Ông Ánh nguyên là giảng viên một trường Đại học ở Khánh Hòa, vừa về hưu.
Khoảng 5 năm trước, trong một dịp lên thăm người bạn ở vùng quê thuộc H.Diên Khánh (Khánh Hòa), ông thấy gia đình bạn dùng bàn ủi con gà để ủi quần áo.tin liên quan
Hơn 50 năm sưu tầm ảnh Bác Hồ
Hình ảnh chiếc bàn ủi than, có chốt khóa hình con gà tưởng chừng đã bước một chân ra khỏi trí nhớ ông, giờ lại được chiếu lại ngay trước mắt, khiến ông không khỏi bồi hồi. “Tôi muốn tìm kiếm lại ký ức thời thơ ấu của mình và gia đình nên đã quyết định sưu tầm bàn ủi con gà”, ông Ánh nói.
|
Ông kể tiếp: “Ngày trước, khi chưa có bàn ủi điện như bây giờ thì bàn ủi than con gà rất thông dụng. Cũng như nhiều nhà trong xóm, nhà tôi có hai cái. Cái nhỏ thường dùng ủi một vài bộ quần áo cho từng người, vì vừa tiện vừa tiết kiệm than. Cái lớn thường được mẹ dùng vào ngày cuối năm, khi ủi đồ cho cả gia đình để chuẩn bị đón năm mới. Tôi nhớ, đến những năm 1990, nhiều gia đình vẫn còn sử dụng bàn ủi con gà”.
|
Chia sẻ những kỷ niệm về chiếc bàn ủi con gà, ông Ánh nhớ lại: “Hồi nhỏ tôi hay bị ba đánh đòn vì cái bàn ủi con gà này. Lý do là mình tự ý ủi áo quần, không khéo nên than vụn rơi theo lỗ thông gió lên quần áo, cháy xém. Có những lần để than quá nóng, lúc ủi in hằn cả vệt ố vàng hình cái bản ủi lên áo. Thấy vậy, mẹ mới chỉ cho cách trước khi ủi quần áo thì nên “thử” miếng vải khác để xem độ nóng vừa phải rồi mới làm “thật”. Ngày đó, mẹ tôi hay “kết hợp” nấu ăn xong còn than thì bỏ vào bàn ủi để ủi đồ hoặc là ngược lại, quạt than ủi xong quần áo thì tận dụng để nấu ăn. Khó khăn nên tiết kiệm như vậy đó”.
|
|
Đến nay, ông Ánh đã có hơn 100 chiếc bàn ủi con gà, với chất liệu, hình dáng phong phú. Có chiếc chỉ nhỏ vừa lòng bàn tay, có chiếc nặng tới 3,5 kg.
Về chất liệu thì có loại được làm bằng đồng, nhôm, gang, sắt. Hoa văn trên quai cầm có hình cá chép, hình bông hoa….; các lỗ thông gió thì từ 5 lỗ đến 30 lỗ, hình bán nguyệt, hình tròn, hình răng cưa…
Riêng hình dáng “con gà” thì ông Ánh chia thành hai loại: “gà mập” và “gà ốm”. “Hình dáng các chú gà trên mỗi chiếc bàn ủi được thiết kế đều có cái hay riêng. Có chiếc bàn ủi nhôm nhưng “con gà” có thể bằng đồng, sắt hay ngược lại", ông Ánh nói.
|
|
|
Để có số lượng bàn ủi con gà nhiều như trên, ông Ánh đã bỏ nhiều công sức “săn lùng”. Thông qua những người bạn, ông đã vào TP.HCM, Vĩnh Long, ra Hà Nội hay ngược lên Tây nguyên để tìm kiếm, đưa về nhà những chiếc bàn ủi con gà.
Có những chiếc bàn ủi con gà đã bao năm “ngủ quên” trong góc bếp, xó phòng nhà ai đó nay được ông Ánh “đánh thức”, đưa về trưng bày, giới thiệu với công chúng. Ông cho biết: “Có nhiều gia đình mặc dù không sử dụng bàn ủi con gà nữa, họ xếp xó cho nó gỉ sét, nhưng khi hỏi mua thì không bán, dù mình năn nỉ đến đâu".
|
Từ khi bàn ủi điện ra đời, những chiếc bàn ủi con gà dùng than được xem là đã “hoàn thành sứ mệnh”. Có lẽ thế hệ trẻ ngày nay “lạ tai” khi nghe nói đến vật dụng này, nhưng chiếc bàn ủi con gà lại chứa đầy những ký ức của lớp người đi trước mà mỗi khi nghĩ đến nó, nhất là trong dịp tết đến xuân về thì các bậc ông bà, cha chú luôn nặng trĩu lòng.
|
Ông Ánh cho biết, dịp Tết Định Dậu này, ông sẽ trưng bày các loại bàn ủi con gà tại khách sạn Yasaka Sài Gòn Nha Trang, để những người lớn tuổi khi đến tham quan có thể gặp lại ký ức của mình. Còn thế hệ trẻ cũng có dịp tìm hiểu về vật dụng của một thời gian khó, để trân trọng hơn cuộc sống hôm nay.
Bình luận (0)