản xuất của các cộng đồng sống ở thượng nguồn sông A Sap. Góp phần thay đổi diện mạo đời sống của huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.