Xuống tóc, khỏa thân
Ông tên thật là Nguyễn Đức Đạt, sinh năm 1959, quê quán tại Đà Nẵng. Thuở nhỏ học vẽ truyền thần, lớn lên một chút ông mê võ thuật còn đến khi gặp chúng tôi thì dường như... chẳng ai biết ông mê thứ gì nữa. Bởi cuộc đời ông, kể từ khi rời Đà Nẵng vào Sài Gòn (năm 1976) cho đến thời điểm này đã lăn xả vào quá nhiều lĩnh vực, mà lĩnh vực nào người ta cũng thấy ông dốc hết tâm can.
Ông kể, sau 10 năm thuê mặt bằng mở tiệm vẽ ở góc đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Văn Cừ, ông không trụ nổi ở đất Sài Gòn nên lui ra Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) dạy võ. Nhưng khi tên tuổi của võ đường Quang Đạt vừa kịp nổi lên sau một số trận đấu đài thì một hôm, đoàn làm phim Tây Sơn hiệp khách của đạo diễn Lê Hoàng Hoa đến gõ cửa. "Tôi nhớ đó là năm 1988, đoàn phim mời tôi vào vai một trưởng toán nin-ja và nhờ giúp thêm cho họ 50 môn sinh để thực hiện mấy cảnh quay đấm đá" - ông kể lại ngày đầu tiên bước chân vào điện ảnh của mình như vậy.
Say luôn không khí phim trường sau thành công của Tây Sơn hiệp khách, ông đóng cửa võ đường quay trở lại Sài Gòn. Theo chân các đoàn phim, lúc thì ông là một cascadeur đóng thế các pha "chết người" cho diễn viên, lúc lại vào những vai "xương xẩu" (như cai ngục Cù Lũ Nhí trong Vượt sóng, kẻ âm mưu ám sát Bác Tôn trong Tổ quốc tiếng gà trưa, trùm du đãng bãi đào vàng trong Xóm suối sâu, trùm ma túy trong Duyên phận...), rồi vai một sinh viên mỹ thuật thư sinh (phim Tạ từ trong mưa)... Nhưng cũng có lúc ông không phải "diễn" gì cả mà làm họa sĩ thiết kế, làm cố vấn võ thuật (phim Cảnh sát hình sự), rồi phó đạo diễn (phim Người đàn bà không hóa đá)... Trong số những tập tài liệu lộn xộn mà ông mang đến cho chúng tôi xem trong lần gặp mới đây, có một mẩu giấy nhỏ nhăn nhúm (có dấu đỏ) của Hãng phim Giải Phóng ghi: "Giấy xác nhận cạo đầu đóng phim". Thấy chúng tôi tò mò, ông nói: "Tôi đã tham gia hơn 60 phim, trong đó có 3 lần cạo đầu, 1 lần khỏa thân".
Lịch sự, gia phong đến thế là cùng!
Với một hình hài lúc nào cũng gần như lập dị, phản cảm: áo quần lè phè, các ngón tay thì bị nhóm cà rá bâu kín, dây xích bạc lủng lẳng trên cổ, tóc dài chấm đến ngực còn thêm chòm râu phất phơ phủ xuống tận yết hầu và một chiếc mũ màu đen lụp xụp lấn át khuôn mặt xương xẩu... khiến trẻ con gặp ngoài đường phải khóc ré bỏ chạy, người lớn thì len lén ngoảnh đi, ấy thế nhưng Quang Đạt đã sống với ai thì hầu như đều làm khổ họ vì cái tính... lịch sự của mình. Ông gặp ai cũng bắt hai tay và trễ hẹn 3 phút cũng rối rít xin lỗi. Giới điện ảnh ở TP.HCM còn đồn rằng thời gian sống với đạo diễn Đào Bá Sơn, những lúc mải mê công việc, dù quên mất là đêm đã khuya nhưng Quang Đạt vẫn nhớ "dựng" ông Sơn dậy chỉ để nói một câu: "Thưa anh, em đi ngủ"!
Quang Đạt trả lời phỏng vấn của phóng viên VTV3 ở lề đường Nguyễn Trung Trực (TP.HCM). Ảnh: Lữ Đắc Long |
Rời Long Hải lên TP.HCM, Quang Đạt "gắn" với đạo diễn Đào Bá Sơn như hình với bóng. Đêm đêm sau giờ làm việc, họ cùng vượt "cầu thang tối" ở khu tập thể của Hãng phim Giải Phóng (đường Nguyễn Thông, quận 3) để trở về căn hộ của đạo diễn Đào Bá Sơn ở tầng hai. Ở đó, đạo diễn Đào Bá Sơn còn có một bà mẹ già. Và trải qua gần 10 năm coi Quang Đạt như con ruột của mình, có lần bà phải thốt lên: "Tội nghiệp thằng Đạt, may mà là đàn ông, nếu đàn bà thì suốt ngày... chửa hoang!". Bà nói thế vì đã nhìn thấy đằng sau cái "hình hài dữ dằn" thì Quang Đạt là một người tử tế, trung thực, trung thành, luôn sống hết mình với anh em bạn bè và đặc biệt là rất cả tin.
