Người đẹp Ngày ấy... bây giờ - Kỳ - Kỳ 12: NSƯT Minh Vương - Bớt sôi nổi thì yên ổn thôi!

05/11/2011 16:21 GMT+7

Minh Vương bệnh hơn 1 năm nay nên ít thấy anh xuất hiện trên sân khấu. Nhưng anh vẫn được khán giả nhắc nhớ thường xuyên, nhất là mỗi khi nghệ sĩ Lệ Thủy đi hát thì người ta thường hỏi “Minh Vương đâu?”. Bởi “liên doanh” này đã là ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng người hâm mộ.

>> Kỳ 11: Mỹ Châu - nữ hoàng kiếm hiệp

An nhàn với gia đình

Thăm anh tại ngôi nhà của chị Hồng, người vợ sau của anh, có cái shop áo dài lâu năm tên là Dễ Thương. Giờ nó biến thành shop thời trang và quà lưu niệm do cô con gái của anh chị thiết kế và kinh doanh. Căn nhà mấy tầng lầu giờ nhường cho con trữ hàng, hai vợ chồng Minh Vương ở trên tầng cao nhất. Nhưng chính trên cái “sân thượng” này lại mở ra một không gian thoáng đãng và thú vị.

Thế giới của anh giờ còn là những lọ thuốc nữa, mà “nữ y tá” chính là vợ chứ không ai khác. Anh cười: “Tới giờ uống thuốc thì bả đưa cho tôi, chứ tôi cũng không biết lấy thứ nào!”. Trông anh vẫn hiền khô như tự bao giờ, chắc nhờ vậy mà vợ thương. Thật sự, Minh Vương được nhiều phụ nữ “thương” lắm, vì cái chất hiền lành, dễ chịu, đôi khi pha một chút ngây thơ, nên nhiều năm trước anh bị mấy scandal tưng bừng. Nhưng rồi người ta vẫn mến anh vô cùng. Và chị Hồng là bến đỗ bình yên suốt hơn 20 năm nay. Thường thấy chị đi bên anh đầm ấm mỗi khi tới sân khấu xem đồng nghiệp hát, hoặc tiệc tùng, lễ tết. Hỏi đùa anh thấy yên ổn, dễ chịu phải không? Anh trả lời tếu tếu: “Bớt sôi nổi thì yên ổn thôi!”.

Vẫn tha thiết với nghề

Minh Vương bớt đi hát vì bị bệnh dạ dày đúng ngay hôm diễn tuồng Thái tử A Xà Thế cách đây 2 năm. Bác sĩ bảo đừng hát nguyên tuồng, ca lẻ hoặc trích đoạn thì được. Nhưng vì nhớ nghề, anh xé rào mấy lần, bệnh nặng trở lại, thế là bây giờ đành chịu nghe lời bác sĩ. Anh vốn  gầy, nay lại gầy thêm, vốn trắng trẻo, nay lại trắng thêm vì thường xuyên ở trong mát. Anh lại thích mặc đồ trắng, lên sân khấu là diện complet trắng thanh nhã, trông lúc nào cũng thư sinh, dịu dàng, nói năng cũng nhẹ hều. Anh không biết cách nói chuyện hoa mỹ, cứ từng câu thiệt thà rồi nín thinh ngồi cười cười hoài. Thậm chí có một giám khảo cuộc thi Chuông vàng vọng cổ vừa kể chuyện vui về Minh Vương rằng: “Ổng vô hậu trường kêu tôi chỉ cho ổng cách phát biểu sao cho… sang sang. Tôi nói ông phát biểu chân thật vậy là tốt rồi, đúng cái chất của ông thì thôi!”.

 
NSƯT Minh Vương khi còn trẻ - Ảnh: T.L

Minh Vương 4 lần tham gia ban giám khảo Chuông vàng vọng cổ, khán giả đều “thương” anh khi nghe anh phát biểu ý kiến. Dường như anh ngại làm “tụi nhỏ” sợ. Anh gật đầu: “Thương các em quá! Các em nghiệp dư mà vô thi chỉ tập có một tuần đã ra diễn được trích đoạn là quá giỏi. Tôi hồi còn trẻ cũng không tập tuồng mau được như vậy. Ban tổ chức cũng làm tôi nể luôn, hướng dẫn các em cỡ đó đáng gọi là “thầy hay”. Chúng ta phải chung sức phát hiện và đào tạo lớp trẻ để các em gìn giữ cải lương cho mai sau. Tiếc là không có nhiều sân khấu cho các em luyện nghề tiếp tục, thi xong rồi nghỉ thì uổng lắm”.

Anh em trong nghề truyền miệng nhau chuyện rằng, Minh Vương có một cậu con trai lớn thuộc hàng đại gia, thấy ba bệnh nên kêu ba nghỉ hát hẳn đi, con lo cho ba đầy đủ. Minh Vương nổi giận: “Tao mà nghỉ hát tao càng chết sớm. Hát bữa nào vui bữa đó chớ!”. Thật sự chính vì mê nghề mà anh không chịu xuất ngoại theo cha mẹ và anh chị em từ 20 năm nay. Bây giờ thỉnh thoảng anh vẫn đi hát ở tỉnh, có tài xế lái xe và chăm sóc, chưa đến nỗi phải “tuyệt tình” với cải lương. Chỉ tiếc là Sân khấu vàng do anh và Lệ Thủy gầy dựng tại rạp Hưng Đạo phải gián đoạn gần 2 năm, bởi anh không thể hát nguyên tuồng, mà diễn trích đoạn thì khán giả không chịu. Đây là sân khấu của các fan cải lương đòi xem trọn tác phẩm mới “đã”. Và mỗi suất hát như thế đều lấy doanh thu tặng cho bà con nghèo từ 1 đến 2 căn nhà tình nghĩa. Đã gần 40 căn rồi, dừng lại thật là tiếc. Hỏi ngày nào tiếp tục được, Minh Vương lắc đầu, không dám hứa. 

NSƯT Minh Vương sinh năm 1949 tại Long An. 10 tuổi theo gia đình lên Sài Gòn sinh sống. Mê cải lương nên xin thọ giáo ông thầy đờn Bảy Trạch nổi tiếng của đại bang Kim Chung. Chính thầy Bảy đã dẫn anh đi thi Khôi nguyên vọng cổ và đoạt giải lúc vừa 15 tuổi. Ông bầu Long của đoàn Kim Chung ký ngay giao kèo rồi đặt nghệ danh cho anh là Minh Vương với câu nói như một lời tiên tri: “Tôi sẽ cho cậu làm vua trong nghề hát”.

Quả vậy, Minh Vương lên ngôi lên kép chánh và thu đĩa nhiều vô kể. 1972 cùng vợ lập đoàn cải lương Việt Nam lưu diễn cả nước cho đến ngày giải phóng. Sau đó anh giải tán đoàn, gia nhập Sài Gòn 3, Phước Chung, Văn Công TP.HCM, đi Pháp diễn xong thì về đoàn 284, Nhà hát Trần Hữu Trang cho đến bây giờ.

Anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2007. 

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.