Theo đó, cuộc thi viết "Người thầy kính yêu" lần thứ 3 đã thu hút gần 200 tác phẩm dự thi, ban tổ chức chọn đăng 42 tác phẩm trên Báo Người Lao Động và đây cũng là các tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo. Ban tổ chức đánh giá các tác phẩm dự thi năm nay có chất lượng cao, có sức lan tỏa rất lớn về tình nghĩa thầy trò, truyền thống tôn sư trọng đạo; về những tấm gương giáo viên ngày đêm bám trường, bám lớp, tận tụy với nghề…
Ban giám khảo chọn ra 7 tác phẩm tiêu biểu để trao giải gồm 1 giải nhất (trị giá 30 triệu đồng) trao cho tác phẩm Người giáo viên quả cảm của tác giả Ngô Thị Thu Vân viết về nhà giáo Nguyễn Thị Kim Dung, nữ cảm tử quân trong trận đánh Majestic (Sài Gòn) lẫy lừng năm 1948. Sau khi ra tù, cô nỗ lực học tập, trở thành giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Bên cạnh đó là 1 giải nhì (20 triệu đồng), 2 giải 3 (15 triệu đồng/giải) và 3 giải khuyến khích (7 triệu đồng/giải) đã được trao cho các tác phẩm. Dịp này, Báo Người Lao Động cũng đã vinh danh các nhà giáo tiêu biểu là nhân vật trong các bài viết dự thi, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, cho biết tinh thần xuyên suốt của mọi tác giả - tác phẩm đến với cuộc thi là "Tôn sư trọng đạo" - truyền thống quý báu, tốt đẹp của dân tộc. Ban giám khảo trải qua các vòng chấm đã chọn ra 7 tác phẩm xuất sắc để trao giải, đồng thời bình xét để vinh danh 4 nhà giáo hôm nay, đều là những nhân vật tiêu biểu bước ra từ các trang viết. Các bài đăng đã tạo được sự lan tỏa rất lớn về tình nghĩa thầy trò, truyền thống tôn sư trọng đạo; về những tấm gương nhà giáo ngày đêm bám trường, bám lớp, tận tụy với nghề, hy sinh vì tương lai của học trò. Dù công tác tại vùng cao, vùng xa, nông thôn hay thành phố, dù đang công tác trong các cơ sở giáo dục hay các mái ấm, nhà mở, ở các lớp học tình thương… dù dạy văn hóa hay dạy nghề, dạy kỹ năng…, thì đội ngũ người thầy được khắc họa trong các tác phẩm đều để lại ấn tượng sâu sắc, nhiều bài viết rất chân thực, xúc động.
Bình luận (0)