Người giữ lúa mùa

06/07/2018 10:00 GMT+7

Kỹ sư Lê Quốc Việt, Trưởng phòng NN-PTNT H.Châu Thành (Kiên Giang) vừa phục dựng phiên bản 'đời sống sản xuất lúa mùa' đã tồn tại, phát triển hàng trăm năm qua ở ĐBSCL.

Gọi là phục dựng vì nền nông nghiệp sản xuất lúa mùa vùng châu thổ sông Cửu Long đã mất đi hàng chục năm qua.
Bảo tồn văn hóa lúa mùa
Trên thửa ruộng hơn 2 ha của gia đình ở ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Hòa Hiệp, H.Châu Thành, kỹ sư Lê Quốc Việt trồng giống lúa tài nguyên (lúa mùa bản địa trước đây) theo cách sản xuất của ông bà ngày trước. Từ khâu phát cỏ, cày ải, bừa trục đất, gieo mạ, nhổ mạ, cấy lúa đến việc thu hoạch đều thực hiện thủ công với những nông cụ truyền thống. Cây lúa sinh trưởng phát triển tự nhiên suốt thời gian 7 - 8 tháng, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu cho đến khi lúa làm đòng, trổ bông, ngậm sữa và chín vàng.
Công đoạn xay lúa, rê lúa đều làm thủ công được kỹ sư Việt phục dựng trên thửa ruộng của gia đình Ảnh: Minh Khoa
Những ngày ruộng lúa này vào vụ thu hoạch, bà con nông dân xung quanh và một số địa phương lân cận có dịp sống lại không khí ngày mùa rộn ràng, vui tươi của ngày xưa. Tiếng gặt lúa sột soạt, tiếng đập lúa thình thịch hòa cùng tiếng nói, tiếng cười của các mẹ, các chị, các anh trên đồng; tiếng xay lúa rào rào bên bờ ruộng, tiếng giã gạo theo nhịp chày đôi… Tất cả đã tái hiện sinh động hình ảnh thu hoạch lúa mùa của làng quê Nam bộ trước đây, gợi lại trong lòng nhiều lão nông một đời gắn bó với cây lúa mùa, với “con trâu đi trước cái cày theo sau”… trên đồng ruộng.
Cụ Nguyễn Văn Nhựt (83 tuổi, ngụ ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Hòa Hiệp) xúc động nói: “Cả đời gắn bó và sống với cây lúa mùa, đã mấy chục năm rồi tôi mới có dịp thấy lại con trâu kéo cộ lúa, cái vòng gặt, cái bồ đập lúa, cái cối xay, cái chày giã gạo và con cháu cặm cụi gặt lúa, đập lúa dưới ruộng. Tôi vui lắm và nhớ như in công việc đồng áng ngày xưa. Nghề trồng lúa mùa của tổ tiên, ông bà để lại hiện không còn nữa, ít người biết đến”.
Thu hoạch lúa mùa truyền thống trên thửa ruộng của kỹ sư Việt
Hàng chục năm trước đây, sản xuất lúa mùa ở vùng châu thổ sông Cửu Long mỗi năm chỉ cấy trồng một vụ trong mùa nước nổi, lúa sinh trưởng phát triển tự nhiên và thu hoạch vào trước hoặc sau tết cổ truyền. Nhưng kể từ khi lúa “thần nông” xuất hiện trên đồng đất, một năm sản xuất 2 - 3 vụ và nền nông nghiệp ĐBSCL ngày càng phát triển để tăng năng suất, sản lượng thì cây lúa mùa bị mai một dần, đến nay hầu như không còn nữa.
Kỹ sư Việt chia sẻ: “Tôi xuất thân từ nông dân, lớn lên trong đời sống lúa mùa. Khi trưởng thành tiếp tục gắn bó với ngành nông nghiệp nên những dấu ấn trong sản xuất lúa mùa đối với tôi rất sâu nặng và rất giá trị. Hơn 12 năm qua, tôi ấp ủ trong lòng, luôn suy nghĩ làm cách nào đó để tái tạo, giữ gìn đời sống sản xuất lúa mùa đã mất và đến năm 2017 mới có điều kiện phục dựng lại”.
Cả đời gắn bó và sống với cây lúa mùa, đã mấy chục năm rồi tôi mới có dịp thấy lại con trâu kéo cộ lúa, cái vòng gặt, cái bồ đập lúa, cái cối xay, cái chày giã gạo và con cháu cặm cụi gặt lúa, đập lúa dưới ruộng. Tôi vui lắm và nhớ như in công việc đồng áng ngày xưa. Nghề trồng lúa mùa của tổ tiên, ông bà để lại hiện không còn nữa, ít người biết đến
Cụ Nguyễn Văn Nhựt

