Người đi tìm màu xanh cho đất

19/09/2022 09:00 GMT+7

Tôi trở lại vườn chè bản người Dao Bà Rà vào một ngày đầu hạ. Nhìn những tia nắng vàng mơ vấn vương trên những vạt chè xanh trải dài tít tắp, tôi thấy lòng mình thật ấm áp. Màu xanh đã trở về, ấm no đã trở về nơi miền đất thân thương này.

Ít ai biết rằng nơi những vạt chè xanh ngút tầm mắt, búp non mơn mởn vươn lên kia từng là những mảnh nương bạc màu cằn cỗi, lổn nhổn sỏi đá không nuôi nổi bắp ngô, củ sắn. Tập tục phát nương làm rẫy của người Dao xưa kia đã khiến không biết bao nhiêu cánh rừng bị đốn hạ, bao nhiêu cây xanh hóa tro tàn. Theo thời gian, những mảng lá phủ trên những mái lều canh nương úa vàng thì những vạt đất cũng gầy dần theo năm tháng. Cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám bao phận đời, phận người. Đã có lúc người dân nơi đây bế tắc, bất lực với đất. Rất nhiều loài cây được trồng thay thế như: Mơ Vân Nam, trẩu, sa chi… nhưng đều thất bại. Cây thì không hợp thổ nhưỡng, cây lại không chịu nổi những cơn gió lồng lộng bốn mùa nên cứ yếu dần rồi lụi tàn. Cây cho quả trĩu trịt như mơ Vân Nam thì bán rẻ như cho. Đến mùa quả chín, mơ rụng đỏ gốc đến cả những chú lợn kiến cũng không muốn ăn. Những quả mơ chua lét không thể làm ấm những cái bụng đang đói cồn cào. Đói vẫn hoàn đói. Những mảnh nương ngày một gầy trơ, khô khốc như mảnh vai gầy của các cụ già.

Vườn chè tại bản Dao Bà Rà, xã Hùng Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình

tgcc

Một trưa hè nắng như đổ lửa. Già bản Phùng Đăng Phúc ngồi bên hiên nhà, ông lơ đãng nhìn cây cối héo rũ dưới cái nắng như thiêu như đốt. Đôi mắt già nua chợt dừng lại gốc chè nơi góc vườn. Kỳ lạ thay, trong cái nắng chói chang gay gắt ấy khóm chè vẫn xanh ngăn ngắt. Những chiếc lá nhỏ vẫn bình thản, khe khẽ đu đưa dưới làn gió và hơi nóng hầm hập. Ông thầm nghĩ: “Sao ta không thử trồng cây chè”. Nghĩ vậy nhưng bao nỗi băn khoăn, trăn trở luôn luẩn quẩn trong đầu già bản: “Trồng chè rồi bán ở đâu? Ai mua? Rồi làm sao có thể uống chè thay cơm được”. Thói quen tự cung tự cấp đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người Dao nơi đây khiến ông cứ chần chừ, đắn đo, ngại ngần. Nhưng mơ ước phủ xanh trở lại những mảnh nương khô cằn, bạc phếch của bản làng cứ thôi thúc ông mãi không thôi.

Những ngày sau đó, già bản Phùng Đăng Phúc một mình cơm nắm muối vừng vượt rừng, lội suối, lặn lội đến những vùng chuyên canh chè hỏi thăm cách trồng, chăm sóc, chế biến chè. Rồi ông tự mình mua giống về trồng thử trên mảnh nương đã bạc thếch theo thời gian của chính mình. Đúng là: “Vạn sự khởi đầu nan”. Khỏi phải nói những vất vả, cơ cực mà ông và gia đình đã trải qua. Bao nhiêu gốc chè bám rễ là bấy nhiêu giọt mồ hôi đã rơi xuống hòa vào đất, thấm vào cây, bám thành mảng trắng xóa trên đôi vai gầy. Những thân chè mảnh mai, nhỏ bé đã không phụ công người, chúng lớn dần lên theo năm tháng. Rễ chè như những bàn tay nhỏ bám chặt vào đất, chắt chiu giữ lại từng chút một lớp đất màu hiếm hoi. Những vạt chè cứ lặng lẽ hứng nắng, hứng gió rồi bật nên những búp xanh mơn mởn. Những mảnh nương cằn cỗi ngày nào giờ mươn mướt một màu xanh non tơ.

