Người đặt nền móng cho tiến trình đổi mới

19/01/2017 08:39 GMT+7

Triển lãm Tổng bí thư Trường Chinh - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành một phần để nói về ông với công cuộc đổi mới.

Triển lãm khai mạc sáng 18.1 tại Hà Nội, do Văn phòng T.Ư Đảng và Bộ VH-TT-DL phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện hướng đến kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng bí thư Trường Chinh (9.2.1907 - 9.2.2017). Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và cắt băng khai mạc triển lãm. Trong sổ ghi cảm tưởng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh các cơ quan tổ chức triển lãm. “Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Trường Chinh - một nhân cách lớn, người cộng sản kiên cường mẫu mực, nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất, nhà lý luận, nhà văn hóa nổi tiếng, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc, được nhân dân và bạn bè quốc tế kính trọng. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được ghi vào lịch sử cùng với những sự kiện trọng đại của cách mạng VN trong thế kỷ 20”, Tổng bí thư viết.
Dịp này, Tổng bí thư đề nghị các cơ quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu đến đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ về những tấm gương kiên cường, bất khuất, sự hy sinh cao cả và đạo đức trong sáng, hết lòng vì nước vì dân của các chiến sĩ cộng sản cách mạng tiền bối, thiết thực kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng và triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Quyết tâm đổi mới
Theo bà Trần Thị Huyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ 1983 - 1985, ông Trường Chinh đã tổ chức và trực tiếp tham gia nhiều chương trình khảo sát thực tế chặt chẽ tới gần 20 tỉnh thành, trên khắp ba miền đất nước. Chuyến đi khảo sát tình hình thực tế tại Viện Nghiên cứu cà phê TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk năm 1983 trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước cũng nằm trong số đó. “Những chuyến đi thực tế của ông Trường Chinh là quá trình thâm nhập thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đúc kết thành quan điểm, tư tưởng đổi mới”, bà Huyền cho biết. Chẳng hạn, theo nhà nghiên cứu này, sau chuyến đi Đắk Lắk và Kon Tum, ông kiến nghị hình thức phát triển kinh tế vườn, hình thức khoán hộ rất cụ thể, khoa học.
Bảo tàng Hồ Chí Minh, đơn vị thực hiện trưng bày này, cũng dành hẳn một phần để nói về Tổng bí thư Trường Chinh trong những năm 1975 - 1988. Theo bảo tàng, đây là thời kỳ đất nước gặp muôn vàn khó khăn, các thế lực thù địch tăng cường bao vây, cấm vận, cùng với đó là cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp đã làm cho lạm phát tăng cao, kinh tế nước ta bước vào khủng hoảng. “Từ tháng 7.1986, với cương vị là Tổng bí thư, nhận rõ xu thế tất yếu của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đồng chí Trường Chinh đã dũng cảm thoát ra khỏi tư duy cũ, chủ động và kiên quyết đề ra chủ trương đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế”, nghiên cứu của Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết.
Cũng theo bảo tàng, quyết tâm đổi mới thể hiện ngay trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI của Đảng, Tổng bí thư Trường Chinh nói: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Đại hội VI của Đảng đã trở thành Đại hội đổi mới, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng VN, một bước ngoặt trong tư duy lý luận của Đảng.
Chính vì thế, trong triển lãm cũng có tư liệu ảnh về Trường Chinh tại Đại hội VI. Trước đó, tại hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành T.Ư Đảng ngày 14.7.1986, ông Trường Chinh được bầu làm Tổng bí thư thay ông Lê Duẩn mới qua đời. Theo bà Trần Thị Hiền, cuối tháng 3 đầu tháng 4.1986, ông Trường Chinh còn bị một số ý kiến ủng hộ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp phê phán gay gắt là “chạy theo chủ nghĩa xã hội thị trường”, “bắt chước các quan điểm của nước ngoài” và “cẩn thận với những con ngựa thành Troia”. Tuy nhiên, ông vẫn kiên định với quan điểm đổi mới của mình.
Đương đầu, vượt qua thử thách
TS Nguyễn Thắng Lợi, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết cũng trong thời kỳ làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông Trường Chinh còn thành lập nhóm các nhà khoa học để nghiên cứu lý luận và thực tiễn. Nhóm nghiên cứu 8 người này đã tập trung nghiên cứu lý luận, nhận thức lại các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ, về chính sách kinh tế mới của Lênin cũng như vận dụng nó vào thực tiễn VN. “Ông nhận rõ sai lầm và kiên quyết sửa chữa khắc phục tư tưởng vừa chủ quan, nóng vội vừa bảo thủ trì trệ; từng bước nêu những nhận thức mới về thời kỳ quá độ ở VN, về sự tất yếu không thể bỏ qua phát triển sản xuất hàng hóa, đó là sản xuất hàng hóa xã hội chủ nghĩa, làm rõ khái niệm cơ chế thị trường”, ông Lợi cho biết.
TS Đặng Văn Thái, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng báo cáo chính trị làm nền tảng cho Đại hội VI có dựa trên quan điểm của ông Trường Chinh về cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế, nguyên tắc tập trung dân chủ, cơ chế thị trường. TS Nguyễn Thắng Lợi, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá Tổng bí thư Trường Chinh là người đặt nền móng cho tiến trình Đổi mới ở VN. “Ngay cả khi Nghị quyết T.Ư và Nghị quyết Bộ Chính trị đã được ban hành, nhưng các quan điểm khác nhau vẫn dai dẳng tồn tại và khi quan điểm chưa thống nhất thì hành động không thống nhất... Đây là một thử thách lớn lao của tinh thần trách nhiệm trước vận mệnh của Đảng và dân tộc mà Tổng bí thư Trường Chinh sẵn sàng chấp nhận và vượt qua”, ông Lợi phân tích.
Bà Thanh Mai, Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho biết triển lãm được thực hiện gắn liền với hình ảnh Tổng bí thư Trường Chinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổng bí thư Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, H.Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Với 81 năm tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục (từ 1925 - 1988), ông được phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng bí thư Đảng Lao động VN, Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản VN...
Văn Đông
Ngày 18.1, tại Nam Định diễn ra hội thảo khoa học Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định, do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Tỉnh ủy Nam Định, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cùng đại diện các bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo tỉnh Nam Định; thu hút 45 tham luận, ý kiến của các nhà nghiên cứu, lý luận...
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định: Tổng bí thư Trường Chinh là người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ông là nhà chiến lược, nhà tổ chức tài năng, nhà văn hóa lớn, tấm gương đạo đức trong sáng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời kỳ cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và bước vào đổi mới toàn diện, Tổng bí thư Trường Chinh với tư duy lý luận sắc bén và kinh nghiệm thực tiễn sống động đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn vượt khỏi những quan niệm và nếp nghĩ quen thuộc cũ, chủ động đề xuất với Bộ Chính trị thảo luận, xem xét việc thực hiện công cuộc đổi mới với những nội dung toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, góp phần mở ra bước phát triển mới của cách mạng VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.