Hầu hết những "giai thoại thâm cung" về Quang Đạt, hôm tiếp xúc với chúng tôi đạo diễn Đào Bá Sơn đều còn nhớ và xác nhận. Ông kể có lần đoàn làm phim phải quay suốt đêm, đến 8h sáng hôm sau ông mới về được đến nhà và lăn ra ngủ. Nhưng trong giấc ngủ ông cứ cảm giác như có bàn tay ai vỗ nhẹ vào vai mình cùng với một điệp khúc lặp đi lặp lại "anh Sơn, anh Sơn...". Khi ông giật mình thức giấc thì thấy Quang Đạt đứng bên cạnh khoanh tay thưa: "Xin anh cho phép em đi chơi với mấy thằng bạn"!
Tài sản "không đụng hàng"
Một buổi sáng cùng chúng tôi bước vào quán cà phê Thềm Xưa trên đường Nguyễn Cảnh Chân, quận 1, vừa nghe nói đạo diễn Vũ Ngọc Đãng mới bước ra, Quang Đạt đã lăng xăng chạy tìm. Tìm gặp rồi, ông ân cần mời Đãng đến bãi giữ xe và đưa bút lông mời... ký tên vào xe. Chiếc Lambretta của ông lúc ấy nhìn vào thấy như không còn "đất" nữa, nhưng ông vẫn loay hoay "cạy" ra được một khoảng nhỏ. Đạo diễn phim Những cô gái chân dài đi rồi, Quang Đạt quay lại với chúng tôi: "Tìm anh ấy lâu nay mà không gặp, bây giờ mừng quá, như muốn ôm vào lòng vậy". Chúng tôi hiểu, với ông đấy là cảm xúc thật. Ông kể, khi xin chữ ký của hoa hậu Lý Thu Thảo, ông phải nhịn đói "canh" trước rạp Long Vân suốt từ sáng đến gần 13h chiều. Lúc xin được rồi thì nổ máy xe ra về mà... muốn xỉu. Có lần do vội quá, người ký tên để nét bút nhợt nhạt, ông sợ người ngoài nhìn vào sẽ suy diễn này nọ, tội người ấy nên đã cặm cụi suốt gần 3 giờ đồng hồ để "đồ" lại cho rõ. Nhưng rồi cũng có một lần, khi ông thắng xe chặn đường xin chữ ký một nữ nghệ sĩ tên tuổi thì người này đã phủi tay: "Xin lỗi, tôi không quen cái thói đó". Ông buồn nghệ sĩ ấy đến nay chưa dứt!
PV Thanh Niên được Quang Đạt mời ký tên vào chiếc Lambretta. Ảnh: Lữ Đắc Long |
Chúng tôi đã có dịp khám phá tường tận chiếc Lambretta. Trên đó có hầu như đủ mặt anh tài giai nhân của làng điện ảnh suốt mấy mươi năm qua. Và với những ai đã... về thế giới bên kia như nghệ sĩ Bắc Sơn, đạo diễn Khương Mễ, Lâm Tới, Rober Hải... thì ông trân trọng chấm một vết son tròn bên cạnh chữ ký của họ. Ngoài chợ trời, một chiếc Lambretta cổ lỗ, mang biển số đăng ký tỉnh Bình Định như thế cùng lắm chỉ bán được vài trăm ngàn đồng. Nhưng cách đây ba năm, có một nữ giám đốc đã đến Hãng phim Giải Phóng tìm ông và đề nghị mua chiếc xe ấy giá... 45 ngàn USD. Không biết người ta đùa hay muốn mua thật, nhưng quan điểm của ông là: không bán! Đến bây giờ, ai hỏi mua bao nhiêu ông cũng không bán. "Nếu bán, tôi sẽ đưa ra đấu giá, được bao nhiêu đem đi làm từ thiện. Còn không, tôi sẽ giữ lại, sau này chắc chắn bảo tàng điện ảnh rất cần" - ông bảo thế.
Nhưng khối "tài sản không đụng hàng" của Quang Đạt ngày nay không chỉ là chiếc Lambretta với mấy trăm chữ ký của những người nổi tiếng. Ông còn có cây bút khổng lồ bằng gỗ lim (dài 1,2m) dành riêng cho các nhà báo "đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" ký tên lên đó; có bộ sưu tập "Những bước chân thời gian của nghệ thuật" (xin mỗi nghệ sĩ một chiếc giày); bức trướng "Võ đường Quang Đạt" với gần cả ngàn chữ ký của những võ sư tên tuổi khắp đất nước; những chiếc máy chụp ảnh, máy điện đàm, đèn "hột vịt"... cổ lỗ nhất mà người đời đã bỏ quên. Tất cả những "báu vật" ấy đang được ông trân trọng cất giữ tại căn hộ nghèo của mình ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Nơi đó, hằng ngày có người vợ tần tảo hết lòng yêu thương chồng thay ông lau chùi, bảo quản. Và nơi đó cũng có một mái ấm hạnh phúc với hai con nhỏ mà chính quyền địa phương đã chứng nhận "Gia đình văn hóa".
"Lang thang khắp nơi, ăn góp thiên hạ suốt nhưng với đàn bà, tôi xin “cá” rằng Quang Đạt xưa nay chỉ có một bà vợ duy nhất, thằng này thật kỳ lạ" - đạo diễn Đào Bá Sơn nói thế.
Võ Khối - Lữ Đắc Long
Bình luận (0)