Nào học kém, chán học. Nào hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nào chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa bố mẹ. Nào chuyện mâu thuẫn bạn bè. Nào chuyện mối quan hệ thầy trò bị tổn thương…
tin liên quan
Cô giáo 9X xinh đẹp ung thư 8 năm xúc động đêm chào Một mai thức dậyDù trời mưa to nhưng khán phòng vẫn chật ních người đến dự buổi ra mắt tập thơ Một mai thức dậy của Lữ Hồng, cô giáo 9X xinh đẹp nhân vật chương trình Chạm vào ước mơ của Báo Thanh Niên. Điều ước của cô giáo này đã được báo Thanh Niên âm thầm biến thành sự thật.
Đã thành lệ, một ngày mới với tôi ở trường bao giờ cũng bắt đầu bằng việc đến lớp chủ nhiệm sớm để xem xét tình hình chuyên cần của trò.
Sáng ấy, vừa đặt chân tới cửa lớp 6B, có học sinh báo tin trò Nụ bỏ học. Tôi sững sờ không tin đó là sự thật. Bởi tôi biết lâu nay, Nụ vẫn là một học sinh ngoan hiền, chăm chỉ, học lực luôn ở tốp dẫn đầu của nhóm nữ, được nhiều bạn bè quý mến, thầy cô tin yêu. Vậy điều bất thường gì đã xảy ra với Nụ?
Tôi quyết định đến thăm nhà em ngay tối đó. Gia đình em đón tôi trong không khí thật chân tình, ấm áp. Bố em làm cán bộ tín dụng của xã. Mẹ làm đội phó đội sản xuất nông nghiệp. Là con út, Nụ được cả nhà cưng chiều, tạo mọi điều kiện tốt nhất để em tập trung học tập.
Khi nghe tôi trình bày chuyện Nụ định thôi học, ông bà tỏ ra rất bất ngờ và bức xúc. Ông gọi Nụ đến hỏi lý do. Nụ chỉ một lặng hai nín. Gặng mãi, em đỏ mặt khóc. Tôi tìm cách gặp riêng, song em vẫn một mực không tiết lộ lý do nghỉ học. Tôi rời nhà em với tâm trạng day dứt, thất vọng. Tiện đường, tôi vào thăm luôn nhà trò Hợi, trò Hương, trò Duyên. Thật may khi các em đã cho tôi hay một thông tin ít ai nghĩ tới.
Hôm ấy, trong giờ Toán, cô Thương gọi Nụ phát biểu cách chứng minh một kết luận trong bài tập hình. Luống cuống thế nào, Nụ đã nhầm lẫn cách đọc tên các ký hiệu toán học. Đáng ra phải nói góc thì Nụ lại đọc nhầm thành cạnh. Vốn tính nóng nảy, cô bực mình nói lớn: “Tôi hỏi cô: nếu râu anh Thắng cắm vào cằm cô Nụ có được không?”. Cả lớp được phen bật thành tiếng cười, tiếng vỗ tay như phá đám, còn Nụ thì đỏ bừng mặt, ngồi thụp xuống khóc thút thít.
tin liên quan
Người 'dùng chân' viết nên kỳ tích: - Kỳ 3: Để cảm hóa thành công học sinh cá biệtTừ học sinh yếu kém, em đã nhanh chóng vươn lên trung bình, rồi khá, giỏi. Tốt nghiệp đại học, em trở thành cán bộ có uy tín, địa vị tại công ty Sông Đà.
Cô Thương cũng vô tư hòa tiếng cười cùng cả lớp. Cô đâu hay rằng câu nói vui cùng thái độ ấy của mình đã vô tình khiến Nụ cảm thấy bị xúc phạm, bêu riếu bởi sự nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Nụ và Thắng (chả là lâu nay trong lớp các bạn hay gán ghép Nụ với Thắng). Và thế là chuyện Nụ bỏ học đã xảy ra.
Không thể để một học sinh như Nụ phải dở dang chuyện học tập chỉ vì một câu nói vui của cô giáo, tôi quyết tìm mọi cách đưa em trở lại học đường. Vừa nhiều lần đến nhà tìm lời hơn lẽ thiệt thuyết phục em, vừa nói với gia đình khuyên răn em, trao đổi với bạn bè tâm sự, rủ rê em, thậm chí đưa cả cô Thương đến gặp xin lỗi; song em vẫn một mực không chịu đến lớp.
Cuối cùng, dù rất không muốn nhưng vì tương lai của Nụ, tôi đành động viên em chuyển sang học lớp 6A không có cô Thương dạy Toán, em mới chịu cắp sách trở lại trường.
Sau này, tốt nghiệp sư phạm, em đựợc phân về dạy cùng trường với tôi và cô Thương. Kỷ niệm đó chẳng ai muốn nhắc lại song trong ký ức mỗi người, nó thực sự còn hằn sâu bài học nhớ đời: “Khi đã gắn mình với nghiệp trồng người, mọi lời nói cử chỉ phải luôn mô phạm, mẫu mực. Chỉ cần một chút hời hợt, một khoảnh khắc vô tâm, một lời nói thiếu kiểm soát có thể dẫn đến những hậu quả sư phạm khôn lường. Nếu may mắn khắc phục được thì cái giá của nó thật không rẻ chút nào”.
