Ông Lê Minh Sơn, Trưởng thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh, H.Phù Mỹ, Bình Định) nói: Dân Xuyên Cỏ giờ coi như trắng tay, còn mắc nợ ngân hàng. Đừng nhắc đến Tết để họ thêm buồn.
Mưa lũ rút hơn nửa tháng nhưng xóm Xuyên Cỏ (thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, H.Phù Mỹ, Bình Định) vẫn ngổn ngang...
Vậy là trắng tay
Những ngày cuối năm 2016, xóm Xuyên Cỏ vẫn ngổn ngang. Con đường ven đê sông La Tinh dẫn vào khu dân cư bị sạt lở nhiều đoạn. Đoạn đê sông bị sạt lở khiến trẻ em đi học, người lớn đi chợ... đều phải dùng ghe.
Xóm Xuyên Cỏ (thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, H.Phù Mỹ, Bình Định) bị tan hoang sau lũ. Hàng chục căn nhà bị sập khiến người dân phải dọn đi nơi khác ở.
Đến đầu xóm Xuyên Cỏ đã thấy căn nhà của ông Phan Văn Long (43 tuổi) còn trơ trọi 2 bức tường, gạch vụn, dây điện, sắt thép vung vãi khắp nơi. Từ khi căn nhà bị sập, 4 người trong gia đình ông Long phải dựng lều ở tạm phía sau.
“Tối 15.12, nước lũ lên nhanh quá chừng, căn nhà của tôi bị ngập sâu nên phải lánh đi chỗ khác. Một lát sau thì căn nhà đổ sập. Nước lũ cũng làm xói lở bờ ao, cuốn trôi toàn bộ tôm nuôi. Vậy là trắng tay”, ông Long nói.
Nhà của ông Phan Văn Long ở xóm Xuyên Cỏ bị sập hoàn toàn Ảnh: Hoàng Trọng
Vợ chồng ông Long thả nuôi 20.000 con tôm giống, dự kiến sẽ xuất bán vào dịp Tết. Chi phí con giống, tiền thức ăn, đắp hồ bạt, máy móc... đến nay đã hơn 100 triệu đồng.
Nhưng điều làm cho vợ chồng ông Long lo lắng nhất hiện nay là cháu Phan Thị Ánh Nguyệt (10 tuổi, con của ông Long) bị viêm da cơ địa 8 năm nay. “Chúng tôi vẫn đang điều trị cho cháu, để bệnh càng phát triển càng nguy hiểm. Nhưng giờ tiền hết, tài sản không có, lại ôm cục nợ nữa biết làm sao đây?”, ông Long nói.
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tuấn (34 tuổi) cũng chìm trong khó khăn. Sau lũ, 5 người trong gia đình anh Tuấn vẫn phải ở trú tạm trong căn nhà bị sập gần hết, hiểm nguy luôn rình rập. Để vợ trông các con, anh Tuấn lo thu dọn các vật dụng, máy móc còn sót lại trong hồ tôm để tiếp tục "cày cuốc".
Anh Tuấn và vợ là chị Nguyễn Thị Hương có 3 đứa con. Cháu lớn là Nguyễn Thanh Tú (9 tuổi) và 2 cháu nhỏ sinh đôi mới 5 tháng tuổi là Nguyễn Minh Huy, Nguyễn Minh Hoàng. Do sinh non nên 2 cháu Huy và Hoàng phải nằm lồng kính hơn 1 tháng. Sau đó, cháu Hoàng bị kéo màng mây mắt, phải đi điều trị ở TP.HCM đến nay đã 5 lần, mỗi lần tiêu tốn khoảng 6 triệu đồng.
Hồ tôm của gia đình anh Tuấn tan hoang ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Gia đình anh Tuấn vẫn tạm sống trong căn nhà bị sập gần hết ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Anh Tuấn sửa chữa hồ tôm nhưng không có tiền đầu tư vụ nuôi mới ẢNH: HOÀNG TRỌNG
“Tối 15.12, thấy lũ lớn nhanh nên vợ chồng tôi phải dẫn các cháu đi sơ tán. Đến khi trở về thì căn nhà bị sập gần hết. Hai hồ nuôi tôm gần thu hoạch cũng bị bồi lấp, tôm bị cuốn trôi đi hết làm tôi mất trắng. Vợ chồng nhìn nhau rồi khóc”, anh Tuấn nói.
Sau khi chạy đi tránh lũ trở về, vợ chồng ông Hoàng Văn Nên (62 tuổi) và bà Trần Thị Tứ cũng “trắng tay”. Căn nhà của vợ chồng ông Nên đã “biến” mất tăm, thay vào đó là dòng nước chảy xiết, tất cả tài sản đều bị trôi sạch. Vợ chồng ông bà phải đi ở nhờ suốt những ngày qua.
