Cuối tháng Chạp nhưng xóm Xuyên Cỏ (thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, H.Phù Mỹ, Bình Định) vẫn ngổn ngang...
Năm mới sẽ có nhiều sự đổi thay
Chúng tôi gặp vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tuấn (34 tuổi) vào những ngày giáp tết. Vợ chồng anh Tuấn và 3 đứa con nhỏ vẫn đang ở tạm trong căn nhà bị sập gần hết. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, vợ chồng anh Tuấn không phải lo thiếu gạo, miếng ăn hằng ngày hay quần áo mới cho các con.
Hôm về Xuyên Cỏ, chúng tôi cũng lao vào cùng anh Tuấn và các thanh niên trong xóm lo đắp lại đường vào nhà bị sạt lở vì mưa lũ trước đó.
|
“Có tiền hay không có tiền thì tết vẫn là tết, rồi ngày sẽ qua ngày thôi. Nhưng nếu không nuôi tôm trở lại thì nhiều gia đình khác ở Xuyên Cỏ như tôi bị đói mất. Tiền bạc, vốn liếng đầu tư nuôi tôm bị lũ trôi ra biển hết. Gia đình tôi muốn đầu tư sửa chữa lại ao hồ thì cần có khoảng 300 triệu đồng để hút cát, mua bạt, máy móc. Chưa nói đến tiền đầu tư con giống, thức ăn...”, anh Tuấn nói.
Trong đêm 15.12.2016, nước lũ tràn vào khiến nhà anh Tuấn bị sập. Tôm nuôi trong hồ bị cuốn sạch. Hiện gia đình anh Tuấn còn nợ đại lý bán thức ăn cho tôm đến 170 triệu đồng.
Vợ chồng anh Tuấn chỉ mong cho qua tết để cất lại nhà mới, vay được vốn để nuôi tôm trở lại và đưa con vào TP.HCM để điều trị bệnh.
Vợ chồng anh Phạm Văn Thanh (39 tuổi) cũng không màng sắm tết, chỉ lo đắp lại ao hồ để nuôi tôm. Do bị lũ làm hư hỏng 2 hồ nuôi tôm rộng khoảng 800 m2 nên anh Thanh thiệt hại khoảng 80 triệu đồng.
“Muốn sửa chữa lại 2 hồ tôm này cần phải có 100 triệu đồng. Tôi tự làm dần dần chứ không có tiền để kêu công làm một lần. Mong qua tết, Nhà nước có chính sách giúp chúng tôi vay tiền để sửa chữa lại ao hồ, đầu tư mua con giống”, anh Thanh nói.
"Giờ cứ tự mình làm đỡ tới đâu hay tới đó, coi như tết này ăn tết ở hồ tôm...", anh Thanh cười.
|
Theo ông Lê Minh Sơn, trưởng thôn An Xuyên 3, hiện 11 gia đình có nhà bị sập, bị lũ cuốn trôi ở xóm Xuyên Cỏ đã được chính quyền xã cấp đất để tái định cư và hỗ trợ từ 50 đến 100 triệu đồng để xây dựng lại nhà ở. Các gia đình bị thiệt hại khác cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền và các nhà từ thiện nên cuộc sống cùng dần ổn định.
Vấn đề khó khăn hiện nay là hầu hết các hồ nuôi tôm đều bị hư hỏng, nông dân không có tiền để đầu tư nuôi tôm trở lại, nguy cơ tái nghèo rất cao.
Chính quyền xã Mỹ Chánh cũng đã kiến nghị cấp trên có biện pháp hỗ trợ bà con nông dân ổn định lại sản xuất.
|
“Trước mắt phải làm lại cái đê, ngăn không cho nước sông tràn vào để người dân có thể khôi phục lại diện tích nuôi trồng thủy sản. Điều quan trọng là nhà nước phải có chính sách hỗ trợ về vốn, con giống, biện pháp kỹ thuật cho nông dân để họ đầu tư sản xuất trở lại. Hy vọng sang năm mới, Nhà nước sẽ có chính sách giải quyết hợp lý, An Xuyên 3 có nhiều đổi thay theo hướng tích cực”, ông Sơn cho biết.
