Đột phá bằng nội lực

01/01/2017 06:26 GMT+7

Năm 2016 khép lại cũng là thời điểm VN đánh dấu 3 thập niên đổi mới.

Vì vậy, năm 2017 là một năm cực kỳ đặc biệt, năm đánh dấu cột mốc cho một giai đoạn đổi mới tiếp theo với rất nhiều thách thức, khó khăn cũng như kỳ vọng từ người dân, doanh nghiệp (DN).
Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc tới những "cơn địa chấn" mang tên Donald Trump, hiện tượng Brexit, cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, sự biến động của kinh tế Trung Quốc... khi thế giới khép lại năm 2016 vì ảnh hưởng của nó vẫn còn nguyên trong năm 2017. Với việc ký kết hàng loạt các hiệp định đa phương - song phương trong năm qua, những thay đổi trên toàn cầu đã - đang và sẽ tác động mạnh mẽ tới kinh tế VN trong năm nay và những năm tới. Nếu tận dụng tốt cơ hội, chúng ta sẽ mở rộng thêm cánh cửa thị trường toàn cầu. Ngược lại, VN có thể bị biến thành nơi tiêu thụ hàng hóa của thế giới.
Nói thế để thấy, áp lực từ bên ngoài là cực lớn. Tuy nhiên, áp lực nội tại mới là yếu tố quyết định thành - bại của năm mới và nhất là công cuộc đổi mới lần 2 này.
Vậy chúng ta đã làm gì và phải làm gì để có một cơ thể kinh tế khỏe mạnh, đủ sự dẻo dai và cả sức bật giai đoạn mới? Năm 2016, Chính phủ đã phát đi các thông điệp rất rõ ràng, cụ thể về đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng (thông qua việc gọi vốn đầu tư, xuất khẩu tài nguyên, thu hút vốn ngoại bằng lao động rẻ...) sang chiều sâu (sử dụng vốn có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, lao động trình độ tay nghề cao, bảo vệ môi trường...).
Đặc biệt, có một sự đổi mới thực sự về nội lực trong nền kinh tế. Đầu tiên, nếu như giai đoạn trước, DN nhà nước được coi là "quả đấm thép" thì nay Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, các DN tư nhân mới là trụ cột của nền kinh tế. Cùng với tuyên bố này, chương trình Quốc gia khởi nghiệp với mục tiêu 1 triệu DN cũng đã được dấy lên với rất nhiều cơ chế, chính sách thực hiện. Những "ông lớn" cố thủ không cổ phần hóa, không chịu niêm yết đã bị buộc phải lên sàn. Thay vì cạnh tranh trực tiếp với tư nhân, nhà nước chỉ làm những gì không ai làm được hoặc không ai muốn làm. Nghĩa là trả lại cơ hội thị trường cho khu vực dân doanh.
Phải nhấn mạnh là, sự thay đổi tư duy về trụ đỡ của nền kinh tế là vô cùng quan trọng. Thế giới đã chứng minh, các nền kinh tế mạnh nhất toàn cầu đều coi kinh tế tư nhân là trụ cột. VN cũng không ngoại lệ, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 40% GDP, trở thành bộ phận lớn nhất trong tổng đầu tư, hiệu số đầu tư tăng trưởng bằng 79,3% khu vực có vốn đầu tư nước ngoài... Có điều, phân bổ nguồn lực ở VN lại đang đi ngược lại với sự đóng góp. Thống kê cho thấy, 70% tín dụng là dành cho khoảng 2% DN lớn, còn 95% DN nhỏ và siêu nhỏ chỉ hưởng được khoảng 20 - 25%. Nghịch lý này khiến kinh tế VN rơi vào nguy hiểm khi đang dựa chủ yếu vào khối DN ngoại trong khi khối DN nhà nước làm ăn không hiệu quả. Vì vậy, định hướng khu vực tư nhân là trụ cột của nền kinh tế chắc chắn sẽ thay đổi nghịch lý phân bổ nguồn lực nói trên, tạo sự bình đẳng trong tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường, tiếp cận các dịch vụ... để khu vực tư nhân trở thành xương sống, giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Thứ hai là coi nông nghiệp công nghệ cao là một trong những thế mạnh của VN trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về chủ đề này những ngày cuối năm 2016. Đây là một định hướng cực kỳ quan trọng và đúng đắn. Thế mạnh của VN là nông nghiệp. Rất nhiều nông sản của VN dẫn đầu trong bản đồ xuất khẩu thế giới, thế nhưng lâu nay nông nghiệp bị bỏ quên. Định hướng trên sẽ phát huy "sở trường" nông nghiệp của VN nhưng theo xu hướng công nghệ cao của thế giới. Nội lực của nền kinh tế thêm một mũi nhọn.
Yếu tố thứ ba là cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư. Không chỉ là hô hào, Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu cụ thể về thứ hạng cho từng chỉ tiêu như khởi sự kinh doanh từ vị trí 121 phải xuống 60; thủ tục cấp phép xây dựng từ 166 ngày rút ngắn thêm 30 ngày; thời gian giải quyết tranh chấp từ 400 ngày còn 300 ngày... Theo tính toán, giảm được một ngày thông quan, chúng ta tiết kiệm được 1 tỉ USD/năm. Thực hiện được mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế sẽ nhanh hơn.
Năm 2017 đã chính thức bắt đầu, nếu nội lực được củng cố, cộng thêm những cam kết của Chính phủ, các bộ - ngành - địa phương về chống tham nhũng, siết chặt kỷ cương - phép nước... đang tạo niềm tin cho người dân và DN về một năm mới, một giai đoạn đổi mới đột phá cho VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.