Đó là câu chuyện "rẽ trái" sang làm nông của anh Nguyễn Thành Nguyên (27 tuổi) ở TP.Đà Lạt, Lâm Đồng.
Anh Nguyên kể lại “duyên số” đến với nghề nông của mình: “Trước khi đi du học ở Mỹ, tôi đã nghĩ sau này sẽ trở về VN để làm việc. Khi về nước, tôi làm cho một công ty xuất nhập khẩu ở TP.HCM và chuyên về sản phẩm trái cây. Trong thời gian này, tôi gặp một đối tác Canada, họ đưa ra trái đậu Hà Lan cho tôi xem và hỏi bên VN có trồng được loại nông sản này không. Cầm sản phẩm này về tìm hiểu rồi bàn với gia đình và được đồng ý, tôi trở về Lâm Đồng tìm đất trồng đậu Hà Lan, thế là trở thành nông dân từ đó”.
Cuối năm 2012, một trang trại 3,5 ha trồng đậu Hà Lan công nghệ cao đã mọc lên ở Đạ Nghịt (xã Lát, H.Lạc Dương), cách Đà Lạt chừng 20 km. “Có sản phẩm, tôi chụp hình gửi email rồi gửi mẫu cho đối tác bên Canada. Họ phân tích, đánh giá và thấy đạt chất lượng nên đặt mua hàng, sản lượng được bán hết cho đối tác này, mang về doanh thu gần 200 triệu đồng/tuần”, anh Nguyên cho biết. Mọi việc tưởng chừng thuận lợi, không ngờ sau 1 năm, do canh tác liên tục trên một thửa đất, cây đậu không thích hợp nên "trở chứng", buộc phải luân canh cây trồng để cải tạo đất. Anh lại tìm hiểu và trồng thay thế bằng cây bó xôi, tần ô, mang những sản phẩm này đến các siêu thị ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng để bán và được họ chấp nhận nên không lo lắng thị trường tiêu thụ.
Việc trồng rau coi như đã gắn bó với mình, anh Nguyên lại nghĩ cách để phát triển ổn định, bền vững. “Nhớ lại khi còn du học ở Mỹ, tôi cũng thường ra chợ nông sản và nhìn thấy họ bán rất nhiều loại rau củ tí hon trông khá đẹp mắt. Thế rồi, anh mua giống trồng thử nghiệm trên giá thể các loại dưa leo baby, lơ xanh baby, rồi đến cà chua baby, củ cải đỏ baby, bí mặt trời, củ dền... “Ban đầu sản lượng thì đạt nhưng chất lượng thì chưa bởi ăn thử thấy nhạt, không ngọt và thơm như ở nước ngoài. Thế là tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu, xác định nguyên nhân do mình chăm sóc “chưa tới” nên dần dần khắc phục. Cũng thật bất ngờ, khi sản phẩm baby đưa vào hệ thống siêu thị trong nước thì được khách hàng ưa chuộng”, anh Nguyên nói.
Thấy trồng rau củ baby trên giá thể thành công, anh Nguyên quay trở lại với cây đậu Hà Lan và trồng trên giá thể cũng mang lại hiệu quả không kém. “Do hụt hàng nên đối tác Canada không còn mua đậu nữa, tôi đành phải bán cho thị trường nội địa. Ban đầu không ngờ, dù mình trồng theo hướng VietGAP, sản phẩm sạch hoàn toàn, nhưng thấy trái đậu quá to, người tiêu dùng tưởng là hàng Trung Quốc hay dùng thuốc gì đó mới lớn như vậy nên họ không mua sản phẩm. Trước nguy cơ cả 100 kg đậu mỗi ngày bị ế, tôi bèn mang sản phẩm xuống TP.HCM và nói siêu thị (đang là bạn hàng) nhờ đầu bếp của các nhà hàng, khách sạn 5 sao - nơi hay có khách nước ngoài ăn uống nên đầu bếp nhất định sẽ biết loại đậu này, tổ chức nấu miễn phí mời người tiêu dùng ăn thử. May mắn, khi ăn thử xong, mọi người thấy chất lượng quá tốt nên bắt đầu tìm mua và từ đó các siêu thị đặt hàng có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu”, anh tâm sự.
Từ 3,5 ha ban đầu, đến nay diện tích nông trại của anh Nguyên đã tăng lên 13 ha. Tùy theo đơn đặt hàng, bình quân mỗi ngày, nông trại của anh Nguyên cung cấp ra thị trường từ 500 - 800 kg rau củ quả các loại với giá dao động từ 30.000 - 140.000 đồng/kg, mang về doanh thu khoảng 9 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 25 lao động với mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, kỹ sư 7,5 triệu đồng/người tháng. “Hướng đến, tôi sẽ tăng thêm diện tích sản xuất, trồng thêm các loại rau ăn lá tốt cho sức khỏe để phục vụ người tiêu dùng. Ngoài kỹ thuật và vốn ra, làm nông mà không đam mê, không có mặt ở vườn thường xuyên thì không thể làm được”, anh Nguyễn Thành Nguyên chia sẻ.
Bình luận (0)