Sự bất cập của quy định và giám định mức độ khuyết tật đang được lưu hành khiến hàng ngàn người điếc câm vẫn không được thừa nhận đúng với mức độ khuyết tật và họ đang phải vật lộn với khó khăn mỗi ngày...
Lý do để anh Trần Khương, người cha trong bài viết “Hành trình kinh ngạc của cha con cô bé câm điếc” phải lên tiếng viết nhật ký trên facebook bắt nguồn từ bất cập hiện nay trong việc giám định mức độ khuyết tật đang được lưu hành.
Thiếu chuyên môn
Anh Khương cho biết trước khi đưa đơn đề nghị giám định khuyết tật, anh đã đưa con đi tái khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm thì kết quả vẫn câm điếc bẩm sinh. Nhưng khi đem ra Hội đồng y khoa P.Thạnh Lộc (Q.12) thì lại đánh giá là khuyết tật nhẹ. Trong thành phần giám định ở phường không có ai là chuyên khoa, chỉ có một cán bộ LĐ-TB-XH, một cán bộ đoàn và một bác sĩ y tế cộng đồng.
Hành trình kinh ngạc của cha con cô bé câm điếc
Một người cha 44 tuổi kiên cường cùng con bị câm điếc bẩm sinh trải qua 18 năm khổ luyện để học hành. Đến nay, họ đã học những bài học cuối cùng của bậc phổ thông. Hành trình của hai cha con làm lay động lòng người...
Đây không phải là tắc trách của phường mà chính là bất cập của chính sách. Theo Luật Người khuyết tật, hội đồng xác định mức độ khuyết tật do chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) thành lập. Hội đồng này bao gồm các thành viên: Chủ tịch UBND cấp xã là Chủ tịch hội đồng; Trạm trưởng trạm y tế cấp xã; công chức cấp xã phụ trách công tác LĐ-TB-XH; người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban MTTQ VN, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh cấp xã..., người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.
Đó là chưa kể thông tư hướng dẫn cách đánh giá, xác nhận khuyết tật qua loa vài câu hỏi như chỉ cái ghế hay chỉ người quen,... sau đó đi đến kết luận là chưa chính xác, anh Khương nói.
|
Trong cộng đồng người khuyết tật, người điếc câm còn thường bị đánh giá là “ít khuyết tật” hơn cả bởi nhìn bên ngoài, mức độ khuyết tật không rõ ràng như những người khiếm thị, thiếu tay chân… Khi ra Hội đồng giám định, đa số họ không được chứng nhận khuyết tật nặng (trên 70%). Điều này đồng nghĩa với việc họ không có bảo hiểm y tế, không được miễn phí vé xe bus, giảm giá tàu, xe…
Chuyện chưa biết trong 'Hành trình kinh ngạc của cha con cô bé câm điếc'
'Tôi đã từng trách ông Trời. Nhưng sau này tôi nghiệm được rằng không phải cái gì cũng đổ lỗi cho số mệnh được. Số mệnh do mình tạo ra. Phải biết chấp nhận sự thật và cùng con vươn lên', anh Khương nói.
Thế giới bị quên lãng
Khi chúng tôi liên hệ với Tổ chức cộng đồng Điếc Câm (DCOH), chỉ có một người có thể… nói chuyện được. Đó là cô Phạm Cao Phương Thảo, người phụ trách tổ chức, cũng là người duy nhất có thể trao đổi, cung cấp thông tin ra bên ngoài. Sự có mặt của cô Thảo là hết sức quan trọng trong tổ chức này.
Cô Thảo là mẹ của Đoàn Phạm Khiêm, Chủ tịch DCOH, một người điếc câm nổi tiếng trong cộng đồng này. Từ lứa tuổi mà trẻ em khác biết bập bẹ, vợ chồng cô phát hiện Khiêm có những biểu hiện không giống như người bình thường. Đưa Khiêm đi chữa trị khắp nơi không hiệu quả, cô bỏ hết công việc, ở nhà cùng con, đưa con đi học khắp các trường nhận dạy trẻ điếc câm. Nhưng sự phát triển của Khiêm quá chậm chạp và khá khó khăn.
