Nhiều lao động ở Nghệ An lại rủ nhau vượt biên sang Trung Quốc để làm việc “chui”, sau khi Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.
>> Bị lừa qua Trung Quốc làm thuê
|
Trở về nhà sau 3 tháng lao động “chui” ở Trung Quốc do tình hình căng thẳng trên biển Đông, anh Phạm Xuân Nam (ngụ huyện Yên Thành) lại tiếp tục chuẩn bị vượt biên sang Trung Quốc để làm việc. “Ở nhà hiện nay cũng không có việc làm nên phải đi. Nghe nói Trung Quốc rút giàn khoan nên bên đó cũng an toàn hơn. Chi phí chỉ 5-6 triệu đồng, sang đó nếu yên lành từ giờ đến cuối năm sẽ kiếm được 30-40 triệu đồng”, anh Nam cho biết. Một số người cùng xóm với anh Nam cũng chuẩn bị theo anh Nam lên đường.
Anh Nam kể lại lần sang Trung Quốc trước đây: “Khi đến cửa khẩu Móng Cái, “cò” liền gọi điện thoại cho một ai đó nói tiếng Trung Quốc rồi họ bảo bọn mình chờ ở ven đường. Khoảng 10 phút sau, có 1 người đàn ông đem cả nhóm đi bằng đường bộ băng qua các ngọn núi. Hôm đó trời mưa nhưng cũng không được nghỉ, trú mưa gì cả, có những đoạn bùn lên tận đầu gối. Phải leo núi cả gần 6 tiếng đồng hồ bọn mình mới tới nơi”.
Anh Thắng, một người cũng vừa trở về từ Trung Quốc cho biết, sau khi được dẫn đường vượt biên qua đất Trung Quốc, có xe ô tô tiếp tục đến đón và sau một ngày chạy xe thì đến nơi làm việc. “Ở đó là khu vực khá sầm uất. Các gia đình đều có xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em”, anh Thắng kể.
Nguyễn Văn L., một “cò” chuyên đưa các lao động vượt biên sang Trung Quốc cho biết, nếu muốn sang Trung Quốc làm việc thì chỉ cần 6 triệu đồng nộp cho L. và không cần hộ chiếu. “Công việc nhẹ nhàng, làm việc ở trong nhà, mỗi tháng chủ sẽ trả lương 9 triệu đồng, bao luôn ăn ở”, L. giới thiệu. Người đi trước trót lọt, người ở nhà tiếp tục đi theo. Nhiều thanh niên, thậm chí thiếu niên mới học hết lớp 9 cũng bỏ học sang Trung Quốc làm việc.
Nghệ An là một địa phương có số lượng người vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động “chui” khá lớn, tập trung chủ ở các huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Tân Kỳ… Chỉ riêng một xóm ở xã Khánh Thành, huyện Yên Thành đã có hàng chục người vượt biên sang Trung Quốc làm việc.
Ông Phan Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Khánh Thành, cho biết: “Hiện tại xã có gần 500 người xuất khẩu lao động đi tất cả các nước, còn tình trạng người lao động đi làm “chui” sang Trung Quốc thì xã cũng có nghe nói chứ không nắm được số lượng cụ thể”.
Nhiều rủi ro
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người lao động được “cò” đưa qua làm việc chủ yếu ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quảng Châu, trong các xưởng sản xuất đồ chơi, đồ điện tử, phụ hồ... và phải làm việc quần quật 12 giờ mỗi ngày. "Xưởng có 7 người thì sau đó có 4 người bị công an bắt nên bọn mình không ai dám ra ngoài. Nhiều lúc đang làm, công an bất ngờ ập vào thì mỗi đứa một đường mà chạy. Nếu bị bắt, chủ cũng không bảo lãnh cho mình", anh An ở huyện Yên Thành, nói.
Mỗi tháng, trung bình người lao động làm việc 12 tiếng được nhận từ 8 - 9 triệu đồng, nhưng thường sau 2-3 tháng chủ mới trả lương. Giữa tháng 5 vừa rồi, sau khi tình hình trên biển Đông căng thẳng, nhiều lao động lo sợ nên đã bỏ về nước và nhiều người bị chủ quịt luôn 2 - 3 tháng lương.
Anh Trần Văn Thắng, một lao động bị công an Trung Quốc bắt giữ vì cư trú bất hợp pháp tại Trung Quốc, cho biết sau khi bị công an bắt giữ, anh và nhiều lao động Việt Nam khác bị đưa về giam giữ tại một khu vực gần biên giới Việt - Trung. Ở đây, các lao động Việt Nam bị bắt đều phải làm việc mỗi ngày và không hề được trả lương, sau 3 tháng thì mới được trả về nước.
Phan Ngọc
>> Lật thuyền chở lao động ‘chui’ ở Malaysia: 2 người chết, 19 mất tích
>> Tăng cường quản lý xuất khẩu lao động 'chui
>> Thêm một người đi xuất khẩu lao động "chui" tử vong ở Angola
>> Mất tiền, vào tù vì đi lao động chui
>> Hàng trăm người Trung Quốc lao động 'chui
Bình luận (0)