|
Đến thăm gia đình bà Thị Giôn đúng lúc bà đang ngồi dệt vải. Đôi tay thoăn thoắt đưa thoi bên những vuông vải màu chàm, màu trắng. Vừa làm bà vừa trò chuyện rôm rả. Bà kể 5 tuổi đã được mẹ dạy cho cách dệt vải. Ngày trước, muốn dệt ra được cái áo, cái quần thì phải tự lên nương thu hoạch bông về làm chỉ. Nhưng bây giờ, cây bông không còn được trồng nữa mà nhường đất để trồng cây keo, cây mì, cao su. Vì yêu cái đẹp của thổ cẩm S’tiêng và mong muốn phải giữ được cái nghề của tổ tiên nên bà cất công tìm nguyên liệu để tự làm ra sản phẩm quần, áo, túi xách… cho mọi người.
Chỉ với một khung dệt đơn giản, những cuộn len, sợi chỉ, dưới bàn tay khéo léo, điêu luyện của nghệ nhân Thị Giôn đã trở thành những tấm thổ cẩm đẹp, tinh xảo. Để sản phẩm có thể phù hợp với mọi người, bà đã sáng tạo và cách tân sản phẩm làm ra từ thổ cẩm như váy, túi xách phù hợp với nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng, nhưng không làm mất đi nét đẹp truyền thống của các họa tiết.
Năm 2012, sản phẩm thổ cẩm của nghệ nhân Thị Giôn được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Phước. Điều đáng ghi nhận ở nghệ nhân Thị Giôn là bà luôn có ý thức bảo tồn và lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bà đã tự nguyện vận động phụ nữ trong ấp cùng tham gia dệt vải, hướng dẫn cách may đo để làm ra sản phẩm. Việc vận động, tập hợp chị em dân tộc thiểu số tham gia lớp học nghề dệt thổ cẩm lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn. Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống đã phát triển từ lâu đời nhưng do tác động khách quan và nếp sinh hoạt thay đổi, nên nhiều gia đình không còn gắn bó dẫn đến nghề bị mai một dần. Rất nhiều phụ nữ có tay nghề dệt tinh xảo nhưng đã bỏ nghề để làm vườn rẫy và kinh doanh buôn bán nhỏ.
|
Sau khi khảo sát, tìm hiểu nhu cầu thực tế từ nghệ nhân Thị Giôn và nhiều phụ nữ người dân tộc S’tiêng ở xã Thanh An, vừa qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước đã ký hợp đồng kinh tế với nghệ nhân Thị Giôn để thực hiện đề án “Hỗ trợ đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho người dân tộc S’tiêng ở ấp Lồ Ô, xã Thanh An, H.Hớn Quản. Từ sự hỗ trợ này, nghệ nhân Thị Giôn đã mở lớp dệt thổ cẩm cho đồng bào S’tiêng tại ấp với 32 học viên đầu tiên tham gia. Trong vòng 2 tháng, bà Thị Giôn đã hướng dẫn chị em làm ra những sản phẩm tinh xảo, quy trình kỹ thuật dệt các loại thổ cẩm truyền thống như phương pháp phối màu, dùng màu, màu nền, bố cục hoa văn trên váy, khăn, mền, khăn trải bàn, áo, túi xách...
Ông Vũ Duy Khiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước cho biết dệt thổ cẩm là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc S’tiêng. Việc gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hóa thông qua sản phẩm dệt thổ cẩm của nghệ nhân Thị Giôn là điều rất đáng trân trọng và cần được phát huy nhân rộng.
Phước Hiệp
Bình luận (0)