Thật đáng trách
Tiết giảng văn bài “Bố của Simon” (Truyện của Guy de Maupassant, nhà văn Pháp, Sách giáo khoa Ngữ văn 8 thời kỳ 1980 - 2000) hôm ấy cứ làm tôi áy náy khôn nguôi. Dù đã gần 30 năm song mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn thấy mình thật đáng trách.
Lớp 8B, tôi dạy Văn nhưng không làm chủ nhiệm. Vì vậy, việc hiểu hoàn cảnh từng học sinh ở lớp này gần như tôi không có điều kiện quan tâm thực hiện. Cũng như nhiều giáo viên bộ môn khác, điều tâm huyết số một của tôi là dạy sao cho các em thích môn văn và học văn có kết quả.
tin liên quan
Người 'dùng chân' viết nên kỳ tích - Kỳ 2: Liệt đôi tay, làm thế nào viết bảng?Tôi đã phần nào thành công với những tiết dạy được đầu tư công phu trong khâu giáo án và trong nghệ thuật lên lớp. Song sau mỗi giờ dạy, soi vào ánh mắt mỗi trò tôi vẫn nhận ra một thoáng gì đó thiêu thiếu, thèm thèm nơi tâm thức các em.
Tôi luôn làm mọi cách khơi dậy tinh thần học tập chủ động, tích cực của các em trong suốt tiết học; coi việc học sinh sôi nổi hăng hái phát biểu xây dựng bài là khâu quyết định thành bại của tiết văn. Hoạt động này không chỉ giúp trò có cơ hội chủ động tiếp nhận kiến thức, phát triển tư duy, trực tiếp tôi rèn kỹ năng tự tin giao tiếp trước đám đông mà còn giúp thầy nắm bắt được thực trạng cấp độ tư duy, cảm xúc của trò, kịp thời uốn nắn, nâng cao. Chính vì vậy, khi phát vấn, tôi không chỉ gọi những em có tinh thần xung phong đứng lên phát biểu mà còn rất quan tâm đến những trò thụ động không giơ tay.
Đến phần hướng dẫn tìm hiểu nhân vật Simon với nội dung: “Simon, nỗi buồn và niềm vui”, sau khi cho các em đọc kỹ văn bản, một câu hỏi được tôi đưa ra là: “Vì sao bé Simon lại có hành vi cực đoan đi ra sông định tự tử?”. Với câu hỏi này, gần như cả lớp đều giơ tay hưởng ứng. Tôi đưa mắt nhìn khắp một lượt, nhận ra ở bàn thứ ba chỉ duy nhất có Then là vẫn ngồi không nhúc nhích.
Tôi liền gọi luôn Then đứng lên phát biểu. Sau một phút chần chừ, em ngượng ngùng đứng dậy với vẻ mặt biến sắc khác thường. Thấy em vẫn đứng như trời trồng, tôi liền hối thúc: “Nào! Then trả lời đi chứ! Có gì mà lúng túng vậy? Khẩn trương lên không mất quyền lợi bây giờ!”.
Bất ngờ, em đưa tay lên che mặt rồi ngồi thụp xuống bàn, gục đầu khóc nức nở. Sao thế nhỉ? Chuyện gì đã đến với Then? Tôi sững người bối rối bước xuống chỗ bàn em. Tôi hỏi hai em ngồi cạnh, rồi tổ trưởng, lớp trưởng vẫn không ai có câu trả lời vì sao Then lại khóc đột ngột như vậy. Không thể để tiết dạy bị cháy giáo án, tôi quyết định cho cả lớp ổn định rồi trở lại học bình thường.
Tiết học kết thúc, song tôi vẫn băn khoăn về chuyện của Then không dứt. Đi nhanh về văn phòng, tôi tìm gặp cô Đoàn Sen - chủ nhiệm lớp 8B để trao đổi sự việc. Nghe xong, cô đập nhẹ tay vào vai tôi nói với giọng như phân bua lại như có ý trách móc: “Thế thầy không biết sao? Hoàn cảnh của Then cũng tội nghiệp không khác gì nhân vật Simon. Em cũng không có bố mà! Cực hơn, mẹ em lại bị khuyết tật đôi chân từ nhỏ”.
tin liên quan
Cổ tích của cô thủ thư vào lớp 1 năm 15 tuổiHuỳnh Thị Xậm bị khuyết tật cả tay và chân từ khi lọt lòng mẹ. Thế nhưng vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống chị đã viết nên câu chuyện cổ tích cho chính bản thân mình.
Nghe xong, tôi lặng người trong cảm giác tội lỗi. Vì không nắm được hoàn cảnh của Then, tôi đã vô tình xúc phạm em, động đến nỗi đau sâu kín trong trái tim em. Thảo nào, khi mấy trò được hỏi về lý do Then khóc, chắc không ai không biết song vì tế nhị, em nào cũng tìm cách né tránh nói ra sự thật.
Thế mới biết nghề làm thầy không đơn giản chút nào. Vì không hiểu trò mà vô tình làm tổn thương trò một cách đáng trách như vậy đấy!
Bình luận (0)