Người già học vẽ

14/01/2017 08:33 GMT+7

Lớp học vẽ ký ức là một không gian nhỏ nhắn giữa Hà Nội, nơi trong tiếng nhạc không lời, những người lớn tuổi tự vẽ những bức vẽ về cuộc sống qua lăng kính của mình.

Chúng tôi đến thăm lớp học vẽ này (đóng tại ngõ 121 phố Chùa Láng, Q.Đống Đa) vào khoảng 3 giờ chiều, khi bài vẽ tĩnh vật bằng màu nước của các học viên mới bắt đầu được 30 phút. Thầy giáo trẻ, trông mới ngoài 30 tuổi, đang giải thích rất cặn kẽ về bố cục, phối màu cho các học viên. Xung quanh chiếc bàn hình chữ nhật, các học viên cao tuổi chăm chú lắng nghe, rồi say sưa cầm bút, đưa những nét vẽ đầu tiên trong tiếng nhạc du dương.
Trò chuyện với chúng tôi trong giờ giải lao, một học viên ngoài 60 tuổi nói rằng, khi biết bà đi học vẽ, nhiều người đã khá ngạc nhiên. Bà cũng từng nghĩ rằng mình không thể vẽ được. Buổi đầu tiên tới lớp bà khá e thẹn và còn rất ngần ngại khi được bày ra trước mặt giấy, chì, gôm tẩy. Bà run, luống cuống, mất 15 phút không vẽ được nét nào, cho đến khi thầy giáo và các trợ giảng đến, ngồi bên cạnh, tỉ tê nói chuyện, động viên bà “sẽ làm được” thì bà mới dần tự tin trở lại. Tuy nhiên, chỉ sau 3 buổi học, bà đã trở thành một trong những học viên hào hứng nhất của lớp vẽ này.

tin liên quan

Cô giáo dùng mỹ thuật để kéo trẻ khỏi màn hình công nghệ

Tại New Zealand, rất nhiều phu huynh muốn kiểm soát thời lượng con trẻ sử dụng thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng. Một nữ họa sĩ đã nảy ra sáng kiến độc đáo là sử dụng hội họa thay thế công nghệ.


Còn bà Nguyễn Kim Dung (56 tuổi, nhà ở phố Hàng Buồm, Q.Hoàn Kiếm) cho biết, bà rất ham vẽ nhưng hồi còn trẻ phải bươn trải mưu sinh. Bây giờ có điều kiện, bà đi học vẽ để thỏa niềm đam mê. “Được học vẽ tôi vui lắm. Cuộc sống cũng thêm phần thi vị. Tôi đi học vẽ cũng là để có thể dạy cháu ngoại học vẽ. Con gái tôi sắp sinh em bé rồi”, bà Dung chia sẻ.
"Tôi thấy thật là vui"
Bà Lan (75 tuổi, nhà ở phố Vũ Trọng Phụng, Q.Đống Đa) là giảng viên đại học về hưu. Cứ chiều thứ 5 hằng tuần bà lại đón taxi từ nhà tới phố Chùa Láng để học vẽ. “Học vẽ để tìm lại cảm hứng sống. Tôi nói văn vẻ thế thôi, chứ thời gian dành cho con cháu nhiều rồi, bây giờ tôi có được vài tiếng mỗi ngày sống cho mình, được làm điều mình thích. Đến đây được trò chuyện với mọi người, được hòa mình vào từng nét vẽ, tôi thấy thật là vui”, bà Lan nói.
Nhiều học viên đến với lớp học vẽ này là do con cháu vận động, giới thiệu nhưng sau đó lại rất hào hứng theo học. Anh Lê Đăng Ninh, chủ xưởng vẽ Tí toáy Atelier, người sáng lập lớp học vẽ cho biết, có lần một cô gái đưa bố ngoài 60 tuổi đến đăng ký và “ép” bố theo học. “Ông bố đành miễn cưỡng ngồi nghe giảng, rồi cầm chì, pha màu. Thế nhưng vài buổi sau, bác ấy là học viên xuất sắc, hôm nào cũng đến lớp đúng giờ. Các buổi học, theo như bác ấy chia sẻ, là khoảng thời gian bác cảm thấy được thư giãn, rất thoải mái”, anh Ninh kể.

“Người già ở các đô thị lớn như Hà Nội nhiều khi bị bỏ rơi trong chính nhà mình, hoặc họ cô đơn quá, hoặc quá bận bịu lo cơm nước, trông cháu chắt. Vậy thì họ giải trí bằng gì?. Chúng tôi mong muốn từ lớp học vẽ này, người lớn tuổi tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Họ vẽ cuộc sống bằng những gam màu của chính mình. Họ sống lại những ước mơ tuổi trẻ mà thời gian, cơm áo gạo tiền từng làm họ không với tới”, anh Lê Đăng Ninh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.