Người Hà Nội - Chuyện ăn, chuyện uống một thời: Rượu nếp của bà tôi

07/10/2021 06:25 GMT+7

Nếu bạn hỏi tôi uống rượu từ bao giờ, tôi có thể trả lời không ngần ngại: Từ lúc lên bốn, lên năm!

Thuở nhỏ, cứ đến ngày tết giết sâu bọ mồng năm tháng năm, mới tỉnh giấc là chúng tôi đã nghe tiếng rao “ai rượu nếp đây... ai rượu nếp nào...” vang ngoài phố. Thế là mẹ tôi gọi bà hàng rượu nếp vào, mua cho mấy chị em chúng tôi mỗi đứa một bát.

Cái bát đựng rượu là thứ bát đặc biệt, nhỏ xíu mà lại nông choèn, còn đôi đũa ăn rượu nếp thì vót nhọn một đầu. Bà hàng bán rượu mở tàu lá sen tươi đậy thúng ra, xới cho chúng tôi mỗi người một bát vơi cơm rượu rồi tưới lên một chút rượu nước đục đục. Mùi men rượu thơm lừng quyến rũ. Từng hạt gạo nếp đã lên men trắng ngà chín mọng. Tôi ăn dè, gẩy từng hạt vào miệng để cảm hết cái khoái của vị ngòn ngọt và hơi cay cay, nồng nồng của thứ rượu thần kỳ mà mỗi năm, chỉ được thưởng thức một lần vào ngày này, gọi là để giết sâu bọ. Mọi người tin rằng sáng sớm ngày mồng năm tháng năm mà ăn rượu nếp và hoa quả xanh thì mọi sâu bọ trong ruột chết hết nên tết này mới được gọi là tết giết sâu bọ. Mẹ tôi cũng ăn một bát, bà còn mua thêm một chai rượu cốt đã đặt trước của bà hàng rượu để uống dần. Mẹ tôi pha thêm chút rượu ngang để giữ được lâu và nút miệng chai bằng lá chuối khô.

Người ta bảo phụ nữ nên uống rượu nếp sau khi sinh nở cho khí huyết lưu thông. Khi con dâu có mang, nhiều bà mẹ chồng đã chuẩn bị sẵn hũ rượu nếp. Rượu nếp cả cái lẫn nước được trữ trong vò và ngâm cùng trứng gà để nguyên cả quả, thêm vào dăm lạng táo tàu và chút rượu ngang. Hũ sành đựng rượu được đậy nắp bằng rơm nắm bọc lá chuối khô rồi trát tro hòa vôi bên ngoài cho thật kín, đem để chỗ khô ráo trong góc nhà hoặc hạ thổ. Trước khi hạ thổ, người ta lấy đất sét trát kín miệng vò phòng khi chôn dưới đất lâu ngày, nước ngấm vào. Người vừa ở cữ uống một chén trước mỗi bữa ăn thì sẽ chóng phục sức và nhiều sữa. Bà tôi nói thế.

Cơm rượu nếp Tết đoan ngọ

Thục Yến

Bà nội làm rượu nếp

Mẹ tôi không tự tay làm rượu nếp bao giờ nhưng bà nội tôi thì lại ủ rượu rất thành thạo. Khi tuổi đã cao, bà về sống cùng với chúng tôi. Gần đến ngày Tết đoan ngọ, bà đi mua gạo, mua men về chuẩn bị làm thúng rượu nếp cho cả nhà cùng giết sâu bọ.

Gạo nếp làm rượu là thứ gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu chứ không sát sạch đi lớp vỏ cám. Thứ gạo này ngoài chợ người ta gọi là gạo xay. Hạt gạo màu vàng đục và có hương thơm đặc biệt của gạo nếp cái. Gạo được đồ trong chõ sành thành xôi chín. Bà bảo muốn cho hạt rượu mọng thì đồ xong một lần phải cho xôi ra rá, xối qua nước lạnh rồi đồ tiếp lần nữa. Xôi đồ xong được đánh tơi, tãi ra mẹt, để nguội. Men rượu là thứ men màu trắng như vôi, bên ngoài có dính mấy vỏ trấu nom chỉ nhỉnh hơn quả trứng nhện.

Bà tôi giã nhỏ các nắm men rồi rắc trộn đều vào mẹt xôi nguội. Tôi tò mò hỏi: “Men là gì?”, bà chỉ trả lời: “Ôi dào, bà cũng chẳng biết, nghe nói người ta làm bằng các thứ rễ cây trộn thuốc bắc, thuốc nam”. Sau này lớn lên, có nhiều dịp đi công tác nơi này nơi kia, tôi cố tìm lời giải cho câu hỏi từ thuở còn thơ mà đâu có dễ. Mỗi vùng người ta lại có bí quyết làm men khác nhau. Men là một trong những thứ quyết định chất lượng của rượu. Tuy thế, người không uống quen thì bảo rằng men rượu trên miền núi uống ngái; người uống quen thì lại khen nó thơm.

Sau khi đã trộn đều xôi với men rượu, bà tôi đổ vào trong cái rá to có lót lớp lá chuối khô, rồi cẩn thận lấy lá chuối đậy kín mặt. Bà bảo ở nhà quê, người ta thường lấy lá ngái hay lá sen để lót rá. Lót bằng lá ngái hay lá sen thì rượu có vị thơm riêng, nhưng ở thành phố tìm đâu ra hai loại lá ấy. Cuối cùng, bà đặt chiếc rá xôi trộn men lên trên một cái âu sứ. Âu này để hứng nước rượu chảy xuống khi rượu đã ngấu. Thế là xong một “công việc thần kỳ”. Sau này tôi mới biết “công việc thần kỳ” ấy là ủ cho men chuyển hóa tinh bột của gạo thành ra rượu, một quá trình sinh hóa rất phức tạp.

Chúng tôi thấp thỏm chờ đợi xem cái gì xảy ra. Tôi chỉ muốn lật lá chuối lên để xem thứ xôi bà ủ đã biến đổi ra sao nhưng không dám. Bà tôi bảo hễ cháu nào mở ra, rượu hỏng thì không có gì để giết sâu bọ, là hỏng ăn đấy!

Hai ngày hai đêm trôi qua, mùi thơm lừng quyến rũ bốc ra từ cái rá diệu kỳ của bà làm cho lũ trẻ chúng tôi càng hồi hộp chờ mong đến sáng ngày mồng năm, được trông thấy thành quả.

Đúng sáng sớm ngày Tết đoan ngọ, lũ trẻ chúng tôi thức dậy thật sớm. Để giết sâu bọ, bà tôi chia cho mỗi đứa mấy quả mận xanh. Mẹ tôi bổ quả dưa hấu cho mỗi đứa một miếng. Tiết mục quan trọng nhất là bà tôi mở rá rượu nếp. Khi tàu lá chuối đã ngả màu được nhấc ra, một mùi men rượu thơm nồng lan tỏa khắp nhà. Từng hạt gạo nay đã chuyển thành rượu mượt mà trên mặt rá. Bà tôi dùng ba chiếc đũa nhẹ nhàng xới rượu nếp ra từng bát và chắt chút nước cốt rượu vàng óng trong liễn, rưới vào từng bát cho chúng tôi. Chúng tôi sung sướng thưởng thức cái hương vị kỳ diệu do chính tay bà tôi tạo nên. Cái hương vị và cái cảm giác sung sướng ấy suốt đời tôi không bao giờ quên mỗi khi nhớ tới bà tôi, mẹ tôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.