Người đi xuyên Việt 'săn' ảnh rác

Vũ Thơ
Vũ Thơ
09/06/2019 08:39 GMT+7

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) đã đi xuyên Việt bằng xe máy để chụp ảnh về rác thải nhựa , nhằm cảnh báo về tác hại lớn của loại rác thải này.

Nhân ngày Môi trường thế giới (5.6), Nguyễn Việt Hùng đã cùng Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại VN tổ chức triển lãm ảnh độc đáo về rác thải nhựa từ ngày 4 - 9.6 nhằm truyền đi những thông điệp ý nghĩa cho cộng đồng. PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi về hành trình “săn”… rác của nhiếp ảnh gia Lekima Hùng.

Đi gần 7.000 km chỉ để chụp ảnh rác

Từ năm 2018 anh đã đi dọc các tỉnh, thành ven biển VN chỉ để chụp ảnh về rác, với hơn 3.000 bức. Hành trình đó đã diễn ra như thế nào?
Có nhiều nơi người dân tự giác thu gom rác, nhưng không biết xử lý như thế nào, họ đưa ra những ranh giới giữa 2 xóm làng hay ra bờ biển, ranh giới giữa 2 nhà và nghĩ rằng ra khỏi nhà hay trôi đi đâu đó là sạch. Nhưng họ không biết rằng tất cả sẽ quay lại bữa ăn của chúng ta
 
Tháng 8.2018, từ Hà Nội, tôi bắt đầu chuyến hành trình rong ruổi bằng xe máy từ bắc vào nam, qua 39 tỉnh, thành (trong đó có 28 tỉnh, thành ven biển). Chuyến đi kéo dài 43 ngày, tôi đã quay và chụp hơn 3.000 tấm ảnh ghi lại tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra trên các vùng biển VN, từ địa đầu Tổ quốc (mũi Sa Vĩ, Quảng Ninh) tới điểm cuối cùng của đất nước (đất mũi Cà Mau).
Càng đi, tôi càng nhận thấy môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng của đất nước ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong suốt một tháng rưỡi này, mỗi ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối đi quãng đường trung bình 200 km, dừng lại rất nhiều điểm để chụp ảnh. Mỗi nơi tôi đi qua đều để lại những cảm nhận khác nhau, nhưng có một điều chung nhất là tiếc nuối, đau xót, trước sự tàn phá của rác thải.
Lý do nào khiến anh có ý tưởng này?
Tôi có nhiều nguyên nhân để thực hiện hành trình này. Đầu tiên là do tôi biết VN đứng thứ 4 trong việc xả rác thải nhựa ra đại dương (theo công bố của Chương trình Môi trường LHQ cuối năm 2018 - PV). Thứ hai, rác thải nhựa từ lâu đã trở thành mối nguy hại của nhân loại nhưng không phải ai cũng biết. Ví dụ như hạt vi nhựa (microbead) có trong các sản phẩm nhựa dùng một lần rất nguy hiểm với môi trường vì nó không tan và có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tái sử dụng nhựa dùng một lần mà không biết nó âm thầm gây hại cho sức khỏe con người.
Người đi xuyên Việt 'săn' ảnh rác
Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng với hành trình ấn tượng về rác Ảnh: Tạ Toàn
Là một nhiếp ảnh gia, tôi hiểu rằng thông qua hình ảnh có thể làm cho con người thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi về hành vi. Bởi vì những bức ảnh chân thực sẽ bằng ngàn lời nói, tác động vào cảm xúc của con người. Cho nên, với việc chụp ảnh này, tôi muốn đóng góp sức nhỏ bé của một công dân để làm thay đổi nhận thức và hành động của con người trong việc bảo vệ môi trường. Đó là lý do chính để tôi quyết định lên đường.

