Người 'dùng chân' viết nên kỳ tích - Kỳ cuối: 'Anh hôn em đi!'

28/07/2017 14:06 GMT+7

Sau buổi được gặp nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi đến nhà thầy Hoàng Như Mai để thưa chuyện. Thầy động viên tôi:

- Tốt quá. Đây là cơ hội ngàn năm có một. Bác Đồng khuyên Ký chuyển công tác vào TP.HCM là chí lý đấy. Vừa hợp khí hậu, vừa có điều kiện chữa bệnh, vừa phát huy được ảnh hưởng của mình lại vừa có môi trường viết lách xuất bản thuận lợi. Ký còn chờ gì nữa mà không viết ngay đơn bác Đồng bút phê cho. Có đơn rồi thầy Mai sẽ đưa Ký đến gặp thầy Cao Minh Thì - Giám đốc sở. Nếu cần thì sẽ gặp cả Thành ủy để trình bày. Khi bác Đồng đã có ý kiến thì chắc mọi chuyện sẽ êm thôi!
 

tin liên quan

Người 'dùng chân' viết nên kỳ tích - Kỳ 6: Văn và đời
Cách đây ít năm, tôi về xã Đa Kia, huyện Phước Long (nay là huyện Bù Gia Mập), tỉnh Bình Phước dự đám cưới đứa cháu. Khi tiệc đã gần tàn bỗng xuất hiện một người đàn ông trạc trung niên trông bụi bụi từ ngõ phóng xe máy ào vào sân khánh lễ. 
Được thầy Mai hết lòng ủng hộ, tôi quyết định làm mọi việc như lời thầy chỉ vẽ. Tuy vậy cũng sau gần một năm, được rất nhiều cơ quan, đoàn thể, bạn bè gần xa giúp đỡ tạo điều kiện, thủ tục chuyển công tác của tôi từ Hà Nam Ninh vào TP.HCM mới hoàn thành (9.1994). Trong thời gian chờ đợi, tôi đã năm lần phải thay đổi chỗ ở.
Sáu tháng 5 lần chuyển nhà
Thuyền không bến biết đâu là quê hương
Lênh đênh chiếc bách tha phương
Biết đâu ấm lạnh mà nương bóng chiều?
Giữa phút bâng khuâng xao xuyến đó, ngoài song cửa nơi ở tạm thứ 6 là một phòng học tuềnh toàng đơn sơ của trường An Hội (do Phòng Giáo dục Đào tạo quận Gò Vấp ưu ái bố trí), tôi bất chợt nhận ra cảnh:
Cuối đông trời vẫn trong veo
Bóng dừa xanh vẫn vui reo rộn ràng.
Niềm hy vọng lại thắp lên. Thầy Nguyễn Văn Tiến - Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo quận Gò Vấp cho người đón tôi đến nhà dùng bữa cơm thân thiết. Thầy hứa sẽ mời tôi về làm việc tại trường Bồi dưỡng giáo dục quận. Con gái Ngọc Ánh sẽ về dạy toán ở trường THCS Phan Tây Hồ. Bà xã tôi cũng sẽ được nhận vào làm văn phòng một trường ở Gò Vấp (thời điểm này, Nhiễu đang làm văn phòng tại trường quê hương Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định). Thầy Nguyễn Văn Đại - Trưởng phòng Giáo dục quận 1 đã ra quyết định tiếp nhận con gái Thanh Hương của tôi về dạy trường tiểu học Lê Ngọc Hân. Còn con trai Tuấn Anh cũng được thầy Nguyễn Viết Ngoạn - Hiệu trưởng THPT Nguyễn Công Trứ vui vẻ nhận vào học lớp 12A1 với ưu tiên đặc biệt: được miễn mọi khoản đóng góp.
Trong khi mọi việc đang diễn ra khá suôn sẻ thì một hung tin từ quê chuyển vào: Nhiễu bị tai biến não, đang hôn mê sâu (cả nhà tôi lúc này đều đã có mặt tại TP.HCM, chỉ duy nhất mình bà xã đang còn ở nhà để lo chờ cắt mọi thủ tục xong sẽ vào). Tôi cùng Duy Chinh - chồng Ánh (đang nghỉ phép chờ chuyển công tác tác từ Cam Ranh về Quân khu 7) quyết định đáp máy bay về quê ngay tối đó. Sau nhiều trắc trở, đúng 2 giờ sáng tôi và Chinh mới về tới thành Nam. Không thể chậm trễ, tôi cùng Chinh quyết định bằng mọi giá phải gấp rút có mặt ở nhà ngay trong đêm mặc dù đoạn đường còn tới 35 cây số. Hai cha con đánh liều vào Sở chỉ huy Bộ đội biên phòng Tỉnh gõ cửa học trò Trần Đình đang làm cán bộ tại đây. Đình vồn vã đón tiếp và ngay lập tức bố trí hai xe máy chở cha con tôi về đúng lúc trời đổ mưa.
