Người dân vùng ngập lụt Đà Nẵng lên tiếng phản ứng chuyện 'không chống ngập như cảnh báo'

Huy Đạt
Huy Đạt
19/10/2023 11:48 GMT+7

Người dân vùng bị ngập lụt ở TP.Đà Nẵng rất bức xúc trước đánh giá của Phó cục trưởng Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) khi cho rằng người dân đã 'không chống ngập như cảnh báo'.

"Kê đồ đạc đến gãy tay.... "

Ngày 19.10, người dân tại vùng ngập lụt P.Hòa Khánh Nam (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) vẫn cảm thấy "bị tổn thương" sau nhận định của ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), về tình hình ngập lụt và công tác phòng chống của người dân TP.Đà Nẵng trong đợt lụt kéo dài từ 13 - 16.10.

Người dân Đà Nẵng ‘tổn thương’ vì bị cho rằng ‘không chống ngập như cảnh báo’

Trước đó, như Thanh Niên thông tin, tại cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai hôm 18.10, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng: "Về mặt diện tích, đa số các ngôi nhà của người dân đều có thể chủ động chống được ngập. Tuy nhiên, đa số người dân đều không kê đồ lên cao và sử dụng các kỹ thuật để chống ngập trong khu đô thị", ông Tiến nói.

Đà Nẵng: Người dân rốn lũ bức xúc trước phát ngôn 'không chống ngập như cảnh báo' - Ảnh 1.

Người dân khu dân cư đường Mẹ Suốt (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) đã chồng giường lên để ngủ và bảo vệ tài sản trong đợt ngập lụt vừa qua

HUY ĐẠT

Trước nhận định của ông Nguyễn Văn Tiến, người dân tại vùng "rốn lũ" khu dân cư đường Mẹ Suốt (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) đã lên tiếng cho rằng nhận định đó là thiếu cơ sở, không phản ánh đầy đủ thực tế mấy ngày ngập lụt nghiêm trọng vừa qua.

Tại tổ 3, P.Hòa Khánh Nam sáng nay 19.10, ngồi trước nhà với cánh tay bị bó bột do gãy xương, ông Nguyễn Nhì rất bức xúc: "Người dân tất tả dọn đồ đạc, bảo vệ tài sản đến kiệt sức mà ông ấy lại nói sai như vậy. Riêng tôi, khiêng đồ đạc kê lên cao bị trượt té đến gãy cánh tay mà nói là người dân không ai thực hiện kê đồ lên cao, không triển khai chống ngập… Nói vậy là sai".

Đà Nẵng: Người dân rốn lũ bức xúc trước phát ngôn 'không chống ngập như cảnh báo' - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Nhì (trú P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) rất bức xúc trước nhận định cho rằng người dân "không chống ngập như cảnh báo"

HUY ĐẠT

Theo ông Nhì, thực tế là người dân tại P.Hòa Khánh Nam đã rất chủ động, tất tả dọn dẹp đồ đạc, sử dụng các thiết bị để kê cao và bảo vệ tài sản.

"Khi nghe dự báo thời tiết, nắm được lượng mưa lớn tại khu vực, người dân chúng tôi đã khẩn trương dọn dẹp, kê cao đồ đạc… kê cao nhất có thể. Rút kinh nghiệm từ đợt lũ lịch sử năm ngoái 2022, người dân ở đây rất sợ và không có ai dám chủ quan", ông Nhì nói.

Người dân P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu đã rất chủ động kê cao đồ đạc, tài sản trong đợt ngập lụt vừa qua

HUY ĐẠT

Tại nhà ông Nhì, chiếc tủ lạnh là tài sản quý giá nhất của gia đình vẫn còn kê cao trên bàn gỗ cách đất gần 1m. "Tôi không dám đưa tủ lạnh xuống vì sợ mưa ngập trở lại, chờ khi nào hết mưa hẳn mới mang xuống rồi sử dụng. Tài sản nhà tôi đó…", ông Nhì nói.

Theo ông Nhì, nỗi đau và những thiệt hại tài sản, tính mạng con người vào năm 2022 vẫn còn đó. "Mong rằng đừng gây thêm tổn thương cho người dân. Lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) phải phát ngôn cho chuẩn, đúng với thực tế. Còn không, phải xin lỗi người dân chúng tôi", ông Nhì nói.