Đối với kỹ sư Việt, phục dựng lại phiên bản “đời sống sản xuất lúa mùa” bằng tất cả tâm huyết, nhằm bảo tồn văn hóa lúa mùa, lưu giữ những nông cụ truyền thống, công việc đồng áng, phương thức hoạt động sản xuất của cha ông, tái tạo nguồn lợi cá đồng tự nhiên, đời sống sinh hoạt, giao tiếp của người xưa… Tất cả những gì liên quan đến văn hóa lúa mùa đều đang được kỹ sư này dày công đầu tư công sức, tiền bạc để nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ. Thêm nữa, việc tái hiện lại khung cảnh ngày mùa làng quê Nam bộ với những nét đẹp chân chất, mộc mạc, thật thà của người nông dân “chân lấm tay bùn”, nhằm giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết thêm về vấn đề này. Những người yêu thích về nông nghiệp có ký ức đẹp, lưu luyến về lúa mùa ngày xưa có thể đến đây chia sẻ, trải nghiệm. Đây cũng là nơi cho các học sinh đến tìm hiểu tổ tiên, ông bà ngày xưa sản xuất lúa để biết về quá khứ, gìn giữ văn hóa lúa mùa truyền thống và phát huy.
Tạo ra lúa gạo sạch, chất lượng cao
Kỹ sư Việt cho hay, trên cơ sở phục dựng thành công bước đầu phiên bản “đời sống sản xuất lúa mùa” ông sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm nông cụ và lắng nghe đóng góp ý kiến của cộng đồng xã hội, nhất là những lão nông vùng ĐBSCL để hoàn thiện phiên bản này vào năm 2019.
Cùng với đó, ông sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nhà trưng bày nông cụ, cơ sở hạ tầng khuôn viên; sưu tầm, tìm kiếm những nông cụ sản xuất xưa như phảng - cù nèo phát cỏ, lưỡi cày trâu, bừa trục đất, nọc cấy, vòng gặt lúa, cối xay lúa, cối chày giã gạo, gàu dây tát nước… cùng những giống lúa mùa bản địa như: ba bụi, một bụi, chim rơi, trắng tép, trắng lùn, nếp than, tài nguyên, đuôi trâu... Nghiên cứu hoàn thiện quy trình canh tác lúa mùa sản xuất xanh theo cách truyền thống, tạo ra sản phẩm lúa gạo sạch, chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kỹ sư Việt chia sẻ: “Ngoài việc bảo tồn, gìn giữ cho cộng đồng xã hội và giúp thế hệ trẻ hiểu biết về đời sống sản xuất lúa mùa, mục tiêu của việc phục dựng phiên bản cây lúa mùa truyền thống là hướng tới sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, tạo nguồn lúa gạo xuất khẩu giá trị cao”.
Và theo ông, trong bối cảnh mức độ ô nhiễm khá trầm trọng, hằng năm ĐBSCL gánh chịu một lượng phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu khổng lồ, đất đai ngày càng kém màu mỡ, xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại thì sản xuất nông nghiệp xanh - sạch là thông điệp kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay phát triển nền nông nghiệp VN an toàn, bền vững, chất lượng, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.