Thông tin được bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) chia sẻ tại Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường do Báo Lao động tổ chức chiều 29.3.
Diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và người lao động ngồi lại với nhau, tìm ra các giải pháp hiệu quả trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang diễn ra phức tạp; đồng thời là nơi tôn vinh các sáng kiến nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo ông Dương Trung Thành, Chủ tịch Công đoàn Bộ TN-MT, mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 500 tỉ túi nhựa, 13 triệu thùng dầu để sản xuất nhựa, 1 triệu chai nhựa được mua mỗi phút, 100.000 động vật biển bị chết vì rác thải nhựa mỗi năm. Khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới; dự báo tới 1.124 triệu tấn nhựa vào năm 2050.
Tại Việt Nam, mặc dù Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho biến đổi khí hậu, song công tác bảo vệ môi trường nói chung và phòng chống rác thải nhựa nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Nêu lên những khó khăn trong công tác thu gom, xử lý rác thải nhựa, bà Hoàng Thị Bích Hạnh cho biết, trung bình mỗi ngày Hà Nội thu gom gần 7.000 - 7.500 tấn rác thải (tương đương gần 0,8 kg/người/ngày), tăng 5 - 10%/năm, trong đó có 8 - 12% rác thải nhựa, giấy.
"Việc thu gom, quản lý rác thải nhựa vô cùng vất vả vì ngõ nhỏ, không có quy hoạch điểm tập kết. Rác thải nhựa thường cồng kềnh, khó vận chuyển và lưu kho; người dân đổ rác không có giờ; không có ý thức phân loại rác; rác thải đôi khi lẫn nước... gây ô nhiễm môi trường", bà Hạnh phản ánh.
Bên cạnh tuyên truyền, chế tài với người dân, theo Bà Hạnh, cần có chính sách để người dân tham gia tái chế nhựa một cách bền vững, như giảm chi phí nếu rác được phân loại; có chính sách giảm thuế đối với các doanh nghiệp thực hiện công tác tái chế.
Để góp phần phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải, ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm truyền thông TN-MT (Bộ TN-MT), cho rằng công nhân lao động là đối tượng tiên phong để thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường. Thời gian qua, đã có nhiều ý tưởng sáng kiến đến từ cơ sở, những người lao động.
Do đó, ông Lý đề xuất, cần có những giải thưởng tôn vinh những ý tưởng, cá nhân người lao động có nhiều cống hiến bảo vệ môi trường; đồng thời đề nghị các chủ doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện nhà máy xanh, góp phần bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ người lao động.
Bình luận (0)