Chiêu lừa đảo bằng phiếu chuyển tiền giả
Theo Công an TX.Cai Lậy (Tiền Giang), ngày 13.11, anh N., chủ cửa hàng điện thoại di động trên địa bàn, trình báo việc anh bị tạo hóa đơn chuyển tiền giả để lừa đảo.
Cụ thể, sáng 13.11, anh N. nhận tin nhắn qua Messenger từ tài khoản mạng xã hội (MXH) "Huyền Ngọc" với nội dung cần tư vấn giá điện thoại di động iPhone 16 Pro Max. Khi được tư vấn và báo giá xong, tài khoản này đặt mua 1 chiếc điện thoại với giá gần 35 triệu đồng. Sau đó, chủ tài khoản gửi cho anh N. hóa đơn chuyển tiền thành công, đúng với nội dung, thông tin, số tiền mà anh đã cung cấp. Do không kiểm tra kỹ, anh N. tin rằng đó là hóa đơn chuyển tiền thật nên đồng ý giao hàng.
Đến chiều cùng ngày, có một thanh niên đến cửa hàng nhận điện thoại cho tài khoản "Huyền Ngọc". Khi nhân viên đang giao điện thoại, anh N. kiểm tra lại tài khoản ngân hàng thì phát hiện chưa nhận được số tiền khách hàng "Huyền Ngọc" đã chuyển.
Vụ việc được trình báo Công an TX.Cai Lậy. Người thanh niên này cho biết đã được Trần Thị Ánh Ngân (ngụ xã Hậu Thành, H.Cái Bè, Tiền Giang) thuê đến cửa hàng nhận điện thoại.
Tại cơ quan công an, Ngân khai nhận tạo tài khoản giả tên "Huyền Ngọc" để liên hệ chủ cửa hàng đặt mua điện thoại iPhone 16 Ppro Max. Khi chủ cửa hàng báo giá, Ngân lên mạng truy cập vào 1 đường link để tạo hóa đơn chuyển tiền giả, rồi gửi cho chủ cửa hàng. Khi chủ cửa hàng đồng ý giao điện thoại, Ngân thuê người thanh niên đến nhận và bị phát hiện.
Tiến hành điều tra mở rộng, Ngân khai nhận, cũng tại cửa hàng điện thoại của anh N., trước đó, Ngân đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 5 triệu đồng và 1 điện thoại iPhone 15 Pro Max. Sau đó, Ngân cầm điện thoại cho chính cửa hàng mà mình đã lừa để lấy 8 triệu đồng. Đến ngày 13.11, Ngân tiếp tục lừa đảo thì bị phát hiện.
Ngoài ra, Ngân còn tạo hóa đơn chuyển tiền giả để chơi hụi qua mạng với một phụ nữ ở Q.5 (TP.HCM), chiếm đoạt 160 triệu đồng.
Công an tỉnh Tiền Giang còn cho biết, đơn vị đã tiếp nhận trình báo của nhiều trường hợp là chủ cửa hàng điện thoại di động bị lừa đảo. Đối tượng dùng "chiêu" đến cửa hàng mua một số phụ kiện như dây sạc, thẻ nhớ... rồi nói cần tiền mặt nên sẽ chuyển số tiền lớn hơn số tiền mua hàng, nhờ chủ cửa hàng đưa tiền mặt phần chênh lệch. Sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ đưa biên lai chuyển tiền thành công cho chủ cửa hàng rồi lấy tiền chênh lệch đi khỏi. Khi chờ mãi không thấy tiền vào tài khoản, chủ cửa hàng mới biết mình bị lừa.
Lừa đảo qua dụ tải áp, đăng kiểm xe
Còn tại Long An, thời gian gần đây, nhiều người sở hữu xe ô tô liên tục bị kẻ lừa đảo tấn công. Anh P. (ngụ P.2, TP.Tân An, Long An) cho biết, thời gian gần đây, anh liên tục bị các đối tượng lừa đảo "khủng bố" bằng điện thoại. Mặc dù đã hết sức cảnh giác nhưng anh vẫn sơ hở, bị đối tượng "chiếm điện thoại" thông qua internet Banking rồi rút sạch tiền trong tài khoản.
Theo chia sẻ của anh P., đối tượng lừa đảo dùng điện thoại di động để gọi và tự xưng là người của Sở GTVT Long An, thông báo cần thay đổi nội dung đăng kiểm hoặc tự xưng công an cấp huyện nơi đăng ký xe ô tô để hỗ trợ cập nhật xe ô tô lên VNeID.
Sau khi giới thiệu sơ lượt, khoảng 10 - 30 phút sau, có một số điện thoại khác gọi đến tự xưng là người trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ của "Chi cục Đăng kiểm Long An" hay Đội CSGT công an huyện nơi đăng ký xe hướng dẫn chủ xe tải app để tự cập nhật thông tin mà không cần lên chi cục đăng kiểm hay đội CSGT.
Khi chủ xe tin tưởng, nhóm lừa đảo sẽ kết bạn Zalo để hướng dẫn tải và sử dụng app. Và để biết mật mã chuyển tiền trong app, đối tượng sẽ yêu cầu chủ xe thao tác để chuyển ít chi phí về việc cập nhật đăng kiểm, đăng ký cộng với chi phí bưu điện chuyển về nhà. Từ đó, đối tượng sẽ biết được mật mã chuyển tiền. Sau đó, lợi dụng việc chụp ảnh chủ xe để hoàn thành việc nhận diện sinh trắc học rồi lấy tất cả tiền trong tài khoản ngân hàng.
Theo Cảnh sát hình sự Công an TP.Tân An (Long An), thời gian qua, đơn vị nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về việc bị lừa đảo như trường hợp anh P. Đây là lừa đảo công nghệ cao nên công an cũng rất khó khăn trong việc truy xét dòng tiền trên hệ thống ngân hàng do sẽ mất nhiều thời gian. Mặt khác, tài khoản nhận tiền thường là những tài khoản mà nhóm lừa đảo thuê của người khác.
Theo công an 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, đây là thủ đoạn mới, tinh vi. Đối tượng lợi dụng sự bận rộn, mất cảnh giác của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo. Vì vậy, mọi người cần hết sức cảnh giác phòng ngừa. Khi sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng, cần xem kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa hoặc tiền mặt cho bất cứ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản.
Khi phát hiện các đối tượng nghi vấn lừa đảo, cần báo ngay cho công an gần nhất để kịp thời xử lý, nhằm ngăn chặn, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn. Việc quan trọng nhất là không nên tin người lạ trong việc tự xưng người của cơ quan Nhà nước để hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính trên điện thoại.
Bình luận (0)