Người đưa thư đã đi xa...

01/01/2005 16:29 GMT+7

Một lần, tình cờ được xem bộ phim Mỹ Người đưa thư phát trên VTV, ấn tượng đọng lại trong tôi lại là một cảnh rất "phụ": cậu bé con sống trong ngôi làng hẻo lánh trịnh trọng cầm phong thư đưa lên cao, cậu đang chờ người đưa thư trên lưng ngựa đón lấy để mang niềm hy vọng của mình đi xa.

Tôi như sống lại ước mơ thời niên thiếu của mình. Thuở ấy, tôi sống trong một tỉnh nhỏ êm đềm, nơi có những ngôi nhà nằm giữa vườn cây, cổng nhà luôn có giàn hoa giấy nở quanh năm hay bóng râm ngạt ngào hương thiên lý. Trong mắt tôi, người đưa thư là một hình ảnh đáng yêu và cả đáng quý. Với trí óc thơ ngây lãng mạn của mình, tôi chỉ mơ lớn lên được làm người đưa thư. Tôi nghĩ đến vẻ hớn hở của người được nhận những tin vui mà quên nghĩ biết đâu cũng chính mình sẽ đem hung tin đến cho ai đó trong thời buổi loạn lạc còn đầy khắc nghiệt ấy... Tôi chỉ hình dung ra cảnh mẹ già chờ tin con, cô gái đợi thư người yêu hay một người vợ trẻ đang ngóng tin chồng sẽ chạy ào ra với niềm vui lấp lánh trong mắt khi tay chạm vào phong thư phơn phớt xanh có những hàng chữ nắn nót tên người, tên phố. Thuở ấy, mấy ai có được điện thoại, nói chi đến e-mail, "chat" với webcam như bây giờ để hai người ở tận hai đầu trái đất vẫn có thể vừa trò chuyện vừa nhìn nhau như đang kề cận, nên thư là phương tiện hết sức cần thiết để người ta gửi đi hay nhận về những trông chờ mong nhớ. Người đưa thư vì thế bỗng trở thành "nhân vật quan trọng" đối với mọi nhà. Chẳng thế mà hình ảnh bình dị ấy từng được đưa vào âm nhạc rồi ở lại trong lòng người nghe một cách hết sức tự nhiên: "Người đưa thư đã đi qua, mà cớ sao không ngừng, người cứ đi, cứ đi, cứ lạnh lùng đi…". Thuở ấy, quan hệ giữa người đưa thư và chủ nhà cũng không hờ hững như ngày nay. Thư thường được trao tận tay. Bánh xe đạp chưa lăn, người đưa thư đã nhận được lời cám ơn vồn vã, đáp trả bằng nụ cười thân thiện trước khi rẽ qua lối ngõ nhà ai. Ngày nay, theo đà phát triển của những thành phố công nghiệp hiện đại, hình ảnh người đưa thư đã khác đi nhiều. Thay cho chiếc xe đạp cọc cạch và những bộ quần áo bạc màu vì nắng, người đưa thư giờ đây gọn gàng, chuyên nghiệp hơn trong bộ đồng phục và chiếc xe máy để có thể lướt qua nhiều ki-lô-mét đường chói chang trong nắng bụi đô thị. Không còn nhẩn nha chờ trao tận tay "tin nhạn" cho chủ nhân với chút tò mò muốn khám phá một tâm trạng, người đưa thư chỉ kịp thảy lá thư qua chấn song kiên cố của những cánh cửa luôn luôn khép chặt là vội phóng xe đi. Người nhận cũng chẳng mấy bồi hồi xao xuyến vì tin tức trong thư đã mất thời gian tính, trở thành lạc hậu so với e-mail, điện thoại. Còn mấy ai chăm gửi thư cho nhau nữa khi những phương tiện truyền tin ngày nay đã "nhanh như tia chớp".

Dẫu lý trí biết rằng có những hình ảnh không thể tồn tại mãi với thời gian, vậy mà mỗi lần nghe tiếng xe của người đưa thư dừng trước cửa nhà rồi lại vội vã phóng đi, để lại phong thư hiếm hoi nằm chơ vơ trên hiên gạch có lẫn chút bụi bẩn, tôi vẫn tần ngần nhớ hình ảnh người đưa thư xưa, một người không thân thích nhưng lại luôn thấp thoáng bóng dáng bên lề cuộc đời của rất nhiều người thế hệ trên tôi. Người đưa thư ấy đã đi xa... xa lắm rồi, và sẽ không quay trở lại...

Cao Kim Quy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.