Cách đó gần một tháng, khi mới từ Amsterdam về Sài Gòn, anh Tứ đã tới thăm người anh em Cao Xuân Hạo của mình, và theo anh Tứ nói, lúc ấy anh Hạo vừa vượt qua cơn nguy kịch, nhưng đã tươi tỉnh trở lại, thậm chí còn uống được với người anh em của mình vài ly rượu vang. Nhưng không ngờ, đó là lúc khỏe lại cuối cùng của học giả Cao Xuân Hạo. Mấy ngày sau, ông đã chìm vào cơn hôn mê dài cho tới hôm qua.
Chúng ta đã mất một nhà ngôn ngữ học Việt Nam tài ba, một nghệ sĩ đa tài và nặng tình với nghệ thuật, một người thầy thiết tha với tiếng Việt và với học trò, một con người hiện đại nhưng lại có phẩm chất đạo đức của một nhà Nho "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất". Tôi có chút may mắn, khi mới vào học năm thứ nhất khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội - khóa học sơ tán đầu tiên của các trường đại học miền Bắc vì chiến tranh phá hoại - tôi đã có dịp được hầu chuyện hóng chuyện thầy Hạo. Nói cho đúng, thầy Hạo chưa dạy lớp chúng tôi ngày nào, đơn giản, vì ngày ấy thầy Hạo và thầy Phan Ngọc không được đứng lớp. Chỉ biết, với tôi lúc ấy, Cao Xuân Hạo là dịch giả bộ đại tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của văn hào vĩ đại Lev Tolstoi, và của hàng loạt tác phẩm văn học kinh điển khác.
Bây giờ đọc lại càng thấy rõ, những tác phẩm do Cao Xuân Hạo dịch và chú giải, giới thiệu (có thể dịch riêng hoặc là đồng dịch giả) đều là những bản dịch mẫu mực, những tác phẩm gối đầu giường của nhiều thế hệ những người yêu văn học và làm văn học ở Việt Nam. Lối dịch văn học của Cao Xuân Hạo vừa sáng vừa chuẩn nhưng vừa mờ ảo. Đó là điều không hề dễ dàng với bất cứ dịch giả nào, khi bản dịch không xấu hổ có thể đứng đàng hoàng bên cạnh nguyên tác, không hề "phản" cũng không hề hạ thấp chất văn trong nguyên tác mà lại thăng hoa chất văn trong Việt ngữ. Có được thành công ấy, vì Cao Xuân Hạo trong sâu thẳm tâm hồn mình là một nghệ sĩ, một nghệ sĩ ngôn từ, nghệ sĩ của tiếng Việt.
Bao nhiêu năm sau, tôi vẫn theo dõi những bài viết vừa bác học vừa thời sự, thể hiện cách dùng ngôn ngữ Việt sinh động và rất "nhân dân" của thầy Cao Xuân Hạo. Trước mỗi nguy cơ phá hỏng, làm biến dạng tiếng Việt, nhất là khi những nguy cơ ấy đến ngay từ trong nhà trường phổ thông, từ sách giáo khoa tiếng Việt, thầy Cao Xuân Hạo đều lập tức lên tiếng một cách mạnh mẽ, thấu đạt, uyên bác và cụ thể, để bảo vệ thứ "tiếng Việt thuần chủng và sinh động". Đặc biệt, nhà ngôn ngữ học-ngữ âm học hiện đại Cao Xuân Hạo rất chú trọng và biểu dương cách dùng ngôn ngữ Việt một cách sáng tạo, tìm tòi và mang chất hiện đại của những nhà văn nhà thơ Việt đương đại mà ông hâm mộ. Tôi nghĩ, đó là một hướng phát huy đúng ngôn ngữ Việt, nó giúp ích rất nhiều cho chính những nhà văn nhà thơ, những người vẫn thường nghĩ mình là người sáng tạo ngôn ngữ, nên có thể "nhẹ lướt" qua nhiều "bão táp mưa sa" của tiếng Việt.
Cao Xuân Hạo là một nhà ngôn ngữ đam mê tiếng Việt. Thành công của ông trong dịch thuật có một phần không nhỏ được tạo nên từ chính sự đam mê ngôn ngữ mẹ đẻ này. "Tôi yêu tiếng nước tôi - Từ khi mới ra đời", có lần ở Tây Ninh, trong một cuộc hội thảo văn học, tôi đã được nghe thầy Hạo vừa chơi đàn guitar rất bay bổng vừa hát ca khúc này của Phạm Duy. Và tiếng Việt vô vàn yêu thương đã không bỏ ông trong suốt cuộc đời nghiên cứu, giảng dạy hay viết lách của mình. Đó là người đồng hành cùng tiếng Việt hiện đại, và cùng tiếng Việt muôn đời. Xin vĩnh biệt ông, Thầy tôi!
T.T
Bình luận (0)