Không nên để quá đói
Ở người cao tuổi, men tiêu hóa giảm, răng thường lung lay, sức nhai kém nên khó tiêu hóa thức ăn, dễ mắc bệnh dạ dày, ruột. Vì vậy, việc ăn uống ở người cao tuổi cần phải điều độ, thức ăn phải thật sạch sẽ. Không nên ăn quá no, “đói mười ăn bảy”.
Cũng không nên để quá đói mới ăn. Ăn thừa ở người cao tuổi còn nguy hiểm hơn là ăn thiếu. Gầy không phải là bệnh mà béo phì mới thực sự nguy hiểm cho người cao tuổi. Hạn chế ăn đồ chiên cháy vàng, nên ăn thức ăn tươi hoặc luộc. Tăng cường ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc thực vật như rau, đậu, cà... Thức ăn nên được nêm vừa phải, không quá mặn cũng không quá nhạt.
Nước rất cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Ở người cao tuổi, độ lọc thận giảm đồng thời cũng giảm khả năng điều chỉnh lượng nước tiểu. Có nhiều trường hợp uống nước quá nhiều 3 – 4 lít/ngày dẫn đến tình trạng tiểu nhiều, nếu tiểu nhiều vào ban đêm thường ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ở người cao tuổi chỉ cần uống nước 1 – 1,5 lít/ngày là đủ.
Ngủ nhiều bị xơ vữa động mạch
Tập thể dục đều đặn Nhiều nghiên cứu cho thấy thể dục thể thao làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh khớp, loãng xương... |
Người cao tuổi nên có giấc ngủ hợp lý trung bình 4 – 8 giờ mỗi đêm, giấc ngủ sâu, không có ác mộng và thấy tỉnh táo, sung sức vào ngày hôm sau. Ngủ quá nhiều cũng gây hại cho sức khỏe. Một nghiên cứu về giấc ngủ và những tai biến tim mạch tại Mỹ cho thấy ở nhóm tuổi từ 50 – 59 ngủ 10 giờ mỗi đêm có số tử vong cao hơn gấp 4 lần những người ngủ 7 giờ mỗi đêm.
Còn ở nhóm tuổi từ 60 – 69, những người ngủ 10 giờ mỗi đêm có tỉ lệ tai biến về tim mạch gấp đôi những người ngủ 7 giờ mỗi đêm. Lý do là ngủ nhiều, ít vận động nên dễ bị xơ vữa động mạch mà bệnh này chính là yếu tố thúc đẩy cho nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm khác như cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nếu bị mất ngủ, nên áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc trước, nếu không hiệu quả mới dùng đến thuốc an thần.
Càng cao tuổi càng dễ mắc bệnh, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể bị nguy hiểm tính mạng. Cần phát hiện sớm những bệnh có thể nguy hiểm tính mạng cấp tính như cao huyết áp, cơn đau thắt ngực, tai biến mạch máu não, tiểu đường, loãng xương...
Theo Thạc sĩ – bác sĩ Phan Hữu Phước / Người Lao Động
(Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - TPHCM)
Bình luận (0)