Tới nhà mới hay tin: Nhiễu đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện. Không kịp nghỉ uống nước, Đình cùng người bạn lại vội vàng khoác áo mưa chở cha con tôi tới phòng cấp cứu hồi sức bệnh viện Hải Hậu. Lúc ấy đã gần 4 giờ sáng. Được một nhân viên trực chỉ dẫn, tôi vội bước nhanh tới chỗ giường Nhiễu đang nằm bất động với lủng củng những trang thiết bị y tế vây quanh. “Thầy Ký về rồi cô Nhiễu ơi!” - tiếng cô điều dưỡng ghé vào tai Nhiễu vừa dứt, tôi nhận ra đôi mắt Nhiễu từ từ mở. Liền sau đó, một giọng nói rất nhỏ đủ cho tôi nghe thấy: “Anh hôn em đi!”. Không nghĩ gì đến mọi người đang đứng chật xung quanh, tôi lặng lẽ đặt rất nhẹ, rất êm, rất lâu nụ hôn lên vầng trán đang lấm tấm mồ hôi của vợ sau nhiều tháng đằng đẵng xa nhau. Nước mắt tôi ứa trào đắng nghẹn.
Trao đổi với bác sỹ trực, tôi biết tình trạng bệnh của Nhiễu rất nguy cấp. Miệng méo. Tay trái và chân trái bị liệt. Khả năng bị xuất huyết não rất rõ. Nếu không kịp thời chuyển lên tuyến trên xử lý, hậu quả sẽ khó lường. Sau phút hội chẩn khẩn, bệnh viện Hải Hậu đồng ý chấp nhận đề nghị của tôi: chuyển Nhiễu lên ngay bệnh viện Bạch Mai. Đúng 5 giờ sáng xe cấp cứu chuyển bánh.
Những ngày thầy Ký lọc máu nơi giường bệnh, nhưng thầy rất lạc quan, yêu đời (ảnh chụp tại Bệnh viện 175 năm 2016)
Sau gần hai tháng điều trị tích cực tại Khoa thần kinh bệnh viện Bạch Mai, Nhiễu đã được xuất viện với di chứng liệt nửa người phía trái. Hai người nay chỉ còn một tay. Tôi bùi ngùi trong nỗi thảng thốt uất nghẹn. Bài thơ “Đôi tay em” đã được tôi viết để động viên Nhiễu cũng là động viên tôi ngay trong những ngày đầy tâm trạng đó nơi bệnh viện giữa Thủ đô:
Kỷ niệm 30 năm ngày cưới 26.12 (1970 - 2000)
Đôi tay em
(Tặng vợ hiền Hồng Nhiễu)
Đôi tay em
gia tài duy nhất
Cả đất trời cha mẹ dành ta.
Đôi tay em
giúp anh hái hoa
Những buổi bình minh chan hòa chim hót
Biến đất nâu
thành luống rau xanh tốt
Biến ruột bầu
thành ngọt mát bát canh
Biến manh áo kia
cứ rách lại lành.
Đôi tay em
Đôi tay vững lái
Đưa anh qua bao đoạn đường xa
Dù mưa dầm nắng dãi
Dù đường dài mấp mô.
Nhớ những ngày các con ta bé thơ
Con bị bệnh
anh chỉ biết nhìn
qua màn mưa thương xót
Đôi tay em vừa bế bồng chăm sóc
Vừa tìm thầy
chạy thuốc
kiếm thang
Vừa lo bữa gạo chiều,
vừa lo trang giáo án dở dang…
Đôi tay ấy
Hôm nay
Trời đất sụt
Con chim ngừng
một cánh
Anh bàng hoàng
buốt lạnh
tái tê
Không!
Không!
Em ơi hãy nhìn kia
Bạn bè ta còn đó
Tình yêu ta còn đó
Các con ta không nhỏ nữa em ơi
Đôi ta còn một tay thôi
Cứ cười em nhé!
đừng rơi giọt buồn!
Hà Nội, thu 1994
Khi vào TP.HCM, tôi đưa bài thơ cho thầy trưởng phòng Nguyễn Văn Tiến đọc. Thầy cười rất tươi để lộ ánh ngời cặp răng vàng rất duyên với câu đùa vui:
- Cậu phải sửa hai câu kết thế này mới hay: “Đôi ta còn một tay thôi/ Nhưng còn hai miệng để cười để yêu!”.
Mấy thầy có mặt hôm ấy cùng vỗ tay cười vang:
- Hay! Hay lắm! Sửa thế mới đúng chất Ngọc Ký đấy!
Năm 2001, sau 30 năm gắn bó hạnh phúc, người vợ Hồng Nhiễu của thầy Ký đã ra đi vĩnh viễn vì tai biến lần 2. Nhớ lời trăng trối của chị gái, bà Hồng Đậu (chồng cũng mất trước đó 10 năm, có 2 con) đã vui vẻ đi bước nữa cùng thầy từ năm 2002.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.