Phản ánh của ông Nhì cũng trùng hợp với những gì mà PV Thanh Niên đã ghi nhận tại vùng "rốn lũ" này suốt nhiều ngày qua, đặc biệt là ngày cao điểm ngập lụt 14.10.

Đà Nẵng: Người dân rốn lũ bức xúc trước phát ngôn 'không chống ngập như cảnh báo' - Ảnh 4.

Mặc dù sáng 19.10, trời đã hửng nắng nhưng tủ lạnh nhà ông Nguyễn Nhì vẫn được kê lên bàn gỗ đề phòng mưa lớn trở lại

HUY ĐẠT

Mặc dù nước lụt đã rút, nhưng những ngày qua người dân tại P.Hòa Khánh Nam sợ mưa lớn, gây ngập lụt trở lại nên vẫn kê cao đồ đạc 

HUY ĐẠT


"Nhận định, hướng dẫn phòng chống ngập lụt phi thực tế"

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cũng cho rằng vấn đề chống ngập lụt ở các gia đình tại Đà Nẵng vừa qua là "hết sức đơn giản". 

Theo ông Tiến, khi thấy nước tràn từ ngoài cửa vào, người dân chỉ cần dùng bạt vít xuống nền nhà kết hợp với đất sét, mỡ bò, sẽ ngăn cho nước không vào nhà. Còn nước tràn lên từ hố nước thải, chỉ cần một cái bô hoặc xô chít mỡ bò xung quanh rồi đặt vào khu vực đó thì nước sẽ không tràn qua được. Tuy nhiên, theo ông, người dân ở đây đều không làm, không chống ngập như cảnh báo...

Người dân kê đồ đạc, tài sản lên cao trước khi rời khỏi nhà theo chân lực lượng vũ trang đi sơ tán chạy lũ

HUY ĐẠT

Nước ngập sâu, chảy xiết tại P.Hòa Khánh Nam, lực lượng cứu hộ đưa người dân đi lánh nạn

HUY ĐẠT

Trước nhận định và hướng dẫn phòng chống ngập lụt của vị lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, chị Văn Thị Mỹ Hạnh (trú P.Hòa Khánh Nam) cho biết điều này phi thực tế. Bởi theo chị, nước lũ dâng cao và rất "hung dữ" chứ không đơn giản như vị lãnh đạo đã nhận định.

"Nước vào nhà 50 cm, chúng tôi chạy đôn chạy đáo để kê cao đồ đạc, khoảng 15 phút sau nước dâng lên gần 2 m và chảy xiết. Thử hỏi bạt vít với đất sét, mỡ bò… sẽ ngăn nước kiểu gì?", chị Hạnh thắc mắc.

Đà Nẵng: Người dân rốn lũ bức xúc trước phát ngôn 'không chống ngập như cảnh báo' - Ảnh 6.

Chị Hạnh cho biết: "Cái máy quạt nước được kê trên bàn nhưng nước dâng cao 2 m đã xô ngã bàn, máy quạt cũng trôi lềnh bềnh trong nhà gây hư hỏng"

HUY ĐẠT

Đồng quan điểm, ông Phạm Tấn Tài (trú P.Hòa Khánh Nam) cho rằng các "hướng dẫn phòng chống ngập lụt" của vị Phó cục trưởng đều không thể thực hiện vì lũ lụt miền Trung diễn biến rất phức tạp. "Không phải là thủy triều ở TP.Hồ Chí Minh đâu mà lấy xô chít mỡ bò, dùng đất sét!", ông Tài nêu quan điểm.

"Chúng tôi thức mấy đêm trắng để kê dọn đồ đạc, rồi phải đóng cửa theo chân lực lượng vũ trang chạy lũ. Nếu theo dõi hình ảnh cứu người trên báo chí thì chắc vị lãnh đạo đã có nhận định khác và hướng dẫn chống ngập lụt thực tế và khoa học hơn", ông Tài nói .

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng, đợt mưa lớn gây ngập lụt vừa qua đã khiến toàn TP.Đà Nẵng bị cuốn trôi 5,7 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, ngập 28,1 ha rau màu. Không có thiệt hại về người.

Bão số 5 có thể đổi hướng đột ngột trên vịnh Bắc bộ, gió giật cấp 10

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.