Do thiếu việc làm, gần đây hàng trăm người dân tộc Dao (xã Ba Vì, H.Ba Vì, Hà Nội) đã lén lút xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.
Nhiều gia đình ở Ba Vì, cả bố mẹ đều đi lao động "chui", để những đứa con thơ dại cho người già chăm sóc - Ảnh: Trúc Như
|
Theo số liệu thống kê của Công an xã Ba Vì, hiện toàn xã có 130 người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, có 109 người (64 nam và 45 nữ) tập trung nhiều nhất ở thôn Hợp Sơn (43 người). Cao điểm vào tháng 4.2014, số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lên đến 231 người.
Tuy nhiên có không ít người dân, sau khi đi lao động “chui” đã bị chủ Trung Quốc quỵt tiền công, do không có giấy tờ hợp pháp, không được chính quyền địa phương bảo vệ, không được ký kết hợp đồng lao động. Đặc biệt là có nhiều gia đình cả 2 bố mẹ đều đi lao động, bỏ bê con cái, nên nhiều trẻ lâm vào các tệ nạn xã hội, gây mất trật tự an ninh ở địa phương.
Chị Trịnh Thị An (38 tuổi) thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, H. Ba Vì vừa trở về từ Trung Quốc kể, do ở nhà không có việc làm nên tháng 2.2015, vợ chồng chị gửi 3 đứa con cho ông bà nội, dắt díu nhau sang Trung Quốc tìm việc. Tuy nhiên sau 3 tháng lao động mà chủ người Trung Quốc vẫn chưa trả tiền công. “Công việc rất bấp bênh vì cả hai không có giấy tờ hợp pháp, thường xuyên phải chốn chui, chốn lủi vì sợ bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ. Sau 3 tháng sang nước ngoài làm thuê, sức khỏe của tôi không đảm bảo, nên hai vợ chồng đưa nhau trở về quê. Nhưng do chủ lao động chưa trả tiền công nên chồng tôi lại phải quay trở lại lao động tiếp”, chị An chia sẻ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lý Sinh Vượng, Phó chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết: “Tình trạng người dân xã Ba Vì đi lao động “chui” bên kia biên giới đã diễn ra nhiều năm và khó kiểm soát do họ toàn trốn đi trong đêm. Để hạn chế tình trạng trên, cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể địa phương đã tích cực tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã có nhiều biện pháp giúp họ có công ăn việc làm như: đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở lớp dạy nghề chăn nuôi thú y và thu hái, chế biến thuốc nam, một nghề truyền thống của dân tộc Dao xã Ba Vì…” Tuy nhiên theo ông Vượng, thì tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt, do Ba Vì là một xã miền núi đặc biệt khó khăn. Đất canh tác ít, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, nên kinh tế của xã phát triển chậm, đời sống người dân rất khó khăn.
Bình luận (0)