|
Như vậy, trong trường hợp khả quan nhất việc truy cập internet có thể ổn định trở lại vào ngày 23.1 (26 tháng Chạp, âm lịch), nhưng nếu sự cố khó khắc phục thì việc truy cập internet sẽ bị ảnh hưởng đến tận ngày 7.2 (11 tháng Giêng, âm lịch), tức sau Tết Nguyên đán. Điều này ngay lập tức khiến cộng đồng mạng xôn xao, bởi sau sự cố xảy ra với tuyến cáp quang AAG hôm 8.1, tốc độ internet tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng khá nhiều, dù các nhà cung cấp dịch vụ đã điều hướng sang kết nối bổ sung.
Do không thể truy cập internet, hoặc truy cập với tốc độ chậm đến các server quốc tế trong những ngày qua, rất nhiều người dùng đã tỏ ra bức xúc, đặc biệt những khách hàng sử dụng internet làm phương tiện để kinh doanh online. Không chỉ Facebook bị ảnh hưởng, ngay cả việc duyệt email với Gmail hay tìm kiếm với Google cũng khá chậm. Thậm chí, ngay cả khi một số người dùng bật mạng riêng ảo (VPN) hoặc dùng những trình duyệt nén dữ liệu như Opera Mini, hay ứng dụng Facebook Lite thì tốc độ truy cập vẫn không cải thiện bao nhiêu.
Chị Võ Vi Vân một người làm trong ngành marketing và quảng cáo ở TP.HCM, cho biết: “Trong những ngày qua, giá quảng cáo mỗi bài đăng trên Facebook tăng từ 290 đồng/lượt xem lên đến 1.500 đồng/lượt xem vì số khách hàng tiềm năng giảm mạnh”.
Linh Nhi, bán hàng qua mạng, bức xúc: “Mình dùng Facebook để rao bán một số mặt hàng kinh doanh trong những ngày Tết, nhưng việc truy cập Facebook là rất khó khăn. Tải ảnh lên quảng cáo sản phẩm gần như không được. Khó chịu như vậy thì sao mà chịu được chứ, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình. Liệu nhà mạng có đền bù được cho mình thiệt hại hay không, vì hàng thì đã nhập về rồi, không thể trả lại, ra Tết thì bán cho ai đây?”.
Còn bạn Minh Châu, một cư dân mạng, gay gắt: “Internet cũng quan trọng như xăng dầu, nếu mà gián đoạn nguồn cung thì sẽ gây tổn hại rất nhiều tới nền kinh tế, vậy mà các ISP (nhà cung cấp mạng) không để tâm đến, suốt ngày để nó bị gián đoạn hoài... Họ chẳng bao giờ phải lo mất khách, vì cáp đứt thì tất cả nhà mạng đều kém, khách hàng chẳng còn lựa chọn nào ngoài việc lại phải dùng những nhà mạng này”.
Theo đại diện VNPT hiện nhà cung cấp mạng này đang tập trung khắc phục hậu quả. Riêng việc đánh giá thiệt hại và đền bù cho khách hàng đang được đưa ra bàn thảo nội bộ, nhưng chưa có thông tin cụ thể. Khách hàng có thể gửi khiếu nại tới nhà cung cấp dịch vụ mạng thông qua biểu mẫu tại các trung tâm chăm sóc khách hàng, sau đó sẽ được xem xét riêng từng trường hợp.
Cả ba tuyến cáp lớn gặp sự cố đồng thời
Ngày 8.1, tuyến cáp AAG gặp sự cố gây ảnh hưởng đến việc truy cập internet đi quốc tế. Các nhà mạng đã chuyển sang khai thác tạm băng thông từ những tuyến cáp quang khác nhưng tốc độ truy cập vẫn không cải thiện bao nhiêu. Nguyên nhân sự cố được xác định do rò điện tại vị trí cách trạm cập bờ Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 98 km.
Ngày 10.1, đến lượt tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) gặp sự cố với vị trí xác định tại nhánh đi từ Việt Nam đến Hồng Kông. Mặc dù lỗi đã được khắc phục sau khi cấu hình lại nguồn nhưng đến chiều 11.1, IA tiếp tục bị lỗi rò rỉ nguồn tại nhánh đi Singapore.
Trước đó, tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương APG cũng gặp hai sự cố đồng thời vào ngày 31.12 dẫn đến mất lưu lượng đi Singapore. Đáng chú ý, tuyến APG mới chỉ đưa vào sử dụng trong tháng 12.2016.
|
Bình luận (0)