Người Hà Nội mê bóng đá từ khi nào

25/08/2016 10:22 GMT+7

Thập niên 30 thế kỷ trước phong trào chơi thể thao phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội xưa như quần vợt (tennis), xe đạp, bóng bàn. Nhiều môn thể thao, như bóng đá chẳng hạn, đã xuất hiện ở thành phố này từ đầu thế kỷ 20.

Phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc gặp gỡ với nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả của những cuốn sách Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội và ghi lại những tư liệu về quãng thời gian này.
Thú chơi bóng đá tại Hà Nội xưa
Chiều chủ nhật năm 1906, trên sân Mangin (sân Cột Cờ xưa) các đơn vị lính Pháp đóng quân tại Hà Nội mang ra một quả bóng da và đá với nhau, thu hút rất đông đảo người đến xem. Năm 1907, Hà Nội ra đời 2 đội bóng là Nhà binh 9eRIC (Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 9) và Câu lạc bộ bóng đá.
Tháng 2 năm 1912, CLB bóng đá Hà Nội (Stade Hanoien) ra đời. Đội bóng này không có lính Pháp và lê dương, chỉ có người Tây làm việc ở các công sở và người Việt Nam yêu thích.

tin liên quan

Bóng đá Sài Gòn một thời vang bóng: Dũng mãnh như Hồ Thanh Chinh
Năm 1966, thủ môn Hồ Thanh Chinh đã cùng đội tuyển miền Nam đoạt Cúp Merdeka danh giá. Thành công của ông trong vị trí trấn giữ khung thành có được nhờ luôn giữ gìn sức khỏe và tận dụng được nhiều kỹ thuật của các môn thể thao khác.
Trận bóng đầu tiên giữa CLB Bóng đá Hà Nội và Nhà binh 9eRIC diễn ra ngày 1.11.1913 tại sân Cột Cờ đã thu hút gần 3.000 khán giả, đông đến mức sau đó trong một cuốn hồi ký, đốc lý Hà Nội Logerot, giữ chức từ 9.1912 đến tháng 2.1915 đã cảm thán rằng, không thể tưởng tượng rằng người An Nam đến xem đông như thế.
Bóng đá là một môn thể thao bình dân, chỉ cần có quả bóng, không cần yêu cầu nhà thi đấu, bàn, vợt… tốn tiền, môn thể thao này ngày càng thu hút mọi người tham gia. Đến những năm cuối cùng của thập niên đầu thế kỷ 20, Hà Nội xuất hiện khá nhiều CLB bóng đá mà người tham gia đa phần là người Việt…
Phong trào công ty thành lập đội bóng để quảng bá thương hiệu cũng xuất phát từ xưa. Nhiều công ty trả lương cho các cầu thủ để chơi bóng quanh năm. Như năm 1924, nhà Godard Tràng Tiền, bây giờ là Trung tâm thương mại Tràng Tiền đã thành lập đội Racing Club.
Sân SEPTO xưa giờ là sân vận động Hàng Đẫy Thúy Hằng
Về những sân cỏ có từ thời Pháp, hay được nhắc đến bây giờ ở Hà Nội là sân Cột Cờ (tiếng Pháp là Mangin, khu vực Cột Cờ Hà Nội bây giờ, giờ không còn), sân Hàng Đẫy (tên tiếng Pháp xưa là SEPTO).
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến có viết trong Đi xuyên Hà Nội, năm 1919, ông Nguyễn Quý Toản đi du học ở Pháp về mở Trường thể dục thể thao EDEP đầu tiên ở Hà Nội trên khu đất nhà máy diêm, giờ là khu tập thể Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng. EDEP thu hút rất đông thanh niên đến tập xà đơn xà kép, bóng bàn, đặc biệt là bóng đá. Năm 1930, thành phố quy hoạch lại khu vực này, đổi cho EDEP khu đất khác ở Cát Linh, EDEP đổi tên thành Hội thể thao Bắc Kỳ SEPTO. Hội cải tạo một bãi đất trống khu Cát Linh thành sân bóng đá SEPTO rất đơn giản, đó là tiền thân của sân vận động Hàng Đẫy bây giờ.
Ngày 8.3.1946 là một dấu mốc quan trọng của thể thao Việt Nam nói chung, bóng đá Việt Nam nói riêng. Chiều 8.3, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sân SEPTO dự lễ khai mạc hội khỏe và xem trận bóng đá giữa Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu và đội Vệ quốc đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đá quả bóng danh dự khai mạc trận đấu.
Năm 1956, nhà nước cho xây dựng lại sân Hàng Đẫy, chiều 24.8.1958, sân Hàng Đẫy mới được khánh thành.
Từ những ngày mới xuất hiện tại Hà Nội đến những năm tháng sau này, bóng đá luôn là một môn thể thao vua. Bóng đá “phủi” không ai rõ có thời gian nó bắt đầu có trên đường phố Hà Nội. Thanh niên, thiếu nhi đá bóng bất kể giờ giấc, bất kể không gian, miễn nơi nào rộng rãi, ít người lại qua. Hà Nội ngày xưa vắng, nhiều trận bóng được tổ chức ngay trước quảng trường Nhà hát lớn, vỉa hè các con phố Hà Nội, nhiều người đi xe đạp trên phố còn bị bóng văng vào người, đổ cả xe.
Xem bóng đá trên sân Hàng Đẫy xưa Ảnh tư liệu
Thời kỳ bao cấp, những giải bóng đá tổ chức tại sân Hàng Đẫy như giải bóng đá quân đội các nước xã hội chủ nghĩa năm 1984, người ta đến sân rất đông, có khi phải trèo cả lên bờ rào, mái nhà để xem.
Theo trí nhớ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, thập niên 70, 80 thế kỷ trước, hình ảnh những người dân Hà Nội khoác áo tơi (áo mưa) đứng dưới trời mưa, ngay dưới chân các cột điện có treo loa phát thanh để nghe bình luận bóng đá trên Đài tiếng nói Việt Nam không còn xa lạ. Thậm chí, những ngày mưa gió, người ta còn trèo lên cây cột, ôm ngang cây để nghe cho rõ. Đó mãi mãi là những hình ảnh xúc động về một Hà Nội yêu bóng đá vô cùng trong quá khứ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.