Người đưa Singapore lên 'Thế giới thứ nhất' - Kỳ 7: Cố vấn của thế giới

30/03/2015 06:04 GMT+7

Tầm ảnh hưởng của ông Lý Quang Diệu vượt ngoài biên giới Singapore, bởi các lãnh đạo trên thế giới trước nay đều công nhận ông là một nhà chiến lược quốc tế lỗi lạc.

Tầm ảnh hưởng của ông Lý Quang Diệu vượt ngoài biên giới Singapore, bởi các lãnh đạo trên thế giới trước nay đều công nhận ông là một nhà chiến lược quốc tế lỗi lạc.

Ông Henry Kissinger viếng ông Lý Quang Diệu. Bên cạnh là bà Ho Ching (Hồ Tinh), phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long - Ảnh: Reuters
Ông Henry Kissinger viếng ông Lý Quang Diệu. Bên cạnh là bà Ho Ching (Hồ Tinh),
phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long - Ảnh: Reuters
Cựu cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng qua nhiều đời tổng thống Mỹ Henry Kissinger, trong bài điếu văn trên tờ The Washington Post ngay sau khi ông Lý qua đời hôm 23.3, viết: “Thật xúc động khi chứng kiến trong mấy thập niên qua, Lý Quang Diệu từ vai trò ngang với thị trưởng một thành phố cấp trung trở nên nổi bật trên nghị trường quốc tế như một nhà cố vấn chiến lược toàn cầu”. Hai người gặp nhau lần đầu năm 1967 khi ông Lý đến thăm ĐH Harvard nơi ông Kissinger đang giảng dạy.
Lịch sử ghi nhận
Hôm 28.3, ông Kissinger, 91 tuổi, đến tòa nhà quốc hội Singapore viếng linh cữu người bạn thân thiết nhỏ hơn mình 4 tháng tuổi trước sự xúc động của nhiều người. Nói chuyện với báo chí sau đó về ông Lý, ông Kissinger nói: “Ông ấy đã dạy chúng tôi về cách mà người châu Á suy nghĩ trước các vấn đề và giải thích với chúng tôi ý nghĩa của sự phát triển một cách thực tế nhất”. Chính nhờ những giải thích “cực kỳ hữu ích” của ông Lý về vận hành chính trị nội bộ, cách điều hành kinh tế của các lãnh đạo Trung Quốc đã giúp Washington định hình chính sách ngoại giao với Bắc Kinh, ông Kissinger thừa nhận và cho biết thêm các đời tổng thống Mỹ liên tục đến nay vẫn tìm đến ông Lý để hiểu về châu Á.
Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình gọi sự ra đi của ông Lý là “một mất mát đối với cộng đồng quốc tế”. Ông Tập được bố trí gặp ông Lý lần đầu tiên tại Bắc Kinh vào tháng 11.2007. Đó cũng là cuộc gặp một lãnh đạo nước ngoài đầu tiên của ông Tập sau khi được bầu làm Ủy viên thường trực Bộ Chính trị. Qua cuộc gặp, ông Lý hiểu rằng ông Tập đã được nhắm cho vị trí lãnh đạo cao nhất trong tương lai, theo tiết lộ trong cuốn Nhận định của Lý Quang Diệu về thế giới xuất bản 2013.
Bên cạnh đó, công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc được khởi đầu sau chuyến thăm của ông Đặng Tiểu Bình đến Singapore tháng 11.1978 và choáng ngợp trước sự phát triển kinh tế, đô thị của đảo quốc này. Lần đó, ông Đặng “đã ném sang một bên lịch trình đã lên sẵn để trò chuyện hàng giờ với ông Lý” nhằm tìm hiểu quá trình xây dựng Singapore. Sự ra đời của các khu kinh tế dọc bờ biển Trung Quốc sau đó được giới quan sát đánh giá là mang đậm dáng dấp của Singapore.
“Ngạo mạn” nhưng trung thực
Không chỉ với Mỹ và Trung Quốc, Lý Quang Diệu còn tư vấn cho nhiều nước khác. Sự tự tin cộng với kiến thức sâu rộng cộng thêm lối nói “thẳng ruột ngựa” của ông đôi lúc khiến người nghe có cảm giác bị xúc phạm. Không ít người cho rằng ông Lý ngạo mạn. Tuy vậy, qua thời gian, người ta thấy ông nói đúng. Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm 25.3 phát biểu rằng chính câu nói của ông Lý trong chuyến thăm Úc năm 1980 - rằng nếu không mở cửa nền kinh tế và nỗ lực giảm lạm phát, thất nghiệp, Úc có nguy cơ trở thành “tro tàn của châu Á” - đã “thúc đẩy nước Úc thay đổi tốt hơn tại một thời điểm nguy ngập trong lịch sử”.
Các chính trị gia Ấn Độ những ngày qua cũng thừa nhận ngay từ năm 1966, ông Lý đã nhìn thấy vai trò của nước này trong hợp tác với Đông Nam Á đồng thời khuyên Ấn Độ nên hợp tác kinh tế với Nhật Bản. Sau đó, ông Lý gần như trở thành cố vấn cho nhiều lãnh đạo Ấn Độ. Tiến sĩ Sanjaya Baru, cố vấn báo chí của cựu Thủ tướng Manmohan Singh, tiết lộ trong một lần gặp ông Lý, ông Singh đã hỏi ý kiến về cách ứng xử với giới lãnh đạo Trung Quốc.
Trong quá trình hợp tác với VN từ đầu thập niên 1990, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng gọi ông Lý Quang Diệu là “một người bạn thật sự”, bởi ông đã “đưa ra những lời khuyên chân thực và chí tình, dù đôi lúc nghe rất đau lòng”, ông Lý viết trong hồi ký Câu chuyện Singapore: 1965 - 2000. Trong sổ tang tại Đại sứ quán Singapore ở Hà Nội ngày 23.3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết: “Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Ngài Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam”.
Bình luận về sự ra đi của ông Lý Quang Diệu, Chủ tịch kiêm Tổng biên tập Tập đoàn báo chí Forbes Media (Mỹ), nơi xuất bản tạp chí Forbes danh tiếng, ông Steve Forbes viết: “Thật không may mắn khi thế giới văn minh của chúng ta đã mất đi một tiếng nói trí tuệ giữa thời buổi đầy biến động này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.