Ngày 26.12, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Phó ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, về vấn đề này.
Phóng viên Thanh Niên:Ông nhìn nhận thế nào trong việc mưa lũ bất thường trong năm nay?
Ông Trần Hữu Thế: Tình hình thời tiết năm nay chuyển biến rất bất thường. Các chuyên gia về khí hậu đều nhận định chung đây là biểu hiện của biến đổi khí hậu. Thời tiết sẽ có thể diễn biến bất thường hơn trong những năm tới.
Qua kinh nghiệm, cũng như nghiên cứu về các hiện tượng mưa lũ, thiên tai tại Phú Yên, có thể thấy rằng chu kỳ mưa lũ lớn ở Phú Yên rơi vào chu kỳ 8 năm (±1). Mỗi lần như thế, mưa lũ lại gây ra tác hại rất lớn, chưa kể những cơn lũ nhỏ. Thời tiết năm nay cũng rơi vào chu kỳ đó, nhưng lại diễn biến ở một hình thái đặc biệt hơn, kéo dài hơn.
Sáng 17.12, Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung – Tây nguyên cho hay tiếp tục xuất hiện một đợt mưa lớn ở Nam Trung bộ khiến khu vực có nguy cơ lũ chồng lũ.
* Hiện Phú Yên đang cố gắng khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, chuẩn bị đối phó với cơn bão số 10 đang vào Biển Đông, ông có thể cho biết Phú Yên đã chuẩn bị như thế nào?
- Để khắc phục hậu quả thiệt hại từ đợt mưa lũ vừa qua, Phú Yên đã đề xuất và được Trung ương chấp thuận hỗ trợ về cây giống. Tỉnh cũng đã chủ động để hỗ trợ giống mía, sắn, lúa cho bà con... Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ bà con giống rau, màu sản xuất để phục vụ nhu cầu hàng ngày và trong dịp Tết. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu cơ chế chính sách, đặc thù để hỗ trợ cho bà con kịp thời.
Trong chuyến công tác ngày 21.12 tại tỉnh Bình Định, Bộ trưởng NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Nếu các năm sau này diễn ra y như năm nay thì đòi hỏi chúng ta phải có kịch bản đối với mưa lũ khác, không thể dùng kịch bản cũ được nữa. Mùa vụ phải thay đổi, cơ cấu sản xuất thay đổi, giống cây trồng phải thay đổi...
UBND tỉnh Phú Yên cũng đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với thời vụ mới, vì đến bây giờ đã trễ lịch sản xuất vụ đông xuân.
Để đối phó với bão Nockten - bão số 10 sắp đến, chúng tôi đã chỉ đạo Biên phòng tỉnh Phú Yên nắm bắt số lượng tàu thuyền của ngư dân đang hoạt động đánh bắt trên biển xa, có khả năng rơi vào vùng ảnh hưởng của bão để ngư dân có thông tin kịp thời tránh trú bão an toàn.
Đối với vùng ven biển có nguy cơ xảy ra triều cường khi bão hoặc hoàn lưu bão đổ bộ, triều cường dâng cao, chúng tôi đã cảnh báo các địa phương chuẩn bị tư thế sẵn sàng phương án di dời dân ở những vùng xung yếu. Bão chắc chắn sẽ đi kèm hoàn lưu bão gây ra mưa lớn nên tỉnh cũng đã có sự chuẩn bị phòng chống lũ lụt khi xảy ra. Đặc biệt, chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, không để người dân xuống giống, có nguy cơ sẽ bị lũ lụt cuốn trôi, gây hư hại.
Liên tiếp hứng chịu 5 đợt lũ từ giữa tháng 11 đến nay, hàng ngàn nông dân Bình Định rơi vào cảnh trắng tay. Còn ở nhiều tỉnh miền Trung và Tây nguyên thiếu giống để canh tác.
* Hướng chỉ đạo của tỉnh trong việc đối phó với thời tiết bất thường trong sản xuất nông nghiệp?
- Bây giờ, lịch thời vụ đã khác. Trước đây, lịch thời vụ được tính sau 23.10 (âm lịch) vì thời điểm này thường không còn lũ lụt nữa. Riêng năm nay, và có khả năng diễn biến những năm tiếp theo, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp nghiên cứu hoặc tham vấn Bộ NN-PTNT đưa ra những cây trồng phù hợp, hoặc là những cây trồng ngắn ngày phù hợp với mùa đông.
Nếu chỉ trông cậy lúa đông xuân mà không có sự chủ động kịp thời thì chắc chắn đây là nguy cơ lớn cho những năm tiếp theo. Việc thời tiết thay đổi bất thường cũng là dịp để chúng tôi tái cơ cấu lại trong sản xuất nông nghiệp với những giống cây trồng phù hợp hơn trong mùa đông, để hạn chế thấp nhất sự tác động của mưa lũ.
* Xin cám ơn ông!
Khánh Hòa phát công điện khẩn ứng phó bão Nockten - bão số 10
Trao đổi với báo chí vào trưa 26.12, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, cho biết vào chiều ngày 25.12, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã có công điện khẩn gửi đến tất cả các địa phương, các đơn vị chuyên trách phòng chống lụt bão trong toàn tỉnh cũng tham gia ứng phó với bão Nockten - bão số 10.
Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan cảnh giác cao độ diễn biến của bão, phải bố trí người túc trực phòng chống bão 24/24. Đối với các vùng xung yếu có thể ảnh hưởng trực tiếp của bão, các địa phương phải nắm rõ diễn biến của bão để đưa ra phương án phòng chống hợp lý với phương châm 4 tại chỗ; trong trường hợp cần thiết, phải có phương án di dời dân các vùng xung yếu...
Hiền Lương
Bình Định lùi thời gian gieo sạ
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết theo dự báo, khu vực tỉnh Bình Định có khả năng bị ảnh hưởng của bão Nockten (bão số 10) và gió mùa đông bắc nên từ ngày 27 - 30.12 sẽ tiếp tục xảy ra nhiều đợt mưa lớn.
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động kiểm tra lượng nước đến để điều tiết hồ chứa nước Định Bình theo quy trình vận hành liên hồ vừa đảm bảo an toàn hồ đập, vừa góp phần điều tiết nước trên các con sông, chống ngập úng cho vùng hạ du.
Tỉnh Bình Định cũng đã điều chỉnh lịch thời vụ theo hướng lùi thời gian gieo sạ, nhằm tránh tình trạng tiếp tục bị mưa lũ gây hư hại giống.
Cụ thể, từ ngày 1.1.2017 trở về sau tiến hành gieo sạ cả chân đất sản xuất 3 vụ lúa/năm và chân đất sản xuất 2 vụ lúa/năm. UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi diễn biến thời tiết và tùy vào điều kiện của địa phương để xác định thời điểm xuống giống phù hợp.
Bình luận (0)