Người 'dùng chân' viết nên kỳ tích - Kỳ 6: Văn và đời

27/07/2017 16:02 GMT+7

Cách đây ít năm, tôi về xã Đa Kia, huyện Phước Long (nay là huyện Bù Gia Mập), tỉnh Bình Phước dự đám cưới đứa cháu. Khi tiệc đã gần tàn bỗng xuất hiện một người đàn ông trạc trung niên trông bụi bụi từ ngõ phóng xe máy ào vào sân khánh lễ.

Anh ta dựng vội chiếc xe ngoài rìa sân, rảo bước về phía tôi. Tôi chưa kịp gì anh đã ôm chặt lấy tôi trước bao cặp mắt ngạc nhiên.
- Em chào thầy! Thầy còn nhớ em không? - Anh ta vừa nói vừa thở với giọng mừng vui xúc động bất ngờ.
- Thầy chịu! Em quê ở đâu? Học thầy năm nào nhỉ? - Tôi thẫn người hỏi lại.
Anh ta buông tôi ra rồi kéo nhanh chiếc ghế ngồi xuống cạnh tôi.
- Em là Hương ở xóm Hoàng Quất, Hải Thanh quê ta mà. Thầy dạy Văn và làm chủ nhiệm lớp 6C của em ngày đó đấy. Em không nhầm thì thời gian vào khoảng năm 1970, 1971 gì đấy. Đã hơn 40 năm rồi làm sao thầy nhớ em được. Khách nhớ đò chứ đò sao nhớ nổi khách qua sông thầy nhỉ. - Anh ta hồn nhiên liến thoắng.
-Thế hiện nay Hương làm gì? Có ở gần đây không? Sao đến muộn vậy? - Tôi hỏi.
- Dạ, em làm nghề vớ vẩn lắm. Nói thầy đừng cười nhé!
- Sao lại vớ vẩn. Nghề gì cũng quý cả. Miễn sao nghề đó thực sự là kết quả mồ hôi công sức của mình Hương ạ! Ông Hồ Giáo ở Quảng Ngãi chỉ chăn bò thôi mà 2 lần được phong anh hùng đấy. Nào, nay đang làm gì, nói cho thầy biết đi.
- Dạ! Chẳng giấu gì thầy, sau khi rời quân ngũ từ chiến trường Tây Nam, em về định cư và lấy vợ ở Bình Phước đây. Công việc của em bây giờ là chuyên sản xuất bún ngày ngày mang đổ mối cho các nhà hàng thầy ạ. Em ở mãi trên Bù Đốp cách đây tới hơn 20 cây số. Sáng nay có chuyến đổ hàng xa, em định cáo lỗi anh Tĩnh (bố chú rể) nhưng nghe có thầy về dự nên biết có hơi muộn vẫn sắp xếp về bằng được. Gặp lại thầy sau hơn 40 năm, thấy thầy không khác ngày xưa nhiều, em mừng quá. Đặc biệt em muốn chia sẻ với thầy một kỷ niệm mà em không bao giờ quên…
- Kỷ niệm gì nhỉ, Hương kể lại để thầy cùng ôn lại cho vui nào. - Tôi sốt ruột yêu cầu.
- Em biết tất cả những học trò đã học thầy, không ai không có những kỷ niệm riêng. Với em, nhiều năm lăn lộn trong quân ngũ, kỷ niệm em nhớ nhất về thầy là một ý thơ thầy giảng. - Hương vừa nói vừa đưa tay lên lau vội dòng mồ hôi trên trán. - Thầy còn nhớ bài thơ “Viếng bạn” của Hoàng Lộc không ạ.
- Nhớ chứ. Đấy là bài thầy dạy các em năm lớp 6 ngày đó. “Hôm qua còn theo anh/Đi ra đường quốc lộ/Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ…” - Tôi nói và đọc thuộc lòng luôn khổ đầu bài thơ.
- Đấy, đấy, chính khổ thơ này đã gieo ấn tượng làm em nhớ hoài lời thầy giảng hôm đó đấy.
- Hương nhớ thế nào cứ nói đi. Lâu quá lại tuổi tác thầy chẳng còn nhớ gì cả.
- Khi thầy hướng dẫn cả lớp tìm hiểu khổ thơ này, năm bảy bạn trong đó có em đều phát biểu chung một cách hiểu: Hôm qua còn cùng bạn đi công tác trên con đường lớn ở ven rừng, vậy mà nay xót xa thay, bạn đã không còn nữa, buộc tác giả phải làm một việc thật đau lòng là chặt cành cây rừng phủ lên nấm mộ vừa để ngụy trang và cũng là để thay vòng hoa viếng bạn.
Dường như không bằng lòng với cách hiểu này, thầy liền gợi ý: “Các em hãy đọc kỹ lại câu thứ 3 và 4 của khổ thơ xem, liệu hiểu như vậy đã chuẩn chưa?”. Chúng em ngơ ngác nhìn nhau, chưa ai có ý kiến gì mới. Thầy liền hỏi tiếp: “Đọc các khổ sau của bài thơ chúng ta hiểu người đồng đội thân thiết của tác giả hy sinh phải chôn cất trong điều kiện khác thường như thế nào?”. Chúng em liền trả lời ngay là bình thường ai khi chết cũng được nằm trong quan tài trước khi đặt xuống huyệt mộ, song điều khác thường như tác giả nói là “Ở đây không gỗ ván/ Vùi anh trong tấm chăn”.
“Trước tình cảnh đó, nếu em là tác giả điều gì sẽ nảy sinh trong tâm trạng khi cứ thế quẳng đất xuống huyệt để chôn cất người đồng đội?”. Chúng em đều đồng thanh trả lời là sẽ cảm thấy đau đớn thay cho thi thể của bạn. “Vậy để phần nào làm giảm đi nỗi đau đó, nếu em là tác giả, em sẽ có cách xử trí như thế nào?”. Một không khí trầm lắng bao trùm. Một phút trôi qua vẫn không một cánh tay giơ lên. Bỗng lớp trưởng Phú xung phong: “Dạ, thưa thầy, nếu là đồng đội người chiến sỹ ấy khi đấy, em sẽ nhắc nhở mọi người hết sức nhẹ nhàng khi chuyển từng cục đất xuống huyệt mộ ạ!”. Thầy mỉm cười: “Cũng được nhưng chưa thật tối ưu. Cách làm tốt nhất, chính tác giả đã thuật lại trong câu 4 của khổ thơ rồi đấy. Các em đọc và vận dụng một chút trí tưởng tượng là biết ngay đó”.
Một loạt cánh tay tới tấp giơ lên, may mắn em được thầy mời: “Dạ, thưa thầy, cách đó là tác giả đã chặt các cành cây lặng lẽ phủ lên thi thể người đồng đội làm thành một chiếc quan tài giả trước khi quẳng đất xuống huyệt mộ ạ!”. “Hay quá! Đó mới đích thực là cách tác giả đã thực hiện. Vì thế mới xuất hiện câu thơ chặt cành đắp cho người dưới mộ chứ không phải chặt cành đắp cho nấm mộ như cách hiểu đơn giản lúc đầu các em ạ!”.