Lo đói...
Không chỉ bị sập nhà, nhiều gia đình ở xóm Xuyên Cỏ còn bị hư hỏng ao, hồ nuôi tôm, không có tiền để trả nợ ngân hàng và đầu tư để tái sản xuất.
Nhắc đến mùa vụ mới, ông Phan Văn Tiên (53 tuổi) bật khóc. Ngôi nhà của gia đình ông Tiên bị sập, ao nuôi tôm rộng hơn 3 sao đất cũng bị hư hỏng, tôm nuôi để bán tết đã được 45 ngày tuổi bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.
“Trắng tay chứ còn gì nữa đâu mà đầu tư để nuôi tôm trở lại. Nuôi tôm rất tốn chi phí, cả trăm triệu đồng chứ không ít. Chúng tôi đào đâu ra chứng ấy tiền”, ông Tiên nói.
Ông Tiên bị lũ cuốn trôi hết tôm nuôi ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Anh Đỗ Ngọc Quý (42 tuổi) cũng bị lũ cuốn sập căn nhà mới xây chưa đầy 2 năm, chi phí xây dựng hơn 500 triệu đồng. Ao tôm của gia đình anh Quý cũng nằm sâu dưới dòng chảy của nước sông La Tinh. Anh Quý không có tiền để khôi phục lại hồ và đầu tư mua con giống để thả nuôi tôm trở lại.
Gần nhà anh Quý, vợ chồng anh Phạm Quốc Cường (33 tuổi) cũng có nhà bị hư hỏng, hồ tôm bị lũ cuốn trôi. “Từ đầu tháng 11 đến nay, gia đình tôi thả nuôi 20.000 con tôm giống. Tính ra, chi phí đầu tư nuôi tôm hết 100 triệu đồng nhưng bây giờ tất cả đã trôi theo lũ. Không thu hoạch được tôm nên tôi làm gì có tiền để trả vốn vay cho ngân hàng, nói gì đến việc thả lại tôm?”, ông Cường nói.
Hồ nuôi tôm của người dân xóm Xuyên Cỏ tan hoang sau lũ ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Theo ông Lê Minh Sơn, trưởng thôn An Xuyên 3, bờ sông La Tinh bị sạt lở vào đêm 15.12 làm ảnh hưởng đến toàn bộ người dân trong thôn gồm 174 hộ dân, trong đó có khoảng 45 hộ dân xóm Xuyên Cỏ. Cả thôn có An Xuyên 3 có 11 nhà sập thì xóm Xuyên Cỏ có đến 8 nhà và 4 nhà khác bị hư hỏng.
Trước mắt, chính quyền địa phương tập trung vào việc ăn uống, phòng chống dịch bệnh và chỗ ở cho người dân. Sau đó, phải tập trung khắc phục đường vào thôn đã bị hư hỏng để xe tải có thể chở đất cát, đá... vào lấp lại đoạn đê sông bị sạt lở. Khi đường xá đã thông thì người dân mới thuê được phương tiện vào để khắc phục tình trạng bồi lấp, sạt lở hồ nuôi tôm.
“Điều làm chúng tôi lo ngại nhất là đa phần người dân xóm Xuyên Cỏ sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thủy sản nhưng 100% ao, hồ của người dân đều bị phá tan hoang. Nông dân không có tiền để đầu tư sản xuất trở lại và trả nợ ngân hàng nên nguy cơ nghèo và tái nghèo là rất cao. Năm nay, người dân Xuyên Cỏ sẽ không có Tết đâu. Đừng nhắc đến Tết để họ thêm buồn!”, ông Sơn nói.
Sáng 21.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Bình Định về công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ.
Hỗ trợ đất và tiền cho dân xây nhà mới
Trong chuyến thăm đồng bào vũng lũ thôn An Xuyên vào sáng 21.12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương cấp tiền và đất cho 11 hộ dân có nhà bị sập xây dựng lại nhà mới để ở.
UBND tỉnh Bình Định đã có thông báo mức hỗ trợ 100 triệu đồng/nhà đối với nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn không có khả năng xây dựng lại nhà ở trên nền đất cũ và được giao một lô đất tái định cư, được miễn giảm tiền sử dụng đất theo quy định. Đối với các nhà bị sập hoàn toàn do mưa lũ khác sẽ hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà.
“Tôi đã giao cho Phòng Tài nguyên môi trường H.Phù Mỹ khẩn trương phối hợp với chính quyền xã Mỹ Chánh khảo sát, lập quy hoạch khu tái định cư để cấp ngay cho các hộ dân có nhà bị sập, bị cuốn trôi ở thôn An Xuyên 3”, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND H.Phù Mỹ, cho biết.
Bình luận (0)