'Rẽ trái' sang làm nông: Cô giáo bén duyên với hoa và rau

22/12/2016 07:19 GMT+7

Từng là y sĩ rồi giáo viên, bà Văn Thị Tâm ở Đà Lạt chuyển sang làm nông, còn chồng bà là kỹ sư viễn thông cũng rẽ trái để cùng vợ xây dựng trang trại Lang Biang Farm.

Đến thăm trang trại Lang Biang Farm, với những dãy nhà kính trồng rau, hoa, dâu tây… được tự động hóa hiện đại, nhiều người lầm tưởng chủ trang trại là kỹ sư chuyên ngành nông nghiệp.
Nhưng thật ra bà Văn Thị Tâm (54 tuổi) - chủ trang trại, trước đây là y sĩ chuyên khoa nội - phụ khoa, từng có 6 năm công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch (Lâm Đồng). Năm 1992, bà xin nghỉ việc về nhà chăm vườn cà phê, hồng ăn trái, rồi trồng xen canh cà chua, xà lách và tự mang ra chợ bán.
Vài năm sau, bà thi đậu vào Khoa Ngoại ngữ (ĐH Đà Lạt). Sau 4 năm theo học, bà tốt nghiệp loại giỏi với 2 ngoại ngữ Anh và Pháp, đồng thời có cả bằng tin học. Bà Tâm được nhận vào dạy tiếng Anh tại Trung tâm ngoại ngữ Đà Lạt, ngoài giờ lên lớp, bà tranh thủ trồng hoa trong khu vườn sau nhà để có thêm thu nhập. Thời điểm năm 1999, cà phê xuống giá trầm trọng, bà Tâm bàn với chồng phá bớt vườn cà phê để chuyển sang trồng hoa và địa lan. Lúc đó, chồng bà là ông Trần Huy Đường, giữ chức Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư của Bưu điện Lâm Đồng, thường xuyên đi công tác xa nhà, nên bà Tâm quyết định nghỉ dạy học để tập trung trồng hoa.
Hai vợ chồng bà lân la đến làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt Hasfarm... để tìm hiểu cách làm nhà kính trồng hoa công nghệ cao. Nhờ có vốn liếng ngoại ngữ và tin học, bà Tâm vào mạng tìm website các công ty chuyên sản xuất giống hoa ở Hà Lan và đặt vấn đề mua giống hoa.
Sau nhiều lần thương thuyết, tháng 7.1999 lô hàng đầu tiên với 1.500 cây giống hoa đồng tiền (Gerbera) được nhập về cửa khẩu Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Chỉ một năm sau, bà nhập về 10.000 cây giống đồng tiền với nhiều màu sắc đa dạng. Hoa đồng tiền nội bán 1.000 đồng/bông, còn hoa của bà Tâm bán từ 4.000 - 6.000 đồng/bông nhưng không đủ hàng cung cấp. Bên cạnh đó, hai vợ chồng bà còn sở hữu trên 100.000 đơn vị địa lan, 20.000 đơn vị phong lan.
Lúc này, họ thành lập Công ty Lang Biang Farm để tiện việc giao dịch, lập website giới thiệu và quảng bá mô hình trang trại cùng các sản phẩm hoa tươi với khách hàng trong và ngoài nước. Việc mua bán hoa được giao dịch qua mạng rất thuận tiện; nhiều đối tác từ nước ngoài như Nhật, Hà Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore… tìm đến khảo sát năng lực sản xuất của trang trại, đặt vấn đề bán giống và mua hoa tươi.
Ông Trần Huy Đường cho biết mỗi năm ông đều sưu tầm trên mạng những giống hoa mới từ các nước, sau đó nhập hạt giống hoặc cây giống về trồng khảo nghiệm, khi thấy giống nào phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng mới trồng hoa thương phẩm. Do vậy, hằng năm, trang trại Lang Biang Farm đều tung ra thị trường những giống hoa mới khiến nhiều doanh nghiệp trồng hoa ngạc nhiên. Ông chia sẻ: “Trồng hoa, muốn thành công phải tìm tòi, nghiên cứu và đột phá trong chuyển đổi giống mới, vì người tiêu dùng luôn ưa thích những giống hoa mới, lạ và đẹp”.
Từ 6.000 m2 đầu tiên bên triền đồi đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Đà Lạt), vợ chồng bà Tâm tậu thêm 7 ha đất ở thôn Măng Lin, P.7 (Đà Lạt) để làm nhà kính trồng hoa. Tiếp đó, họ mua thêm 20 ha ở xã Đạ Sar, H.Lạc Dương (Lâm Đồng) mở rộng quy mô canh tác. Để chủ động nguồn giống hoa sạch bệnh, bà Tâm mở phòng lab lưu giữ và nhân giống hoa bằng phương pháp invitro, bên cạnh cung cấp các giống hoa địa lan, cát tường, lily, cẩm tú cầu, dâu tây… cho nông dân Đà Lạt. Lang Biang Farm còn canh tác rau sạch, dâu tây trên giàn giá thể theo công nghệ Hà Lan và đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đồng thời xây dựng nhà máy sản xuất giá thể theo tiêu chuẩn châu Âu để trồng hoa, dâu tây, khoai tây...
Với trang trại rộng gần 30 ha, Lang Biang Farm đang tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động, doanh thu mỗi năm đạt hàng chục tỉ đồng. Cuối năm 2016, Lang Biang Farm xây dựng trang trại 6.000 m2 tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thành khu trình diễn rau sạch, dâu tây công nghệ cao phục vụ nhu cầu tham quan của du khách và việc học tập nghiên cứu của sinh viên, học sinh.
Hiện nay, bà Văn Thị Tâm là đại diện của PUM (Programma Uitzending Managers - tổ chức thiện nguyện của Hà Lan), ở khu vực miền Trung và Tây nguyên. PUM sẵn sàng cử chuyên gia qua VN giúp các doanh nghiệp kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao, phương pháp bảo quản sau thu hoạch đối với nhiều loại nông sản như rau, hoa, cà phê, chè, a ti sô…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.