Quăng rác ra môi trường là quăng rác vào bữa ăn

Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng, 42 tuổi) là nhiếp ảnh gia - Giám đốc Học viện Nhiếp ảnh ánh sáng, tại Hà Nội. Anh từng tốt nghiệp Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội. Vừa dạy học, anh vừa tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là nỗ lực cải thiện nhận thức của mọi người về môi trường. Anh được trao tặng biểu trưng Đại sứ đại dương xanh của Trung tâm truyền thông TN-MT, Bộ TN-MT. Anh cho biết thời gian tới sẽ thực hiện sách ảnh về môi trường và tiếp tục đi chụp ảnh trên các hòn đảo, các dòng sông để theo đuổi dự án nghiên cứu về rác thải nhựa.
Anh ấn tượng nhất với điều gì từ hành trình ấy?
Thực sự có rất nhiều câu chuyện mà tôi đã gặp, nhưng ấn tượng hơn cả là bãi biển Tuy Phong (Bình Thuận), nơi những con kênh không nhìn thấy nước, chỉ thấy toàn rác thải nhựa nổi trên đó, trẻ con chơi đùa ở đó. Những nơi có bãi biển kéo dài cả cây số toàn rác thải không nhìn thấy cát đâu cả và mọi người còn đi vệ sinh ở trên đó.
Tôi cũng rất sốc và bàng hoàng khi đến Bình Châu có cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ở đó người ta thường xuyên quăng rác xuống biển mà theo lời người dân là do không có... thùng rác (!). Tôi cũng vô cùng xót xa khi đến Hòn Phụ Tử rất đẹp ở Kiên Giang - một bãi tắm hiếm hoi ở đó, vậy mà mọi người lại đổ rác ngay tại bãi cát rồi đốt...
Những câu chuyện về rác của anh đã được kể qua ống kính như thế nào?
Rác thải nhựa được vứt khắp nơi, trên các dòng sông, con kênh, cửa biển vì mọi người nghĩ rằng nó sẽ trôi đi đâu đó. Trong hành trình này, lần đầu tiên trong đời tôi biết có 7 con sông gặp nhau ở một chỗ, có nghĩa là tất cả những nơi ở rất xa biển nhưng cũng có thể mang rác thải ra biển, ra đại dương và rác thải nhựa không có “quốc tịch”. Tôi đã chụp ảnh ở những hòn đảo của VN không có người sinh sống nhưng vẫn đầy rác thải nhựa.
Tôi cũng có những bức ảnh nhiều hòn đảo của VN không có nơi xử lý rác, chỉ đốt. Có nhiều nơi người dân tự giác thu gom rác, nhưng không biết xử lý như thế nào, họ đưa ra những ranh giới giữa 2 xóm làng hay ra bờ biển, ranh giới giữa 2 nhà và nghĩ rằng ra khỏi nhà hay trôi đi đâu đó là sạch. Nhưng họ không biết rằng tất cả sẽ quay lại bữa ăn của chúng ta, bởi những hạt vi nhựa trong rác thải sẽ hòa vào nước biển. Vì vậy, tôi muốn nói rằng: Quăng rác ra môi trường là quăng rác vào chính bữa ăn của chúng ta.
Mỗi bức ảnh ở đây không chỉ mô tả thực trạng mà tôi còn muốn thể hiện nhóm nguyên nhân, mở ra một phần giải pháp xử lý rác thải nhựa, như có thể đầu tư thiết bị lưới, kiểm soát các cửa sông và hình thành các hệ thống thu gom rác ở các đảo...
Để có được những bức ảnh nghệ thuật từ rác, hẳn anh đã trải qua một hành trình không ít khó khăn?
Người đi xuyên Việt 'săn' ảnh rác
Các bạn trẻ với thử thách dọn rác ở Nam Định Ảnh: Lekima Hùng
Để gây hiệu ứng thị giác, có bố cục lạ, cuốn hút người xem vào bức ảnh để xem kỹ hơn, đôi khi tôi mất thời gian rất dài. Có khi tôi phải chờ nhiều tiếng, thậm chí ăn lương khô qua buổi trưa trên những bãi rác, chờ có người đi qua để bức ảnh có hoạt động của con người. Có những lúc khó khăn, nhưng tôi luôn cố gắng để mọi người cảm nhận được chính họ đang sống ở trong môi trường mà tôi đã trải qua.
Trong chuyến hành trình đi chụp rác thải nhựa, không ít lần tôi gặp phải nguy hiểm. Đó là những lần bị dọa đánh, dọa đập máy khi chụp những xe đổ rác… Có lần tôi bị ngã vì trượt chân ở bãi đá đầy rêu và suýt rơi xuống biển. Tuy nhiên, tôi muốn đi để ghi lại, chụp lại những hình ảnh chân thực nhất về tình trạng xả rác thải nhựa ở VN, từ đó giúp mọi người có thể hình dung điều gì đang xảy ra và hậu quả sẽ ra sao nếu chúng ta không làm gì.