Những lứa chè đầu tiên được già Phúc lựa chọn cẩn thận từng búp non, rồi vò, rồi sao để được loại chè móc câu ngon nhất có thể. Ngày ngày, người già bản gầy gò, có nước da sắt lại vì nắng vì gió lặn lội mang chè xuống chợ huyện với mong muốn giới thiệu thứ chè ngon quê mình đến mọi người. Có những ngày đứng mỏi gối, chồn chân giữa trưa nắng cũng không có ai đoái hoài. Nhưng những khó khăn trước mắt không làm ông nản lòng. Ngày ngày, đôi chân gầy guộc mà dẻo dai của người già bản vẫn vượt đèo, vượt suối đến các chợ gần, phố xa giới thiệu về đặc sản chè sạch quê mình. Dần dần, có người mua vì tò mò, có người mua vì thương cụ già với những gói chè trên tay giữa chang chang nắng hè. Thật bất ngờ, những gói chè đem về từ núi đã làm người mua ngạc nhiên bởi vị thơm đặc biệt, ngọt dịu không lẫn vào đâu được. Khách hỏi thăm đến bản Bà Rà mua chè ngày một đông. Già Phúc không còn phải lặn lội mang chè xuống chợ nữa. Nương gần, rẫy xa của gia đình già đều được phủ xanh bằng cây chè.

Già bản Phùng Đăng Phúc - người mang cây chè lên phủ xanh đất trống, đồi trọc tại bản Dao Bà Rà, xã Hùng Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình

tgcc

Có thu nhập ổn định từ cây chè. Cuộc sống khấm khá hơn. Già Phúc lại trăn trở phải làm sao thay đổi tập quán canh tác cho bà con dân bản. Dùng cây chè để phủ xanh tất cả những mảnh đất bạc màu của bản mình. Nghĩ là làm, già Phúc lặn lội đến từng nhà, động viên khuyến khích mọi người cùng trồng chè. Ai không có tiền mua cây giống già cho cây giống. Ai không có tiền mua phân bón cho chè già đứng ra mua chịu của hợp tác xã nông nghiệp. Rồi già tỉ mỉ hướng dẫn cách chăm bón như thế nào, cách hái chè, sao chè ra sao. Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới đó mà đã mười lăm năm trôi qua, từ vạt chè nhỏ nhoi ngày nào của già bản Phùng Đăng Phúc bây giờ chè vươn ra khắp nơi. Ngày nay, đến với bản người Dao Bà Rà xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình ta không khỏi ngỡ ngàng bởi màu xanh mươn mướt trải dài của những nương chè. Màu xanh ấy làm dịu đi cái nắng gió vốn lúc nào cũng gay gắt nơi đây.

Tôi đến thăm già bản Phùng Đăng Phúc vào một buổi sáng đầu hạ. Ông dẫn tôi đi thăm nương chè của bản mình. Đôi mắt già nua của ông ngời lên khi nhìn những búp chè mơn mởn đang rung rinh trong nắng. Ông khoe với tôi đã mua thêm được máy sao chè tự động. Tôi mừng cho ông, mừng cho người dân bản Dao. Bởi từ nay mồ hôi của họ sẽ thôi rơi, bàn tay họ không còn rám đen, sần sùi bởi nhựa chè. Thứ nhựa mà không có loại chất tẩy rửa nào có thể rửa sạch. Nâng chén nước chè màu xanh dịu còn bốc khói trên tay, tôi khẽ nhấp một ngụm nhỏ, lặng lẽ để vị chát tan dần rồi chuyển sang dịu ngọt đọng mãi nơi đầu lưỡi. Mùi thơm thanh khiết dịu nhẹ, mùi thơm được chắt chiu từ mồ hôi, từ nắng, từ gió cứ loang mãi trong không gian yên bình.

Tạm biệt già bản Phùng Đăng Phúc người đã góp phần mang màu xanh trở lại trên vùng đất khô cằn của bản Dao. Tôi mang theo niềm vui ấm áp về một miền quê đang dần thay đổi. Phía xa xa, trong nắng sớm, vành nón trắng của những cô gái Dao thấp thoáng trên những nương chè xanh tít tắp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.