Đồng thời, Thanh Nga còn nổi bật ở lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy, đứng trong hàng ngũ tứ đại mỹ nhân điện ảnh lúc bấy giờ.
Nữ hoàng sân khấu
Nhờ nhạc trưởng Út Trong của đoàn Thanh Minh rèn luyện cho nhiều bài cổ nhạc, Thanh Nga bắt đầu diễn trên sân khấu những vai thiếu nhi trong các tuồng cải lương: Phạm Công Cúc Hoa, Đồ Bàn di hận, Lửa hờn..., được khán giả ái mộ khi mới 8 tuổi. Biệt hiệu Thần đồng Thanh Nga cũng được gọi từ khi cô đóng những tuồng cải lương này.
Những năm sau, các nghệ sĩ bậc thầy như Năm Châu, Phùng Há, Kim Cúc, Thanh Loan đều hết lòng dìu dắt Thanh Nga, giúp cô gây ấn tượng sâu sắc với khán giả qua những vai diễn như Xuân Tự trong vở Áo cưới trước cổng chùa, Giáng Hương trong Sân khấu về khuya, Diệp Thy trong Đôi mắt người xưa, Trinh trong Con gái chị Hằng, Mía trong Bọt biển... Từ đó, Thanh Nga bước thẳng lên đài vinh quang, trở thành nghệ sĩ đoạt huy chương vàng đầu tiên của giải Thanh Tâm ở tuổi 16 với vai sơn nữ Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới. Năm 1966, Thanh Nga lại nhận được giải Thanh Tâm xuất sắc qua vai Giáng Hương trong vở Sân khấu về khuya...
Thanh Nga là thần tượng của công chúng ái mộ cải lương và của nhiều nghệ sĩ lớp sau. Để trở thành một ngôi sao sáng chói, cô đã trải qua một quá trình dày công khổ luyện. Với bản chất hiền lành, khiêm tốn, chịu khó học hỏi, không ỷ lại là con của chủ đoàn hát, Thanh Nga không ngừng học tập, vừa học vừa hành, cùng chung sàn diễn với các bậc thầy như Năm Châu, Ba Vân, Tám Vân, Phùng Há, Thanh Loan, Năm Sa Đéc, Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được... Từ đó, Thanh Nga lĩnh hội được nhiều điều quý báu để làm hành trang đi đến thành công. Khán giả ái mộ Thanh Nga bởi dáng dấp mảnh mai đài các, sắc đẹp tươi tắn không màu mè cùng giọng ca rất tự nhiên, không mùi mẫn, cũng không sướt mướt khóc than. Chính lối ca chân phương và cách diễn tự nhiên, chơn chất đã đưa Thanh Nga lên đỉnh vinh quang, được tôn vinh là nữ hoàng sân khấu.
|
|
Tứ đại mỹ nhân
Bộ phim đầu tiên Thanh Nga tham gia lúc 20-21 tuổi là Đôi mắt người xưa (1962-1963), thuộc thể loại tâm lý tình cảm của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Nguyễn Văn Liêm. Bộ phim màu này được làm phần hậu kỳ, in tráng tại Nhật Bản. Đây là phim duy nhất của doanh nhân Nguyễn Văn Liêm, một người vô cùng đam mê điện ảnh, không được đào tạo nghề nghiệp đến nơi đến chốn mà dám đứng ra làm bộ phim có tầm cỡ quốc tế, làm xong rồi phá sản luôn. Nhưng cuối cùng phim để lại dấu ấn, được nhiều người nhắc đến, nhờ nội dung đọng lại trong lòng khán giả.
Truyện phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Ngọc Linh sáng tác khi anh còn rất trẻ, nhưng đã tạo tiếng vang lúc bấy giờ. Báo chí khen ngợi hết lời vai Lệ (Thanh Nga) và vai mẹ là Hiền (Xuân Dung). Trong những bài khen ngợi ấy, hai tên Ngọc Linh và Thanh Nga được nhắc cùng lúc, mở đầu cho mối tình nghệ sĩ trong sáng giữa hai người một thời gian.
Sau thành công qua vai diễn đầu tiên ấy, Thanh Nga tiếp tục tham gia nhiều phim: Loan mắt nhung (1970), Mùa thu cuối cùng (1971), Vết thù trên lưng ngựa hoang (1971), Tình Lan và Điệp (1971), Xa lộ không đèn (1972), Sau giờ giới nghiêm (1972), Người cô đơn (1972), Nắng chiều (1973), Triệu phú bất đắc dĩ (1973), Năm vua hề về làng (1974), Tìm lại cuộc đời (1977)... Ở mỗi phim, Thanh Nga đều in đậm trong trí nhớ khán giả nét đẹp thanh thoát và tài nghệ diễn xuất của mình. Nổi tiếng ở cả nước ngoài, Thanh Nga được tôn vinh là diễn viên xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức năm 1973 ở Đài Bắc với vai cô gái Huế trong phim Nắng chiều; là đại diện gương mặt nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969, được Thủ tướng Indira Gandhi đón tiếp, hình ảnh đăng trên báo chí Ấn Độ.
Nghệ sĩ Thanh Nga cùng Kiều Chinh, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng là 4 gương mặt nữ diễn viên tiêu biểu, mỗi người với thế mạnh riêng đóng góp nhiều cho nền điện ảnh miền Nam trước 1975, được mọi người tôn vinh là tứ đại mỹ nhân thời ấy.
“Cô Ba kẹo kéo”
Trong nhà, mọi người thường gọi Thanh Nga là “cô Ba kẹo kéo” bởi tính giản dị, không phung phí tiền bạc. Thanh Nga không thích xài tiền, giữ tiền, có bao nhiêu đều để cho mẹ là bà bầu Thơ cất giùm, cô chưa bao giờ thu vén của cải cho riêng mình. Tất cả đồ nữ trang cô đều gửi ở bà bầu Thơ, khi có tiệc tùng mới lấy đeo, tàn tiệc trả lại.
Có một câu chuyện thật cảm động. Sau Tết Mậu Thân 1968, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga gặp rất nhiều khó khăn. Không chịu ngồi yên, Thanh Nga họp mấy đứa em lại để làm bánh cam, sữa chua, chè xôi, bày ra bán. Cô nói với các em: "Chị làm như vậy là để dạy các em biết bán buôn, sau này lỡ nhà có gặp khó khăn thì cũng biết đường mà sống".
Thanh Nga đã đến với mọi người ở cõi đời này như thế, sống vì mọi người, nhiều lúc quên mình để hết lòng an ủi những nỗi buồn, đem lại niềm vui cho mọi người. Vậy mà người nghệ sĩ nổi tiếng ấy đã bị kẻ nhẫn tâm dùng súng kết liễu cuộc đời cùng với chồng ngày 26.11.1978 tại nhà ở đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Lê Thị Riêng), Q.1, TP.HCM. (Còn tiếp)
36 năm cuộc đời, Thanh Nga đã đứng dưới ánh đèn sân khấu suốt 28 năm, tham gia hơn 200 vở diễn. Các vai diễn xuất sắc của người nghệ sĩ tài hoa này là: Điêu Thuyền (Phụng Nghi Đình), Thảo (Bông hồng cài áo); Kim Anh (Đời cô Lựu); Trinh (Con gái chị Hằng), Thanh (Tấm lòng của biển), Hương (Nửa đời hương phấn), Trưng Trắc (Tiếng trống Mê Linh), Dương Vân Nga (Thái hậu Dương Vân Nga)... |
Đạo diễn Lê Dân
Bình luận (0)