Hành động ngay từ những việc hằng ngày

Trải qua hành trình hiếm có này, anh thấy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa? Có giải pháp nào khả thi để khắc phục?
Người đi xuyên Việt 'săn' ảnh rác
Bãi biển trước nhà (Khánh Hòa) Ảnh: Lekima Hùng
Một phần không nhỏ lượng rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng có mặt ở đại dương là do nhận thức và ý thức của con người. Để khắc phục tình trạng này, tôi nghĩ cần phải nâng cao nhận thức chung của cộng đồng. Cộng đồng ở đây bao gồm người dân, nhà nước và doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa. Đặc biệt, cần đưa ra những giải pháp hạn chế và thu gom rác. Trên thế giới nhiều nước đã có biện pháp hạn chế rác thải nhựa. Có nước cấm rác thải nhựa trong siêu thị hoặc phạt tiền khi sử dụng. Họ cấm rác thải nhựa nhiều năm trong khi chúng ta là nước đứng thứ 4 trên thế giới về rác thải nhựa, chúng ta có thể làm được và phải làm. Chúng ta làm phải có lộ trình và phải đưa vào luật. Chúng ta có thể cấm rác thải nhựa ở trong siêu thị, trong trường học, ở nơi công cộng như công viên, nhất là những hòn đảo.
Đặc biệt, chỉ có nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường mới là cách bền vững để giảm thiểu thực trạng này. Nếu trẻ em được giáo dục thông qua những bài học thực tế và sinh động thì xã hội sẽ có những thế hệ công dân trưởng thành có ý thức cao về gìn giữ, bảo vệ môi trường.
Với hành trình chụp ảnh và triển lãm của mình, anh muốn gửi đi thông điệp gì?
Thông qua chuyến đi và triển lãm, tôi mong muốn gửi được thông điệp mạnh mẽ về “3R” trong việc sử dụng rác thải nhựa: Reduce (giảm thiểu), Reuse (tái sử dụng), Recycle (tái chế). Đặc biệt, thông điệp chính là chỉ có hành động mới làm ta thay đổi. Chúng ta nói rất nhiều nhưng không hành động thì không thay đổi được gì nhiều. Trong hành trình, tôi chụp được rất nhiều biển hiệu như “Hãy làm sạch biển” hay “Cấm đổ rác”, nhưng ngay dưới đó lại đầy... rác. Hãy hành động bằng cách hạn chế rác thải nhựa từ chính bản thân chúng ta, mỗi ngày, mỗi giờ. Tất cả chúng ta đều làm như vậy thì mới thay đổi được thực trạng này.
Xin cảm ơn anh!
Tấm gương về ý thức trách nhiệm công dân
       
Tôi đánh giá cao ý nghĩa hành trình chụp ảnh và triển lãm ảnh về rác của Hùng. Hùng đã quyết tâm bằng nỗ lực của mình để chụp ảnh về rác. Qua đó thể hiện cam kết cá nhân, là tấm gương thể hiện ý thức trách nhiệm công dân với môi trường. Rác thải nhựa không còn là “của chung” mà là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Nếu mỗi chúng ta với nghề nghiệp của mình đều làm một điều gì đó để hạn chế rác thải nhựa thì mới bảo vệ được môi trường sống. Đây là câu chuyện của cá nhân nhưng truyền thông điệp chung cho xã hội về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay. Đặc biệt, thông qua hoạt động này, giúp cảnh báo về việc sử dụng lại những đồ nhựa dùng một lần, sẽ cực kỳ nguy hại đến sức khỏe. Ông Đào Xuân Lai,
Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và môi trường - UNDP tại VN
Rất say mê và có ý thức với công việc
       
Anh Hùng là một người hoạt động rất bền bỉ, say mê, rất có ý thức với công việc. Anh đã đào tạo ra nhiều thế hệ, tay máy trong giới nhiếp ảnh. Càng ngày chúng tôi càng nhìn thấy ở anh Hùng một tố chất mà các nhà hoạt động nhiếp ảnh khác có lẽ cũng nên phải suy nghĩ, đó là ý thức trách nhiệm công dân. Anh ấy là người thực sự quan tâm và bằng những hành động hết sức thiết thực để có thể tham gia các dự án và có những chuyến đi rất dài ghi chép lại thực tế xã hội. Văn học nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng cần phải phục vụ đời sống một cách thiết thực hơn; phải nhìn thẳng vào thực tế để giúp mọi người nhận thức đúng hơn tình trạng mà chúng ta đang sống như thế nào, để từ đó có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Hùng, nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử VN
Sẵn sàng hy sinh sự an toàn của bản thân
Người đi xuyên Việt 'săn' ảnh rác
       
Hùng là người rất tâm huyết, đam mê nghề; bỏ qua những lời dị nghị của mọi người để đi và mang lại những hình ảnh rất có ý nghĩa. Đây là “tiếng sét” trong bối cảnh người VN đang thờ ơ với thực trạng này. Tôi rất ấn tượng với việc Hùng nói “quăng rác ra môi trường là quăng rác vào bữa ăn hằng ngày”. Hùng sẵn sàng hy sinh sự an toàn của bản thân để làm được công việc ý nghĩa.
Nhiếp ảnh gia Tạ Toàn, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.