tin liên quan

Khát vọng sống của cậu bé không tay
Tật nguyền, bị cha mẹ bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, tưởng như cuộc sống đã chấm hết với cậu bé Hà Văn Tài. Nhưng kỳ lạ thay, cậu vẫn sống, vẫn nở nụ cười hồn nhiên như bao đứa trẻ khác, vẫn đến trường làng để viết lên những con chữ tròn trịa...

Cả lớp chìm đi trong niềm xúc động khôn cùng. Với giọng trầm hẳn xuống, thầy lại hỏi tiếp một câu đầy bất ngờ và khơi gợi: “Tại sao ở đây tác giả lại sử dụng từ “đắp” chứ không phải từ “phủ” nhỉ? Nào, đố ai lý giải được đấy?”.
Em vinh dự lại được gọi phát biểu: “Dạ thưa thầy, sở dĩ tác giả dùng từ đắp chứ không phải từ phủ bởi vì từ đắp thể hiện rõ hơn sự thân thương, trĩu nặng tình cảm cứ như người đồng đội của tác giả còn đang sống chứ không phải đã hy sinh ạ!”.
“Tuyệt quá! Tuyệt quá!” - lời khen của thầy hòa trong tràng vỗ tay sôi nổi của cả lớp hôm ấy khiến em nhớ đến tận bây giờ. Và sau đó, thầy đã chốt vấn đề bằng vài câu diễn giảng ngắn gọn chứa chan xúc cảm: “Vậy là các em đã cảm nhận được chiều sâu cảm xúc của khổ thơ rồi đấy. Tình cảm của tác giả - người chiến sỹ dành cho đồng đội của mình đã hy sinh ở đây thật sâu nặng thiêng liêng cao cả biết chừng nào!”.
Hương dừng lời, nhẹ nhàng gắp thức ăn tiếp thêm vào chén cho tôi, rồi lại nói tiếp:
- Thầy biết không, chính cái ý thơ đầy ấn tượng mà thầy hướng dẫn bọn em ngày ấy đã ám ảnh em mãi, đặc biệt trong những ngày chiến đấu ở Campuchia, nơi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1979. Khi đó, em càng hiểu sâu sắc thêm ý nghĩa của tứ thơ ấy trong thực tế tình nghĩa đồng đội của những người lính vào sinh ra tử cùng nhau. Chính em đã không ít lần chứng kiến cảnh đồng đội mình hy sinh cũng trong tình cảnh không gỗ ván phải bọc thi thể bạn trong chiếc võng dã chiến hoặc trong tấm ni lông. Nhưng dù vội mấy, nguy hiểm mấy, nhớ tới ý thơ đó, em lại động viên các đồng đội mình tìm mọi cách kiếm ít cành lá cây rừng đắp cẩn thận lên thi thể bạn bằng được trước khi lấp đất xuống huyệt mộ.
- Trời ơi! Ngồi nghe câu chuyện của anh bạn mà tôi thấy vui thay cho thầy Ký - Một người đàn ông tóc chớm bạc mặc com-lê màu ghi, nghe đâu cũng là một thầy giáo dạy văn đã nghỉ hưu ngồi cùng bàn, bất chợt lên tiếng - Dạy văn mà có những học trò như anh bạn đây đã học mấy mươi năm chẳng những vẫn còn nhớ từng chi tiết thầy giảng mà còn biết thực thi nó một cách nhân văn như vậy thật hạnh phúc lắm lắm. Xin chúc mừng thầy Ký đã có những học trò như anh.
Ông vừa nói vừa đứng dậy trân trọng bắt tay Hương thật chặt trước bao cặp mắt xúc động của mọi người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.