May mắn đến với mẹ con cô vào năm 2000, khi thầy Kemp, đến từ trường Gallaudet (Mỹ), cũng là một người điếc câm, sang Việt Nam. Thầy Kemp phát triển một dự án cho cộng đồng này, chọn lựa 16 người tốt nhất để dạy trong vòng 6 năm, từ những ngôn ngữ mới đến những kiến thức, kinh nghiệm sống để hòa nhập với thế giới bình thường. Đến cuối cùng, lớp học chỉ còn 5 em và Khiêm là một trong số đó.
Sau lớp học này, Khiêm dần dà trưởng thành nhanh chóng. Anh là người điếc câm đầu tiên trở thành thủ khoa đại học của Trường đại học Mĩ thuật TP.HCM. Cũng là người Việt Nam đầu tiên có chứng chỉ giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu, anh đi khắp nơi dạy ngôn ngữ này cho những người điếc câm. Cuối tuần nào Khiêm cũng dạy miễn phí cho khoảng 400 người muốn học ngôn ngữ ký hiệu tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Anh cũng cùng bạn bè biên soạn bộ từ điển ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam, cùng mẹ và một số người khác thành lập Tổ chức Cộng đồng Điếc Câm. Nhưng ít ai biết, ngôi nhà mẹ con anh đang ở là của một người bạn cho mượn để trở thành nơi lui tới thường xuyên của cộng đồng, từ 14 đến hơn 60 tuổi. Ở đây, thường xuyên có đến vài chục người điếc câm ở nhờ, xin cơm chùa, cơm từ thiện để ăn. Cô Thảo dạy cho những người này cả cách đi làm, cách ứng xử, luật pháp… để có thể tự tìm cách nuôi sống mình.
Nhưng tất cả những nỗ lực tuyệt vời ấy không kéo được những người điếc câm ra khỏi thế giới bị quên lãng của mình. Đa số xuất thân từ những người bị gia đình ruồng rẫy, lang thang cơ nhỡ, lại khuyết tật, họ quá khó khăn để xin việc làm. Mỗi nơi họ làm việc chỉ kéo dài cao nhất được 2-3 tháng, mặc dù đó chỉ là những công việc như rửa chén, giúp việc, rửa xe, lau sàn... Chưa kể có người còn bị đánh đập hoặcbị lạm dụng tình dục… Nhưng trên hết, họ vẫn bị đối xử bất công.
“Đa số người điếc câm chỗ tôi hết sức nghèo khổ. Có cặp vợ chồng cùng con nhỏ, chồng bị bệnh, nhưng không có bảo hiểm y tế, không được chữa trị nên mất, để lại vợ con ốm đói như xác ve. Đa số khác đến cả dao cạo râu, băng vệ sinh cũng phải ngửa tay đi xin. Họ rất cô đơn giữa thế giới này”, cô Thảo nói trong nước mắt.
Khó khăn là thế, phải nỗ lực vượt bậc, nhưng vì sự bất cập của quy định, hàng ngàn người điếc câm vẫn không được thừa nhận đúng với mức độ khuyết tật của mình. Dù sao thì Khả Ái là một người điếc câm may mắn. Em có cha mẹ sát cánh bên cạnh, giúp em có thể phát âm bập bẹ, học ở trường bình thường, có người đấu tranh để em nhận được chứng nhận khuyết tật nặng. Còn bao nhiêu người khác của cộng đồng này, họ gần như bị quên lãng...
Thiệt thòi cho người điếc câm
Những người điếc câm chỉ không nghe được, còn những hoạt động khác
thì đa phần họ làm được hết. Nếu đánh giá theo thang điểm của Nhà nước
thì thường cho họ là nhẹ, so với khuyết tay khuyết chân, khó lọt vô được
mức độ hưởng trợ cấp khuyết tật hiện nay. Vì nếu được hưởng trợ cấp
khuyết tật thì phải nặng, được xác định theo bảng điểm cụ thể.
Nhưng bộ công cụ này mình dùng đánh giá có một số bệnh khó khăn như
người bị tâm thần, thần kinh, người điếc câm. Nhà nước căn cứ bộ công
cụ để xét người điếc câm thành nhẹ thì họ chịu thiệt thòi.
(BS Nguyễn Minh Châu - Giám đốc Trung tâm giám định y khoa TP.HCM)
Như Lịch (ghi)
|
Bình luận (0)