Vụ án người con lên cơn, dùng rựa giết cha xảy ra tại Quảng Trị ngày 13.3 một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động tình trạng người điên gây án ở địa phương này.
Công an tỉnh Quảng Trị thu giữ các hung khí của Hòa sử dụng để giết cha ruột - Ảnh: Hưng Văn
|
“Sát thủ” điên loạn
Sáng 13.3, Lê Văn Hòa (29 tuổi, bị bệnh tâm thần đã 4 năm nay, trú thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, H.Hải Lăng, Quảng Trị) lên cơn điên nên cầm rựa, khỏa thân, phóng xe máy đi khắp nơi la hét. Sau đó, một nhóm người dân tưởng Hòa ăn trộm xe nên đuổi đánh. Hòa chạy trốn về làng rồi vào nhà một người hàng xóm để ẩn nấp. Do lo sợ con gây ra chuyện nên ông L.V.D (53 tuổi, cha ruột của Hòa) chạy sang kéo Hòa về nhà tắm rửa, cơm nước. Đang lên cơn, lại bị kích động, Hòa dùng 2 cây rựa chém cha mình chết tại chỗ... Nhiều ngày sau khi vụ việc kinh hoàng xảy ra, người dân tỉnh Quảng Trị vẫn còn bàn tán râm ran về chúng, trong khi có một số người lại thêm thắt các thông tin rùng rợn. Tiên lượng đây là vụ việc có ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, Công an tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo nhanh với Bộ Công an, UBND tỉnh Quảng Trị đồng thời chỉ đạo Công an H.Hải Lăng thông qua công tác tuyên truyền ổn định tư tưởng gia đình và trong nhân dân.
|
Ông D. không phải là thân nhân duy nhất của những người mắc chứng tâm thần lãnh hậu quả khủng khiếp. Cách đây hơn 4 năm, một “đứa trẻ tuổi 20” khác là Lê Văn Khỏe (trú làng Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) cũng tước đi mạng sống của mẹ ruột mình. Đó là vào rạng sáng 16.12.2010, khi bà N.T.L (mẹ Khỏe) dậy nhóm lửa nấu cơm thì bị Khỏe cằn nhằn. Bà L. chưa kịp dập lửa thì Khỏe đã lao xuống bếp hất nồi niêu văng tứ tung. Hoảng quá, bà L. cùng chồng là ông L.V.D (76 tuổi) vọt chạy ra ngoài. Nhưng cũng vì thương đứa con bị tâm thần từ những năm học tiểu học, bà L. lại quay trở vào. Vừa đến sân, Khỏe cầm cuốc lao ra bổ 5 nhát chí mạng vào đầu bà L., tước đi sinh mạng của mẹ mình. Sau đó, Khỏe lên giường tiếp tục nằm ngủ, cho đến khi bị lực lượng chức năng khống chế.
Trong khi đó, dù chỉ bị tâm thần nhẹ, nhưng trưa 21.3.2012, Diệp Minh Hải (32 tuổi, trú thôn Pả Công, xã Hướng Linh, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) đã dùng thanh tre đánh liên tiếp vào người vợ là Nguyễn Thị Thanh (31 tuổi) đến khi chị gục xuống, mới chạy về gọi cha mẹ đến giải quyết. Lúc mọi người đến nơi thì chị Thanh đã ngừng thở. Được biết Hải bị tâm thần nhiều năm nay nhưng chị Thanh vẫn sống cùng và mở trang trại nuôi heo. Họ đã có 1 đứa con 4 tuổi và chị Thanh đang có thai đứa thứ hai mới 5 tháng.
Nghiêm trọng hơn, vào ngày 5.3.2011, người dân xã A Xing (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) đã phát hiện thi thể H.T.L (16 tuổi, quê Quảng Bình, làm nghề bán thực phẩm rong) được giấu sơ sài bên vệ đường. Khi vào cuộc, cơ quan điều tra đã có cơ sở để xác định kẻ gây án không ai khác ngoài “thằng bé điên của bản” mang tên Hồ Văn Nghịch (22 tuổi). Nhưng trước khi bị bắt thì Nghịch đã treo cổ tự tử.
Làm sao để ngăn chặn?
Bàn về việc những người điên gây án, thiếu tá Nguyễn Thanh Tịnh, Đội trưởng Đội điều tra án xâm phạm nhân thân (Công an tỉnh Quảng Trị) cho biết anh đã không khỏi sửng sốt và xót xa khi trực tiếp thụ lý những vụ án kinh hoàng do người điên gây ra. Ngoài vụ Khỏe sát hại mẹ ruột như đã nêu ở trên, anh còn ám ảnh về vụ một cô giáo ở xã Cam Tuyền (H.Cam Lộ, cũng có dấu hiệu tâm thần) ném 2 đứa con xuống giếng sâu vào tháng 8.2011. “Những vụ việc như thế quá đau lòng. Để xảy ra những vụ việc này, tôi cho rằng ngoài gia đình còn có trách nhiệm của xã hội, của địa phương. Họ đã không làm hết trách nhiệm, bởi ngay từ đầu Khỏe và cô giáo ấy đã có nhiều biểu hiện tâm thần rõ rệt, từng la hét, từng đánh người nhưng lại không được sự quan tâm, chữa trị cho dứt điểm”, thiếu tá Tịnh nói.
Điều này đúng khi hầu như toàn bộ những người điên gây án đều không được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, không được uống thuốc và lại được người thân đưa đi khắp nơi cúng bái, trừ tà... Ở góc độ y học, BS Lê Bá Bình, Trưởng khoa tâm thần, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Quảng Trị, cho biết nguyên nhân làm một người bị tâm thần tấn công người khác là do những người này bị hoang tưởng bị hại, bị kích động bởi những lời nói ở trong đầu dẫn đến rối loạn hành vi, không làm chủ được bản thân. “Đối với người bị bệnh tâm thần nhưng đã được điều trị bằng thuốc và uống đều đặn thì tôi đảm bảo họ rất ít khi có những hành động bộc phát nguy hiểm”, BS Bình nói.
Đồng quan điểm, BS Bùi Duy Phi, Trưởng khoa thần kinh, BV đa khoa tỉnh Quảng Trị, khuyên đối với người bình thường khi tiếp xúc với người mắc bệnh thần kinh, cần chú ý quan sát ánh mắt và biểu hiện khuôn mặt của họ để tránh những hậu quả đáng tiếc. “Muốn hạn chế những vụ việc đau lòng như vừa qua, theo tôi, ngoài sự chăm lo của gia đình, cần phải nâng cao chuyên môn chuyên khoa thần kinh ở tuyến huyện, xã. Quan trọng nữa là xã hội phải dẹp bỏ mê tín dị đoan, cúng bái... Tôi thực sự mong lực lượng chức năng xử lý hết mấy ông thầy cúng đang hoàng hành hiện nay vì họ gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh thần kinh”, BS Phi chốt lại.
Bình luận (0)