Trong những thập niên 1950, 1960, 1970, tại miền nam Việt Nam, diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng được xem là một trong những minh tinh màn bạc được ái mộ nhất về nhan sắc và diễn xuất, gây ảnh hưởng sâu rộng trong lòng công chúng.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên
Cùng thời gian ấy, tại Pháp và Mỹ, hai nước mạnh nhất thế giới về điện ảnh, xuất hiện hai ngôi sao màn bạc có sức hút mãnh liệt đối với công chúng, đó là Brigitte Bardot (Pháp) và Marilyn Monroe (Mỹ).
Brigitte Bardot, sinh ngày 28.9.1934, còn được gọi là BB, là nữ diễn viên người Pháp nổi tiếng trong thập niên 1950-1960, vì thân hình và phong cách diễn xuất gợi cảm. Biểu tượng sắc đẹp một thời đó giờ đã rút lui sống ẩn dật ở miền Nam nước Pháp, trở thành người chuyên bảo vệ động vật. Gần đây, truyền thông Pháp đưa tin Brigitte Bardot dọa sẽ từ bỏ quốc tịch Pháp để xin nhập tịch Nga nếu Chính phủ Pháp không bỏ ý định giết hai con voi đang bị lao phổi ở sở thú Lyon.
Bước thăng trầm trong đời sống của ngôi sao điện ảnh thứ nhì ảm đạm hơn nhiều.
Marilyn Monroe, nữ diễn viên Mỹ, sinh ngày 1.6.1926, là biểu tượng nhan sắc của nước Mỹ thế kỷ 20. Năm 1999, Monroe được xếp thứ 6 trong danh sách 100 ngôi sao điện ảnh của Viện phim Mỹ. Những năm cuối đời Marilyn là bệnh tật và tin đồn không tốt đẹp. Năm 1962, Marilyn qua đời ở tuổi 36 do sử dụng thuốc an thần quá liều. Cái chết này trở thành sự kiện gây sốc cả thế giới và xung quanh đó cũng có rất nhiều lời đồn đoán. Ngày 8.8.1962, Monroe được an táng trong hầm mộ tại Hành lang tưởng niệm, vị trí 24, ở nghĩa trang Westwood Village Memorial Park, Los Angeles, California.
Lặng lẽ với thiền
Sau tháng 4.1975, Thẩm Thúy Hằng vẫn ở lại quê hương, hội nhập với đời sống mới, tiếp tục nghiệp diễn của mình trong nhiều bộ phim.
|
Nổi tiếng là người đẹp nhất một thời, Thẩm Thúy Hằng lấy chồng là GS-TS Nguyễn Xuân Oánh - Nguyên Phó thủ tướng (quyền Thủ tướng trong hai năm 1964-1965), Thống đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam Cộng hòa, từng giữ nhiệm vụ cố vấn kinh tế cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tầm ảnh hưởng và uy tín của ông Oánh đã giúp Thẩm Thúy Hằng càng nổi danh hơn và phẩm hạnh càng tôn quý hơn, không hề có bất cứ tai tiếng gì. Hai người có bốn con trai đều thành đạt trong cuộc sống, rất hiếu thảo với cha mẹ, hiện sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
Thẩm Thúy Hằng ở tuổi xế chiều có cuộc sống ẩn dật, lặng lẽ với thiền, kinh kệ, làm từ thiện xã hội và ăn chay trường. Những chuyến đi làm từ thiện xã hội không ai nhận ra Thẩm Thúy Hằng với pháp danh nhà Phật. Phần đời còn lại của mình, Thẩm Thúy Hằng dành hết cho Phật sự, cho việc giúp đỡ người nghèo, cơ nhỡ trong xã hội.
Bi kịch vì tai nạn dao kéo
Cuộc đời của một minh tinh màn bạc, một phụ nữ sắc nước hương trời với sự nghiệp lẫy lừng cuối cùng phải gánh chịu số phận nghiệt ngã.
Trước 1975, các nét trên gương mặt của Thẩm Thúy Hằng trở thành chuẩn mực của sắc đẹp, bất luận đã qua thẩm mỹ như thế nào. Khán giả, người ái mộ luôn luôn muốn nhìn ngắm Thẩm Thúy Hằng ngời ngời rạng rỡ, lung linh quyến rũ... Chính vì thế, Thẩm Thúy Hằng muốn giữ hình ảnh của mình luôn thật đẹp cả về nhân cách lẫn nhan sắc trước công chúng. Vì muốn níu giữ mãi nét thanh xuân nên Thẩm Thúy Hằng thường lui tới thẩm mỹ viện. Từ đó, tai họa đã đến với cô. Hậu quả của dao kéo thẩm mỹ xưa kia đã biến khuôn mặt của người đẹp trở thành dị dạng. Những năm tháng này đối với “Nữ hoàng nhan sắc” quả thật là tột cùng của sự đau khổ. Cô đã trải qua nhiều cuộc giải phẫu lớn nhỏ và sử dụng phương pháp tiêm botox thường xuyên để chống chọi với sự tàn phá của hóa chất trong cơ thể. Nhưng dù cố gắng hết sức, bằng mọi phương pháp kéo dài thời gian nhưng rồi “Người đẹp Bình Dương” lộng lẫy một thời cũng phải chấp nhận sự thật: tất cả những gì đẹp đẽ, lộng lẫy trước đây đã bị đào thải, gương mặt bà biến dạng từng ngày.
Để được sống thật yên tĩnh, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Oánh - Thẩm Thúy Hằng sang nhượng lại ngôi nhà thân thương tại số 608 trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM), nơi đã gắn bó với họ suốt một quãng thời gian dài, để cuối cùng gia đình dọn nhà đi nơi khác ở khu Bình Quới - Bình Thạnh, lui về ẩn dật theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ông Oánh và Thẩm Thúy Hằng không tiếp xúc với bên ngoài, sống gần như trong bóng tối, ăn chay trường, tu tại gia, nghe kinh và làm từ thiện. Cuối cùng, GS-TS Nguyễn Xuân Oánh đã nghỉ hưu, xa rời chốn quan trường và mất ngày 29.8.2003 do bệnh tim mạch (thọ 82 tuổi). Niềm an ủi của Thẩm Thúy Hằng là từ ngày chồng qua đời, bốn người con đã thành đạt ở nước ngoài vẫn thường xuyên về quê thăm mẹ. Còn cuộc sống của Thẩm Thúy Hằng thì càng lặng lẽ và âm thầm hơn. Thỉnh thoảng khán giả chỉ thấy một số vở kịch được dàn dựng tại các sân khấu với tên tác giả là Thẩm Thúy Hằng.
Thẩm Thúy Hằng không chỉ đóng phim mà còn đóng kịch và cũng nổi tiếng trên sân khấu kể cả trước và sau ngày giải phóng. Đồng thời Thẩm Thúy Hằng tham gia viết kịch bản, như Chuyện tình của em từng được nhà sản xuất phim Đào Thu đem lên màn ảnh năm 1995. Những kịch bản khác như Nụ cười và nước mắt và Người hạnh phúc được dàn dựng trên sân khấu nhỏ. |
Đạo diễn Lê Dân
>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 13: Thẩm Thúy Hằng - người đẹp Bình Dương
>> Cuộc đời Thẩm Thúy Hằng lên phim
Bình luận (0)