Coi người tài là tài nguyên quý nhất và duy nhất mà Singapore có thể tạo được, ông Lý Quang Diệu đã làm mọi cách để phát huy năng lực và giữ chân họ.
>> Người đưa Singapore lên 'Thế giới thứ nhất' - Kỳ 1: Khát vọng tuổi trẻ
>> Lý Quang Diệu, người đưa Singapore từ thế giới thứ ba lên thứ nhất
>> Người đưa Singapore lên 'Thế giới thứ nhất' - Kỳ 2: Bảo vệ nền cộng hòa non trẻ
Ông Lý Quang Diệu trong một lần đến thăm Đại học Nanyang hồi thập niên 1960 - Ảnh: STOMP
|
Vài trong những cách đó đã gây sốc cho toàn xã hội và đến giờ ông vẫn mang tiếng là người có tư tưởng thượng đẳng. Ông kêu gọi nam giới tốt nghiệp đại học nên kết hôn với những cô gái cũng tốt nghiệp đại học, thay vì thấp hơn theo quan niệm của hầu hết người Á Đông “đàn ông nên lấy vợ thấp hơn mình một cái đầu”. Lời kêu gọi ông đưa ra trong một bài diễn văn mừng quốc khánh khiến những phụ nữ ít học và cha mẹ họ thấy mình bị coi khinh, phụ nữ học cao bị “chạm vào nỗi đau” ế chồng, các bộ trưởng tài ba có cha mẹ ít học thấy vô lý... Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, qua thống kê, tỷ lệ nam giới học cao kết hôn với người ngang bằng có tăng lên. Ông cũng ra chính sách ưu đãi phụ nữ học cao được có con thứ 3, thứ 4 thay vì chỉ “dừng lại ở 2” theo chương trình kế hoạch hóa gia đình để kìm hãm sự gia tăng dân số trước đó. Một lần nữa ông gây tự ái cho những phụ nữ có học.
Thảm đỏ
Phát hiện được tài năng, ông lập tức phân luồng nhằm đào tạo phù hợp với năng lực và sở trường để họ có thể phát huy cao nhất “tinh hoa di truyền”. Bởi vậy giờ đây, ngay khi tốt nghiệp tiểu học, học sinh Singapore đã được phân luồng vào các hệ đào tạo khác nhau, phù hợp với năng lực của từng em. Nhưng đáng để ý hơn cả là chiến lược nuôi dưỡng tài năng lãnh đạo rất bài bản, được thực hiện từ rất sớm. Theo đó, mỗi năm Singapore chọn 10 học sinh tốt nghiệp trung học xuất sắc nhất đưa vào quân đội (SAF). Các sinh viên này sẽ được nhận học bổng du học SAF, cho phép họ học lấy bằng cử nhân hoặc kỹ sư ở những trường đại học danh giá của Anh hoặc Mỹ. Ngoài học bổng đủ trang trải toàn bộ chi phí, họ còn được hưởng lương bằng một trung úy. Sau khi tốt nghiệp, họ phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc 8 năm. Trong thời gian đó, họ tiếp tục được gửi ra nước ngoài để học thêm 3 khóa đào tạo gồm: kỹ thuật quân sự, học tại Mỹ, Anh hoặc cả hai; năng lực chỉ huy quân sự cũng tại Anh hoặc Mỹ; quản lý hành chính công và quản trị kinh doanh tại một trong hai đại học hàng đầu của Mỹ là Harvard và Stanford. Hết hạn, họ có quyền chọn ở lại SAF hoặc ra dân sự, vào bộ máy lãnh đạo nhà nước, quản lý các cấp hành chính hay trở thành doanh nhân. Trong thời gian 8 năm ở SAF, hoặc dài hơn, chính họ là những “bộ óc” lắp vào các “ổ cứng vô tri” mà quân đội trang bị, ông Lý quan niệm như vậy.
Tính đến năm 1995, có 4 người từ chương trình này đứng vào hàng ngũ lãnh đạo đất nước, gồm: chuẩn tướng Lý Hiển Long nay là thủ tướng; chuẩn tướng George Yeo làm ngoại trưởng cho đến khi thôi chức năm 2011; trung tá Lim Hng Kiang nay là Bộ trưởng Công thương; Phó đô đốc Teo Chee Hean nay là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ. Hiện nay, trên chính trường Singapore cũng có một bộ trưởng trẻ, được cho là có họ hàng với ông Lý Quang Diệu, cũng trải qua hành trình tương tự ông Lý Hiển Long, được hy vọng sẽ trở thành lãnh đạo cao nhất trong tương lai.
Ngoài ra, để giữ người tài nhằm đảm bảo một nền hành chính công hiệu quả, ông Lý có chính sách trả lương cao cho nhân viên nhà nước, lên đến hàng triệu USD/năm cho một bộ trưởng. Chính sách này mặt khác cũng có tác dụng ngăn ngừa nạn tham nhũng. Trong khi phương Tây thường chê bai việc trả lương quá cao này, thì Singapore tự hào đã trả công xứng đáng cho những công bộc của dân và giữ họ “sạch sẽ” trước những cám dỗ tiền bạc.
Sớm nhận ra vị trí của Singapore là một trung tâm thương mại, dịch vụ của thế giới, ngay sau khi lập quốc ông Lý đã chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, thay vì tiếng Malay như hồi năm 1959 trong tâm thế chuẩn bị sáp nhập vào Malaysia. Việc đưa tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy tại các trường tiếng Hoa truyền thống gây ra hàng loạt bất đồng trong xã hội. Đình đám nhất là vụ sáp nhập Đại học Nanyang (còn gọi là Nantah) do một doanh nhân gốc Hoa sáng lập năm 1953 vào Đại học Singapore (dạy bằng tiếng Anh) thành Đại học Quốc gia Singapore (NUS) năm 1978, do 12.000 sinh viên tốt nghiệp của Nantah trước đó đã rất khó tìm việc làm. Cơ sở vật chất của Nantah đến năm 1991 được phát triển thành Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), cũng đào tạo bằng tiếng Anh. Ngày nay, cả NUS và NTU đều là những trường đại học có thứ hạng trên thế giới.
“Việc dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ hành chính đã giúp ngăn xung đột giữa các sắc tộc và cho chúng ta lợi thế so sánh, bởi đó là ngôn ngữ thương mại, ngoại giao và khoa học của cả thế giới”, nhận định này của ông Lý hẳn không ai bắt bẻ được.
Bình luận (0)