Người được phẫu thuật ghép mặt đầu tiên ở Mỹ qua đời

Tạ Ban
Tạ Ban
02/08/2020 09:36 GMT+7

Connie Culp, người đầu tiên ở Mỹ được phẫu thuật ghép mặt thành công, đã qua đời, hưởng dương 57 tuổi, theo CNN .

"Connie Culp qua đời do các biến chứng nhiễm trùng không liên quan đến ca cấy ghép mặt", phát ngôn viên của Phòng khám Cleveland - nơi cuộc đại phẫu thuật từng diễn ra, nói với CNN.
"Connie là một người phụ nữ cực kỳ dũng cảm, sôi nổi và là nguồn cảm hứng cho nhiều người. Sức mạnh của cô ấy thể hiện rõ ở chỗ cô ấy là bệnh nhân ghép mặt có thời gian sống lâu nhất tính cho đến nay", tiến sĩ Frank Papay, Chủ tịch Viện Phẫu thuật Da liễu và Phẫu thuật Tạo hình của Bệnh viện Cleveland, người thuộc nhóm phẫu thuật cho Connie lúc trước, nói.
Connie Culp từng bị mất một phần giữa khuôn mặt sau khi bị chồng bắn vào năm 2004. Bà mẹ hai con này bị mù một phần, không thể ngửi và nói, phải phẫu thuật ở cổ để thở.
Tháng 12.2008, Connie Culp đã trải qua một cuộc phẫu thuật cấy ghép kéo dài 22 giờ do bác sĩ Maria Siemionow dẫn đầu, nhờ khuôn mặt của một người hiến tặng. Các lớp mô, xương, cơ và mạch máu, mảnh ghép thần kinh, động mạch và tĩnh mạch đã được ghép nối để làm đầy khuôn mặt bị thương của Connie Culp.
Vào thời điểm đó, các bác sĩ tham gia điều trị của bà Culp nhấn mạnh rằng phẫu thuật không vì mục đích thẩm mỹ, mà là để khôi phục các chức năng cơ bản. Đây là ca ghép mặt gần như đầu tiên ở Mỹ.
Connie Culp đã chia sẻ với CNN rằng bà hạnh phúc với ca cấy ghép. "Giờ tôi có thể ngửi thấy. Tôi có thể ăn bít tết. Tôi có thể ăn hầu hết mọi loại thực phẩm rắn - vì vậy mọi thứ trở nên tốt hơn”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.