Thông tin và tài khoản đăng nhập vào các dịch vụ mạng xã hội của mỗi người dùng internet luôn là mục tiêu nhắm tới của các đối tượng xấu trên mạng. Có được những thông tin này, kẻ xấu có thể sử dụng để tiếp tục mạo danh người dùng và thực hiện các hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của không chỉ chủ nhân tài khoản mà còn cả những mối quan hệ xung quanh của họ.
Các nền tảng như Facebook cần hành động mạnh mẽ hơn nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng |
Ngọc Dương |
Khi khởi tạo một tài khoản email hoặc mạng xã hội như Facebook, Tiktok… người dùng đều được yêu cầu đặt đúng định dạng mật khẩu với đủ độ phức tạp hoặc biện pháp bảo mật 2 lớp. Trên lý thuyết, các biện pháp này sẽ giúp tài khoản của người dùng được an toàn hơn trước những kẻ lừa đảo trên không gian mạng.
Tuy nhiên, dù tuân thủ các biện pháp phòng vệ ban đầu nói trên, thông tin cá nhân của người dùng bao gồm tài khoản đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại, địa chỉ… của người dùng vẫn đứng trước sự đe dọa bởi những đợt tấn công đánh cắp dữ liệu quy mô lớn nhắm vào các công ty công nghệ, bao gồm cả Facebook hoặc Google.
Năm 2018, một lỗ hổng trong nền tảng nhà phát triển của Google đã bị lợi dụng khiến thông tin đăng nhập, địa chỉ mail, nghề nghiệp, giới tính và độ tuổi của 500.000 người dùng đứng trước nguy cơ bị đe dọa. Gần đây, một lỗ hổng ở tầng mã nguồn trình duyệt web Safari cũng bị phát hiện lỗ hổng, khiến tài khoản Google của người dùng có nguy cơ bị đe dọa.
Nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook tất nhiên cũng là một miếng mồi béo bở mà các hacker nhắm tới. Hồi tháng 4.2021, lợi dụng lỗ hổng bảo mật từ nền tảng Facebook, thông tin cá nhân của 533 triệu người dùng thuộc 106 quốc gia đã bị kẻ xấu đánh cắp và tung lên một diễn đàn “chợ đen”. Facebook cho biết các dữ liệu này bị hack từ một lỗ hổng từ năm 2019 và đã được vá sau đó. Theo các chuyên gia, hacker có thể tận dụng các dữ liệu dù đã cũ này để tiếp tục tiến hành các thủ đoạn khác nhằm thực hiện hành vi xấu.
Đến đầu năm 2022, an toàn thông tin của người dùng Facebook tiếp tục bị đe dọa bởi một đợt rò rỉ quy mô lớn khác. 1,5 tỉ thông tin tài khoản đã bị đánh cắp và rao bán trên chợ đen. Trang thông tin an ninh mạng Privacy Affairs nhận định rằng có thể kẻ xấu đã lợi dụng những công cụ ngay trên nền tảng Facebook như thăm dò, giải đố, bói toán… để lừa người dùng tự cung cấp thông tin cá nhân một cách công khai.
Trước thực trạng các công cụ phát tán nội dung quảng cáo, chứa thông tin độc hại hay thậm chí là mã độc, theo giới chuyên gia, những nền tảng phổ biến như Facebook cần phải có những động thái mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo nên một môi trường mạng xã hội an toàn cho người dùng.
Trong khi đó, các trang đặt phòng khách sạn như Agoda, Booking… cũng từng bị cáo buộc làm rò rỉ thông tin khách hàng, dẫn đến thông tin tài khoản ngân hàng mà khách hàng dùng để trả tiền đã bị kẻ xấu đánh cắp, gây thiệt hại về tài chính.
Bình luận (0)