Không sắm tết, để dành tiền xây nhà mới
Dấu tích của trận lũ kinh hoàng vào đêm 15.12.2016 khiến hơn 100 m đê sông La Tinh tại xóm Xuyên Cỏ bị xé toạc, 11 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoặc sập hoàn toàn, hơn 100 ha hồ nuôi tôm bị sa bồi, thủy phá... vẫn còn hiện hữu khắp nơi.
Ngay trước tết, được UBND xã hỗ trợ tre, dây thép, người dân Xuyên Cỏ dựng lại cây cầu tạm bắc qua điểm sạt lở ở sát mép sông để giao thông khỏi bị chia cắt.
Những căn nhà bị sập của bà Phạm Thị Ba (57 tuổi), ông Đỗ Ngọc Quý (42 tuổi)... ở gần cầu tạm vẫn vắng bóng người, các gia đình này phải đi ở nhờ nhà khác từ sau lũ đến nay.
Sát chân cầu tạm, mẹ con bà Phạm Thị Dần (63 tuổi) đã dựng nhà bạt sát nền nhà cũ để ở. “Sau khi bị lũ cuối trôi mất ngôi nhà, hai mẹ con tôi phải đi ở nhờ nhà hàng xóm. Gần tết, thương ông bà không ai thờ cúng nên tôi lên xã đăng ký xin một lều bạt về ở tạm. Mấy hôm nay mưa gió liên miên, căn nhà bạt rung lên phần phật, hở ra một chút là mưa tạt vào bên trong”, bà Dần tâm sự.
|
tin liên quan
Về Xuyên Cỏ xin đừng... nhắc TếtÔng Lê Minh Sơn, Trưởng thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh, H.Phù Mỹ, Bình Định) nói: Dân Xuyên Cỏ giờ coi như trắng tay, còn mắc nợ ngân hàng. Đừng nhắc đến Tết để họ thêm buồn.
|
Bà Dần làm nghề buôn thúng bán bưng, sáng mua tôm cá ven biển, chiều đi bán ở những vùng cao hơn, nên chỉ đủ ăn từng ngày. Con trai bà Dần gần 40 tuổi cũng chưa có nghề nghiệp ổn định, chưa lấy được vợ. Gần tết, tin vui đến với mẹ con bà Dần là chính quyền đã cấp lô đất ở và hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng lại nhà mới.
“Từ sau lũ đến nay, các đoàn từ thiện khác cũng đã hỗ trợ cho tôi tổng cộng hơn 50 triệu đồng. Cận tết quá nên không xây nhà mới kịp, chờ ra Giêng rồi tính. Mẹ con tôi được vậy là mừng rồi", bà Dần nói.
|
Sát nhà bà Dần, nền nhà của vợ chồng ông Hoàng Văn Nên (62 tuổi) và bà Trần Thị Tứ vẫn là dòng chảy của nước. Sau khi bị lũ quét sạch ngôi nhà và tài sản, vợ chồng ông Nên phải đi ở nhờ nhà người khác. Gần tết, được chính quyền cấp một nhà bạt, ông Nên cũng phải căng nhờ trên đất người khác để ở tạm.
“Do lũ nên tết năm nay chúng tôi gặp nhiều khó khăn, chẳng mua sắm cái gì, để dành tiền xây lại nhà mới và làm nhiều việc khác. Trong cơn hoạn nạn, chúng tôi nhận được sự quan tâm rất nhiều từ chính quyền và sự đùm bọc che chở của bà con láng giềng, sự hỗ trợ của đồng bào trong cả nước mới là điều đáng quý”, ông Nên nói.
tin liên quan
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm vùng lũ tỉnh Bình ĐịnhSáng 21.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Bình Định về công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ.
Bình luận (0)